Hai tuần nỗ lực phát hiện F0 trong cộng đồng

.

ĐNO - Từ 8 giờ sáng 16-8-2021, Đà Nẵng bước vào giai đoạn phòng, chống Covid-19 ở mức độ cao nhất theo Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 của UBND thành phố. Trong nỗ lực kiểm soát, không chế dịch bệnh, ngành y tế có nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ, mở rộng quy mô, đối tượng xét nghiệm với mục tiêu phát hiện nhanh, sớm các F0. 

Sau hai tuần triển khai các nhiệm vụ, kết quả từ hoạt động xét nghiệm cho thấy tình hình dịch bệnh có những tín hiệu tích cực. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố về vấn đề này.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG

+ Bác sĩ có thể khái quát về số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên địa bàn thành phố trong hai tuần qua?

- Từ 12 giờ ngày 17-8 đến 12 giờ ngày 1-9, toàn thành phố ghi nhận 2.230 trường hợp mắc Covid-19 tại 7 quận, huyện. Trong đó quận Hải Châu là địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19 nhiều nhất với 791 ca; tiếp theo là các quận Cẩm Lệ 488 ca; Thanh Khê 475 ca; Sơn Trà 141 ca; Ngũ Hành Sơn 117 ca; Liên Chiểu 111 ca; thấp nhất là huyện Hoà Vang với 98 ca.

Ngoài ra, địa phương có ghi nhận 9 ca mắc Covid-19 về từ các vùng dịch. Để phát hiện nhanh, nhiều và kịp thời các ca mắc, CDC Đà Nẵng chủ lực cùng  sự phối hợp các cơ sở y tế tổ chức đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm.

Nếu như thời điểm từ 18 giờ ngày 31-7, khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND, bình quân số mẫu xét nghiệm được xử lý là 48.626 mẫu/ngày thì từ 8 giờ ngày 16-8, khi bắt đầu thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND, số mẫu xét nghiệm bình quân mỗi ngày được lấy và xử lý lên tới 104.786 mẫu/ngày.

Từ 8 giờ 28-6, thành phố tiếp tục giãn cách theo Quyết định 2860/QĐ-UBND của UBND thành phố. Tính đến ngày 1-9, bình quân số mẫu xét nghiệm được lấy là 84.866 mẫu/ngày.

+ Những con số nêu trên nói lên điều gì, thưa bác sĩ?

- Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch, CDC Đà Nẵng và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm RT-PCR phù hợp trong các giai đoạn, từ đó phát hiện số ca mắc Covid-19 hằng ngày gia tăng.

Giai đoạn từ 8 giờ ngày 16-8, khi thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND, đơn vị tổ chức lấy mẫu mở rộng đối tượng hộ gia đình nhưng tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn không giảm so với giai đoạn trước đó (tập trung lấy mẫu các khu vực, đối tượng nguy cơ cao).

Điều đó chứng tỏ thời gian qua có sự gia tăng ca nhiễm trong cộng đồng và việc áp dụng “phong tỏa cứng” toàn thành phố theo Quyết định 2788/QĐ-UBND của thành phố là kịp thời, phù hợp. Tỷ lệ ca mắc cũng như số mẫu xét nghiệm từ khi bắt đầu thực hiện Quyết định số 2860/QĐ-UBND bắt đầu từ 8 giờ ngày 26-8 tính đến hết ngày 1-9 có xu hướng giảm. Điều này chứng tỏ tình hình dịch bệnh đang có xu hướng giảm dần.

Sau 2 tuần đẩy nhanh tốc độ, mở rộng quy mô, đối tượng xét nghiệm, Đà Nẵng đã phát hiện nhanh, sớm, bóc tách hàng trăm F0 ra khỏi cộng đồng. Trong ảnh: Nhân viên CDC Đà Nẵng phân tích, xử lý mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 do các địa phương gửi về. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phân tích, xử lý mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 do các địa phương gửi về. Ảnh: PHAN CHUNG

+ Việc thành phố áp dụng “ai đâu ở yên đó” kết hợp với kế hoạch xét nghiệm hộ gia đình trong giai đoạn từ 16-8 đến 1-9 đã mang lại những kết quả gì, thưa bác sĩ?

- UBND thành phố ban hành các kế hoạch số 152, 155 và 158/KH-UBND để triển khai xét nghiệm hộ gia đình sàng lọc các F0 theo từng giai đoạn, bắt đầu từ 16-8. Việc lấy mẫu xét nghiệm giai đoạn này đều vượt kế hoạch đề ra. Số ca mắc được phát hiện từ lấy mẫu hộ gia đình giảm mạnh theo các đợt lấy mẫu.

Thông qua các kế hoạch này, ngành y tế phát hiện 259 trường hợp mắc Covid-19 từ xét nghiệm đại diện hộ gia đình trong tổng số 2.230 trường hợp mắc Covid-19, từ ngày 17-8 đến ngày 1-9.

259 trường hợp này đã được tách ra khỏi cộng đồng kịp thời, khoanh vùng và xử lý theo quy định; nhiều trường hợp liên quan là F1 chuyển thành F0 cũng được phát hiện ngay sau đó. Nếu chúng ta không làm nhanh chóng, chính xác và kịp thời thì đây sẽ là những nguồn lây cộng đồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đặc biệt lớn cho thành phố.

+ Đặc trưng của đợt xét nghiệm hộ gia đình lần này là gì, thưa bác sĩ?

Các đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 ở nhà trong các kiệt, hẻm nhiều hơn số ca ở nhà mặt tiền. Một số điểm nóng như K524 Hoàng Diệu, K515 Hoàng Diệu, K354 Trưng Nữ Vương, K488 Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu); K72 Đinh Tiên Hoàng, K327 Nguyễn Phước Nguyên (quận Thanh Khê).

Đặc biệt khu vực phong tỏa tại phường Tam Thuận, chỉ trong 1 thời gian ngắn đã ghi nhận gần 200 ca mắc tại các kiệt, hẻm trên trục đường Trần Cao Vân như K236, K258, K158, K246, K260…

Có thể nói, đặc trưng chủng virus lần này có cơ chế lây nhiễm nhanh chóng, dễ dàng, kết hợp với điều kiện sống chật hẹp, bức bí của người dân khiến khả năng lây nhiễm trong hộ gia đình khá cao. Theo thống kê của CDC, cộng dồn các đợt xét ngiệm hộ gia đình đến nay có 25,9% số ca phát hiện chưa lây cho người khác, 44,8% số ca đã lây cho người trong gia đình và 29,3% đã lây cho người ngoài gia đình.

Trải qua 15 ngày thực hiện chủ trương mọi người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà của UBND thành phố và thực hiện 4 đợt xét nghiệm theo Kế hoạch số 152/KH-UBND (2 đợt), Kế hoạch số 155/KH-UBND (1 đợt) và Kế hoạch số 158/KH-UBND (2 đợt, mới hoàn thành đợt 1), số ca mắc có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ghi nhận số ca mắc từ xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình.

Bên cạnh đó vẫn ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng đến khám tại các cơ sở y tế hoặc liên hệ cơ sở y tế đến nhà lấy mẫu xét nghiệm, số trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện trong các khu phong tỏa vẫn còn nhiều.

+ Nhận định của bác sĩ trong thời gian tới về tình hình dịch bệnh như thế nào?

- Hiện tại UBND thành phố đang xem xét, đánh giá nguy cơ để có những biện pháp phù hợp. Theo nhận định của CDC Đà Nẵng, mặc dù số ca mắc đã giảm cả về số lượng lẫn ca trong cộng đồng nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn.

Chính vì thế, cần thiết lập các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với các vùng đỏ, vàng, xanh trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực là kiệt, hẻm, chung cư, khu dân cư đang cách ly phong toả theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16-9-2020.

Bố trí lực lượng canh gác thường xuyên. Tuyệt đối không cho người và phương tiện ra vào bên trong khu vực đang được phong tỏa; tuyệt đối không được đưa hàng hóa, vật dụng từ các khu vực đang được phong tỏa ra bên ngoài.

Bên trong khu vực phong tỏa cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục cho người dân về mục đích, ý nghĩa của việc phong tỏa và các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly tại từng hộ gia đình với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; người cách ly với người. Yêu cầu tất cả mọi người dân ở tại nhà, không đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai ở bên ngoài, không đến nhà ai và không cho ai vào nhà mình.

Ngoài ra, lực lượng (công an, quân đội...) thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu vực phong tỏa để nhắc nhở, xử lý người dân vi phạm các quy định về phòng chống dịch; trang bị bảo hộ theo đúng quy định trong khi làm nhiệm vụ...

Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

PHAN CHUNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.