Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19

.

Sau khi nhận số lượng lớn vắc-xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu ngành y tế phối hợp UBND các quận, huyện tổ chức tiêm chủng sớm cho người dân. Trong đợt tiêm chủng quy mô lớn nhất lần này, các quy trình tổ chức được cải tiến, rút ngắn thời gian trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu an toàn cho người dân trước, trong và sau tiêm.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cho người dân ở Cung thể thao Tiên Sơn. (Ảnh chụp tháng 8-2021) Ảnh: KIM LIÊN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cho người dân ở Cung thể thao Tiên Sơn. (Ảnh chụp tháng 8-2021). Ảnh: KIM LIÊN

Bố trí thêm điểm tiêm

Theo kế hoạch phân công của Sở Y tế, từ ngày 15 đến 20-9, huyện Hòa Vang tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 22.000 người. Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, công tác tổ chức, chuẩn bị cơ sở vật chất đã hoàn tất từ trước. Để bảo đảm an toàn về giãn cách trong thời gian tiêm cũng như bố trí đầy đủ khu vực nghỉ ngơi, theo dõi sau tiêm, UBND huyện Hòa Vang trưng dụng 2 cơ sở giáo dục trên địa bàn quận để thiết lập 2 điểm tiêm vắc-xin cho người dân. Cụ thể, huyện bố trí 1 điểm tiêm tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong) với 9 bàn tiêm để phục vụ tiêm chủng cho người dân tại 7 xã, gồm: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phú. Điểm tiêm thứ 2 là Trường THCS Trần Quang Khải (xã Hòa Sơn) cũng được thiết lập với bàn tiêm phục vụ công tác tiêm chủng cho người dân 4 xã còn lại, gồm: Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc và Hòa Ninh.

Từ sáng sớm 15-9, người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang có mặt tại 2 điểm tiêm để được hướng dẫn, làm thủ tục trước khi vào tiêm chủng. “Mọi thứ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, không phải chen lấn và chờ đợi lâu. Tôi mong muốn thành phố tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin cho tất cả mọi người để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường”, ông Nguyễn Văn Sáu (58 tuổi, trú xã Hòa Châu) chia sẻ. Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang cũng cho biết, trước mắt, việc tiêm chủng diễn ra thuận lợi. Tại các điểm tiêm, lực lượng chức năng được bố trí, tăng cường để hướng dẫn, hỗ trợ. “Ngoài đội ngũ nhân viên y tế, chúng tôi huy động thêm 40 đoàn viên thanh niên, 30 công an, dân quân và 28 giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố để việc nhập liệu thông tin cho người dân được nhanh chóng, chính xác”, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết thêm.

Trong khi đó, quận Sơn Trà đặt mục tiêu rút ngắn thời gian tổ chức tiêm từ 6 ngày xuống còn 4 ngày. Theo bác sĩ Ngô Văn Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, trong kế hoạch tiêm từ ngày 15 đến 21-9, địa phương được phân bổ và giao tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 28.200 người. “Chúng tôi lập 3 điểm tiêm tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, Khu công nghiệp Đà Nẵng và điểm tiêm tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, phường Nại Hiên Đông với tổng số 23 bàn tiêm. Việc tăng thêm điểm tiêm và bàn tiêm chủng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ. Dự kiến mỗi ngày địa phương tiêm được khoảng 7.000 người, trong 4 ngày sẽ hoàn thành kế hoạch thay vì 6 ngày như dự tính”, bác sĩ Hoài cho biết.

Theo Sở Y tế thành phố, trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lần này, các địa phương đã thiết lập 15 điểm tiêm chủng với quy mô 120 bàn tiêm. Một số trường học, trung tâm văn hóa - thể thao được trưng dụng do có lợi thế về không gian, bảo đảm giãn cách và không gian theo dõi người dân sau tiêm. Ngoài ra, ngành y tế còn bố trí thêm 10 điểm tiêm cố định tại các cơ sở y tế đủ điều kiện trên địa bàn thành phố.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân huyện Hòa Vang sáng ngày 15-9. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân huyện Hòa Vang sáng ngày 15-9. Ảnh: PHAN CHUNG

Giảm quy trình, bảo đảm an toàn

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, khác biệt của đợt tiêm chủng lần này là có sự vào cuộc của các địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Theo đó, các địa phương có trách nhiệm khảo sát, thiết lập các điểm tiêm chủng, bố trí nhân lực hỗ trợ, lên danh sách tiêm chủng theo đúng đối tượng được nêu trong kế hoạch, ngành y tế có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định cơ sở vật chất tại các điểm tiêm.

“Trong kế hoạch tiêm chủng từ 15 đến 21-9, có khoảng 70% trường hợp tiêm được giao trực tiếp cho UBND các quận, huyện lập danh sách trên cơ sở phù hợp các nhóm đối tượng đã nêu. Việc mở rộng điểm tiêm là sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. Song song đó, sau mỗi đợt tiêm, ngành y tế sẽ đánh giá, rà soát lại chất lượng, cách tổ chức, rút kinh nghiệm từng địa phương và mở rộng thêm các điểm tiêm đủ điều kiện để đáp ứng theo tiêu chí đưa điểm tiêm về gần dân hơn”, bác sĩ Thủy cho biết.

Hiện nay các quy trình tiêm chủng cũng được rút ngắn hơn so với quy định. Cụ thể, ngày 10-9, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4355/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Hướng dẫn này chỉ rõ, việc đo huyết áp được thực hiện với một số trường hợp nhất định thay vì tất cả người dân trước khi tiêm chủng. Theo đó, việc đo huyết áp chỉ áp dụng đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp; người có bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi…

“Việc loại bỏ các thủ tục không cần thiết giúp giảm thời gian liên quan đến một trường hợp được tiêm. Người dân không phải chờ đợi lâu và công suất, hiệu quả làm việc của nhân viên y tế cũng được nâng lên. Tất nhiên, mục tiêu ưu tiên của hoạt động tiêm chủng vẫn là bảo đảm an toàn cho người được tiêm. Vì vậy, Sở Y tế tiếp tục ban hành thêm các hướng dẫn cụ thể về công tác tiêm chủng, từ quy trình, các trang thiết bị phòng hộ, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn cho người dân trước và sau tiêm để hạn chế tối đa những trường hợp phản ứng nặng trong quá trình tiêm vắc-xin”, bác sĩ Thủy thông tin.

PHAN CHUNG

Các đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ban hành ngày 10-9, các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng, thận trọng khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần. Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Nhiệt độ thấp hơn 35oC và cao hơn 37,5oC; mạch thấp hơn 60 lần/phút hoặc cao hơn 100 lần/phút; huyết áp tối thiểu thấp hơn 60 mmHg hoặc cao hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa thấp hơn 90 mmHg hoặc cao hơn 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hằng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế); nhịp thở cao hơn 25 lần/phút.

(Nguồn Bộ Y tế)

 

;
;
.
.
.
.
.