Nỗ lực để hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin vào cuối năm 2021

.

Ngày 9-8, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thành phố, Chủ tịch UBND thành Lê Trung Chinh đề nghị Sở Y tế căn cứ vào số lượng vắc-xin được phân bố từng đợt để xây dựng kế hoạch tiêm cụ thể, bảo đảm đúng đối tượng và nguồn nhân lực triển khai thực hiện, hướng đến mục tiêu cuối năm 2021, Đà Nẵng đạt miễn dịch cộng đồng nếu được phân bổ đủ vắc-xin.

Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm đúng đối tượng, an toàn. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Cung thể thao Tiên Sơn (Ảnh chụp tháng 7-2021). Ảnh: PHẠM ĐĂNG KHIÊM
Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bảo đảm đúng đối tượng, an toàn. TRONG ẢNH: Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Cung thể thao Tiên Sơn. (Ảnh chụp tháng 7-2021). Ảnh: PHẠM ĐĂNG KHIÊM

Công suất tiêm chủng đạt khoảng 20.000 người/ngày

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các quận, huyện tập trung tuyên truyền để người dân hiểu đây là kế hoạch dài hơi, trước mắt ưu tiên tiêm cho người có bệnh nền, người lớn tuổi. “Ngành y tế thành phố triển khai hiệu quả, đúng tiến độ tiêm số vắc-xin được phân bổ trước đó, đặc biệt bảo đảm an toàn trong công tác tiêm chủng. Trong mỗi đợt tiêm tiếp theo, Sở Y tế phải có kế hoạch riêng cho từng đối tượng và từng địa điểm tổ chức cụ thể”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương bảo đảm cơ sở vật chất; đồng thời triển khai lực lượng tham gia phân luồng, hướng dẫn, sắp xếp người dân đến các điểm tiêm, tránh tình trạng tập trung đông người; chuẩn bị phương án cấp cứu tại các điểm tiêm… “UBND các quận, huyện lập danh sách người đủ điều kiện tiêm chủng kèm theo thông tin cá nhân cụ thể, gửi về Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật, thống kê. Công an thành phố triển khai lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm tiêm.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp Quân khu 5 triển khai vận chuyển vắc-xin đến các điểm tiêm. Song song đó, ngành y tế cung cấp số điện thoại và thành lập lực lượng tư vấn, hỗ trợ người dân sau tiêm cũng như kêu gọi đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia vào chiến dịch tiêm chủng. Đặc biệt, Sở Y tế tiếp tục tham mưu UBND thành phố có văn bản đề xuất Trung ương tiếp tục hỗ trợ vắc-xin và các trang thiết bị cần thiết để thành phố hoàn thành tốt chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị.

Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố thiết lập 10 địa điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố với 100 điểm tiêm chủng, tổng công suất có thể thực hiện tiêm chủng cho khoảng 20.000 người/ngày. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, ngành y tế chủ động rà soát tất cả các cán bộ, lực lượng y tế hiện đang làm việc, từ tuyến xã trở lên để tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác tiêm chủng. Ngoài ra, cũng tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ y tế tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đủ điều kiện, lực lượng cán bộ y tế hưu trí để hỗ trợ triển khai công tác tiêm chủng. Đến nay, Sở Y tế thiết lập được 140 đội tiêm (với nhân lực 3 người/đội), sẽ bố trí cho các điểm tiêm chủng để thực hiện.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng.  Ảnh: PHAN CHUNG
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Bảo đảm an toàn cho người tiêm

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu tháng 3-2021 đến nay, sở được Bộ Y tế phân bổ 8 đợt với 185.450 liều vắc-xin (trong đó 112.400 liều AstraZeneca, 67.200 liều Moderna, 5.850 liều Pfizer), đã tiếp nhận 97.850 liều. Sở tổ chức 6 đợt tiêm với số lượng 58.329 liều (có 7.456 người đã tiêm đủ 2 mũi). Đến nay đã tiêm 67% số lượng vắc-xin được phân bổ. Dự kiến đến ngày 18-8, hoàn thành tiêm 100% số lượng vắc-xin tiếp nhận phân bổ từ Bộ Y tế. Qua thống kê, theo dõi, có 20% trường hợp phản ứng thông thường, 1 trường hợp phản ứng nặng nhưng được xử lý cấp cứu kịp thời, không để lại biến chứng cho người bệnh.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, tại tất cả các điểm tiêm chủng đều bố trí bộ phận thường trực với đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ điểm tiêm chủng. Ngoài ra, bố trí xe cấp cứu để hỗ trợ công tác vận chuyển cấp cứu khi cần thiết. Đồng thời, thành lập các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu tại các điểm tiêm chủng, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết.

Tại điểm tiêm chủng tổ chức theo dõi đối tượng được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng. Hướng dẫn đối tượng tiêm chủng thường xuyên ở tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu bất thường. Cung cấp số điện thoại để người dân liên hệ các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có biểu hiện sức khỏe bất thường.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thành phố cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó có 826.000 người từ 18 tuổi. Để tiêm đủ 2 mũi cho số lượng này, thành phố cần 1,6 triệu liều vắc-xin. Nếu được phân bố đủ vắc-xin, đến cuối năm 2021, thành phố sẽ tiêm đạt 100% số người từ đủ 18 tuổi trở lên, góp phần đạt miễn dịch cộng đồng”.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.