Đối phó với F0 trong cộng đồng

.

Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng ngày càng nhiều. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là thực tế tất yếu khi diễn biến dịch bệnh tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước phức tạp và việc kiểm soát người đến, về từ vùng có dịch còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phòng, chống Covid-19 là trách nhiệm của cả cộng đồng và trong bối cảnh nguồn lây nhiễm ngày càng nhiều như hiện nay, người dân cần trang bị những kiến thức cơ bản để đối phó với các F0 tiềm ẩn. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

* Bác sĩ đánh giá về nguy cơ dịch bệnh Covid-19 hiện nay trên địa bàn thành phố?

- Số ca mắc Covid-19 hiện nay liên tục tăng mỗi ngày. Đơn cử, từ ngày 10-7 đến ngày 14-7, thành phố ghi nhận 45 ca mắc Covid-19. Đáng chú ý, ngoài những ca mắc là công dân cách ly khi trở về từ vùng dịch, số ca mắc ngoài cộng đồng bắt đầu tăng lên. Trong 4 ngày, chúng ta ghi nhận 4 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng mà chưa xác định được nguồn lây. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân V.H.B (trú phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) ghi nhận ngày 10-7, trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.T.M.P (trú phường An Khê, quận Thanh Khê), trường hợp thứ 3 là bệnh nhân P.Q (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đều được ghi nhận vào ngày 13-7.

Và mới đây nhất, chiều 14-7, lực lượng chức năng tiếp tục ghi nhận một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mắc Covid-19. Tất cả các ca bệnh được phát hiện khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đến khám và được xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở y tế. Mỗi khi phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, lực lượng tuyến đầu đều hết sức vất vả. Bởi chỉ có truy vết, cách ly, xét nghiệm thần tốc để rút ngắn chu kỳ lây nhiễm mới nhận định được tình hình và kiểm soát được dịch bệnh. Việc xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng với tốc độ lây lan nhanh là thực trạng đáng lo và người dân cần cẩn thận hơn.

* Như vậy, dịch bệnh luôn tiềm ẩn trong cộng đồng. Trong khi chờ cơ quan chức năng hỗ trợ, can thiệp, người dân có thể đối phó được không, thưa bác sĩ?

- Hoàn toàn có thể. Trong chiến lược phòng, chống Covid-19, Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương đều nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc đồng hành, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Khuyến cáo 5K của Bộ Y tế cũng nêu rõ, người dân cần tuân thủ việc mang khẩu trang - khử khuẩn - khai báo y tế - không tụ tập - khoảng cách. Cần hiểu đúng và thực hiện một cách nghiêm túc các khuyến cáo này, đây là cách hạn chế tối đa mức độ lây nhiễm. Đáng tiếc là thời gian qua, các sở, ngành, địa phương ngoài việc tuyên truyền cần phải thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Trước thực trạng hiện nay, ngành y tế khuyến cáo người dân luôn đề cao cảnh giác, bởi mầm bệnh luôn tồn tại xung quanh mình, từ đó thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch một cách tự giác. Trên thực tế, ghi nhận số ca mắc thời gian qua có thể thấy, những F1 của bệnh nhân mắc Covid-19 đều nhanh chóng dương tính với SARS-CoV-2. Họ là đồng nghiệp cùng làm việc chung một chỗ, là vợ, con, cháu của bệnh nhân sinh sống trong cùng một gia đình. Cơ quan, gia đình luôn tiềm ẩn nguy cơ nếu chúng ta không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, tự bản thân mỗi người hãy cố gắng tăng cường hệ miễn dịch để tự thân ngăn ngừa dịch bệnh trong thời gian chờ vắc-xin.

* Bác sĩ có thể nói thêm về vai trò của hệ miễn dịch trong phòng, chống Covid-19?

- Covid-19 là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Các bệnh truyền nhiễm do virus không có thuốc đặc trị mà chỉ ngăn chặn, loại trừ bằng vắc-xin hoặc tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể. Trong bối cảnh vắc-xin phòng Covid-19 đang khan hiếm nguồn cung, chưa đáp ứng được nhu cầu thì sức đề kháng của cơ thể, được xem là “hàng rào chắn” chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.

Không có gì tốt hơn trong việc phòng, chống bệnh tật bằng cách tăng cường sức khỏe của bản thân. Tăng sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể bằng cách thiết lập chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, khoa học giàu vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần xây dựng cho bản thân và gia đình cuộc sống lành mạnh, uống nhiều nước, ăn chín uống sôi, tập thể dục đều đặn… Nếu vô tình mắc Covid-19 một cách tự nhiên trong khi sức đề kháng của cơ thể tốt thì cũng được xem như cơ thể đang sản xuất ra kháng thể kháng Covid-19.

* Bộ Y tế vừa có hướng dẫn về việc rút ngắn thời gian điều trị, cách ly và thí điểm cách ly F1 tại nhà. Đà Nẵng đã chuẩn bị những việc này như thế nào, thưa bác sĩ?

- Đúc kết nhiều kinh nghiệm thực tiễn và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế có những đổi mới trong phòng, chống Covid-19 mang lại hiệu quả cao. Những đổi mới theo nội dung tại Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14-7 của Bộ Y tế là cách để giảm tải cho khu vực điều trị và cách ly F1 hiện nay, nhất là trong bối cảnh số ca mắc và F1 liên quan đang quá tải ở nhiều địa phương.

Đối với Đà Nẵng, đây là thời điểm thuận lợi để thí điểm cách làm này. Hiện ngành y tế đang xây dựng kế hoạch chi tiết để trình Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Sau khi được thông qua, chúng tôi sẽ thực hiện thí điểm tại 1 hoặc 2 phường để rút ra những kinh nghiệm và hoàn thiện hơn trước khi áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố.

* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

ĐẠI BÌNH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.