Liên kết, phối hợp trong truy vết, phòng dịch

.

Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, nguy cơ xuất hiện các ca mắc mới xâm nhập từ bên ngoài luôn thường trực. Việc truy vết các trường hợp liên quan, có nguy cơ lây nhiễm cao đòi hỏi lực lượng y tế không chỉ nhanh nhạy, chủ động, mà cần liên kết chặt chẽ với các địa phương khác để nắm bắt thông tin xuyên suốt và kịp thời.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng truy vết các trường hợp liên quan đến ca mắc Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng truy vết các trường hợp liên quan đến ca mắc Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG

Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố là đơn vị liên tục tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên địa bàn thành phố. Theo đó, khi ghi nhận ca mắc mới, dựa trên thông tin khai báo y tế bệnh nhân cung cấp, lực lượng y tế cơ sở tỏa ra các địa điểm, tìm những người có tiếp xúc để gửi về Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Tại đây, các nhân viên y tế tổng hợp, chọn lọc và sắp xếp theo trình tự thời gian, địa điểm liên quan đến bệnh nhân.

Theo thạc sĩ Đặng Quang Ánh, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, để đáp ứng tiêu chí nhanh chóng, kịp thời trong việc cung cấp thông tin dịch tễ, lực lượng chuyên môn phải vận dụng tất cả các kênh thông tin có được. Có những trường hợp phức tạp, bệnh nhân di chuyển liên tục, đến nhiều địa điểm và tiếp xúc nhiều người, đội ngũ truy vết phải tăng cường nhân lực, chia nhỏ từng mốc thời gian để xác minh và xử lý.

“Một trong những kênh thông tin hết sức quan trọng mà CDC Đà Nẵng không thể bỏ qua đó là tiếp nhận dữ liệu của bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ CDC các tỉnh, thành phố khác. Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch xuất hiện ở nhiều địa phương thì việc liên kết, nắm bắt thông tin qua kênh này hết sức quan trọng”, thạc sĩ Đặng Quang Ánh cho biết.

Ngày 24-6, CDC Đà Nẵng nhận được thông tin từ CDC Quảng Ninh về việc ghi nhận bệnh nhân T.T.T (ở trọ tạo đường Lê Thạch, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) mắc Covid-19 tại địa phương này. Sau khi tiếp nhận thông tin, CDC Đà Nẵng phối hợp các địa phương nhanh chóng điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm những trường hợp liên quan. Kết quả trong tối cùng ngày, lực lượng chức năng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 11 trường hợp F1 và 21 trường hợp F2 liên quan.

Rất may, tất cả các trường hợp trên âm tính với SARS-CoV-2. Tương tự, mới đây nhất, CDC các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cung cấp thông tin cho CDC Đà Nẵng về việc có 13 trường hợp nhiễm Covid-19 tại các địa phương này trước đó có mặt tại cảng cá Thọ Quang để buôn bán hải sản. Ngay trong đêm 28-6, ngành y tế và quận Sơn Trà tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ ngư dân, tiểu thương tại khu vực này với hơn 3.000 người.

Bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế Sơn Trà cho biết: “Việc cung cấp thông tin từ các tỉnh khác giúp địa phương chủ động hơn trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phát hiện sớm nhất nguy cơ để tránh lây lan ra cộng đồng”.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, Bộ Y tế hiện nay vẫn chưa có quy định CDC các địa phương bắt buộc phải liên kết, chia sẻ thông tin dịch tễ. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, CDC các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động liên kết để trao đổi, chia sẻ thông tin hỗ trợ cho nhau. Thông qua tiện ích của internet, các nhóm được thành lập và chia theo cấp độ, từ lãnh đạo CDC đến khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm của các địa phương. Ở đó, thông tin về các ca bệnh được chia sẻ, các địa phương có trách nhiệm tìm hiểu, chọn lọc trên tinh thần không bỏ sót và xử lý nhanh chóng, kịp thời.

“Đặc trưng của việc truy vết là đón đầu các nguy cơ. Hiện nay, chủng virus mới có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng và dễ dàng, nếu không kiểm soát các yếu tố từ bên ngoài và nhờ sự hỗ trợ từ CDC các tỉnh, thành phố thì các địa phương không thể chủ động truy vết, giám sát và cách ly những trường hợp nguy cơ. Tuy nhiên, ngoài lực lượng chức năng, vẫn cần sự hỗ trợ, tự giác của chính người trong cuộc. Bởi hiện nay, tình trạng khai báo y tế không trung thực, bỏ sót lịch trình đi lại, tiếp xúc vẫn đang diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị”, bác sĩ Thạnh cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.