Phân vùng kiểm soát dịch bệnh

.

ĐNO - Ngày 2-9, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đơn vị có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đề xuất áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sau ngày 5-9. Những đề xuất này dựa trên cơ sở đánh giá kết quả xét nghiệm trên diện rộng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng triển khai từ ngày 16-8.

Kiểm soát chặt chẽ các vùng đỏ không để sót các trường hợp nguy cơ là một trong những biện pháp ngành y tế đề xuất triển khai trong thời gian tới. Ảnh: PHAN CHUNG
Kiểm soát chặt chẽ các vùng đỏ không để sót các trường hợp nguy cơ là một trong những biện pháp ngành y tế đề xuất triển khai trong thời gian tới. Ảnh: PHAN CHUNG

Kiểm soát chặt vùng đỏ

Theo đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian đến, Sở Y tế đề nghị tiếp tục kiểm soát chặt các vùng đỏ. Cần thiết lập các khu vực phong tỏa đủ rộng, bảo đảm độ bao phủ, không để sót các trường hợp nguy cơ.

Xây dựng bản đồ dịch tễ các khu vực đang phong tỏa và địa điểm có các ca bệnh để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá tình hình dịch. Trong trường hợp đã hết thời gian phong toả mà vẫn ghi nhận ca mắc chưa được cách ly, tùy theo kết quả điều tra dịch tễ, quyết định thêm thời gian phong toả hoặc xác định lại khu vực cần được tiếp tục phong toả.

“Đặc biệt, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại các khu vực đang cách ly phong toả theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16-9-2020”, bác sĩ Hồng cho biết.

Theo đó, cần bố trí lực lượng canh gác thường xuyên tại các chốt kiểm soát. Tuyệt đối không cho người và phương tiện ra vào bên trong khu vực đang được phong tỏa (trừ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhưng phải mang đồ bảo hộ và các đối tượng khác theo hướng dẫn của ngành y tế).

Tuyệt đối không được đưa hàng hóa, vật dụng từ các khu vực đang được phong tỏa ra bên ngoài (những trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương và phải được sát khuẩn theo đúng quy định).

Khuyến khích người dân và các lực lượng làm nhiệm vụ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, trường hợp cần phải sử dụng tiền mặt thì phải khử khuẩn trước và sau khi giao dịch. Bố trí bình phun hóa chất ngay tại chốt kiểm soát để phun khử khuẩn hàng hóa, phương tiện... trước khi ra, vào khu vực đang được phong tỏa.

Đối với khu tập kết rác thải, cần bố trí thuận lợi cho việc xử lý và thu gom vận chuyển rác thải nguy hại có khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2. Sử dụng thùng rác có đạp chân để tránh tiếp xúc, túi rác màu vàng theo quy định. Người thu gom rác phải được trang bị bảo hộ theo đúng quy định.

Bên trong khu vực phong tỏa cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục cho người dân về mục đích, ý nghĩa của việc phong tỏa và các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình phong tỏa để người dân hiểu, tuân thủ và thực hiện.

Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly tại từng hộ gia đình với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; người cách ly với người, yêu cầu tất cả mọi người dân ở tại nhà, không đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai ở bên ngoài, không đến nhà ai và không cho ai vào nhà mình với phương châm: mọi nhà “cửa đóng, then cài”.

Việc xét nghiệm cho người dân vẫn tiếp tục được triển khai. Tần suất, tỉ lệ xét nghiệm phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của từng khu vực. Ảnh: PHAN CHUNG
Việc xét nghiệm cho người dân vẫn tiếp tục được triển khai. Tần suất, tỷ lệ xét nghiệm phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của từng khu vực. Ảnh: PHAN CHUNG

Ngoài ra, cần thực hiện phong tỏa trong phong tỏa nếu cần thiết, chia nhỏ từng khu vực trong khu vực đang phong tỏa để lập các chốt kiểm soát, bảo đảm bảo việc cách ly y tế được thực hiện nghiêm túc. Phân công lực lượng (công an, quân đội...) thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu vực phong tỏa để nhắc nhở, xử lý người dân vi phạm các quy định về phòng chống dịch.

Ngành y tế cũng đề xuất lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 100% người dân ở trong khu vực phong tỏa cứng định kỳ 3 ngày/lần. Xử lý hóa chất toàn bộ các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa định kỳ 3 ngày/lần lồng ghép sau khi lấy mẫu.

Mở lại một số hoạt động, dịch vụ

Đối với các vùng vàng và vùng xanh, ngành y tế đề xuất tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp tại Quyết định số 2860/QĐ-UBND ngày 25-8 của UBND thành phố, đồng thời cho phép một số ngành nghề và dịch vụ cần thiết được hoạt động trở lại với các điều kiện: đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin; xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên 3 ngày/lần; tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là 5K, mang tấm che giọt bắn...

Đối với các khu chung cư, cần tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, yêu cầu người dân phải tuyệt đối thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt không ra khỏi phòng, giao lưu, nói chuyện với cư dân trong tòa nhà. Thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý như phong tỏa toàn bộ khu chung cư, rà soát cách ly hết các đối tượng nguy cơ… khi có trường hợp mắc Covid-19 xuất hiện.

Đẩy mạnh truyền thông mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch cho người dân, đặc biệt là khuyến cáo người dân thực hiện 5K. Tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và khi có triệu chững nghi ngờ mắc bệnh thì lập tức liên hệ với các cơ sở y tế; các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc công tác phân luồng, xét nghiệm cho các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đầy đủ tại các kiệt, hẻm. Đặc biệt cần phát huy tối đa vai trò của các lực lượng dân phố và tổ Covid-19 cộng đồng trong các khu vực này.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích