Sẵn sàng kịch bản, năng lực tiếp nhận điều trị nhiều ca mắc Covid-19

.

Chiều 6-1, chủ trì cuộc họp công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu ngành y tế và các địa phương chủ động kịch bản, kế hoạch theo dõi, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình hình mới.

Qua đánh giá, với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, dự kiến số ca mắc Covid-19 trong thời gian tới, nhất là sau Tết Nguyên đán sẽ tăng cao. Vì vậy, việc xây dựng kịch bản với khoảng 2.500-3.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày là điều hết sức cần thiết, hiệu quả.

Đối với việc điều trị tập trung tại các cơ sở y tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu ngành y tế rà soát lại trang thiết bị, cơ sở vật chất, sớm đề xuất UBND thành phố sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục xuống cấp, không đáp ứng điều kiện.

Đối với việc điều trị F0 tại nhà, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế lưu động; huy động tối đa lực lượng cộng tác viên y tế cơ sở; các lực lượng chuyên môn như bệnh viện tư nhân, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế trên tinh thần hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân mà chỉ theo dõi thông qua hệ thống phần mềm. Ngành y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các nội dung truyền thông liên quan đến việc điều trị F0 tại nhà, đặc biệt là các thông tin, hướng dẫn về quản lý rác thải; chống lây nhiễm chéo tại nhà.

Theo Sở Y tế, liên quan mạng lưới điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, hiện nay trên địa bàn thành phố có 5 cơ sở y tế được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với quy mô 4.150 giường, trong đó có 270 giường hồi sức bệnh nặng. Các cơ sở y tế được phân thành 3 tầng trong tháp mô hình điều trị Covid-19 theo phân loại của Bộ Y tế, trong đó tầng 1 điều trị người mắc Covid-19 có nguy cơ thấp, trung bình, tầng 2 dành cho người có nguy cơ cao và tầng 3 dành cho người có nguy cơ rất cao.

Về nguồn lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, ngành y tế tổ chức đào tạo 320 nhân lực; tập huấn toàn ngành về kiểm soát nhiễm khuẩn và nội dung điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cho 7.258 người và đào tạo, tập huấn chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch cho 247 cán bộ, nhân viên. Đối với hoạt động chăm sóc, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, ngành y tế đã tổ chức đào tạo 280 cán bộ, nhân viên trạm y tế lưu động.

Mỗi xã, phường tổ chức thiết lập 2 trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với quy mô 50-100 bệnh nhân/trạm. Hiện Đà Nẵng là một trong những địa phương điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 bằng thuốc Molnupiravir theo chương trình của Bộ Y tế.

Đến thời điểm này đã có hơn 3.500 người được điều trị bằng thuốc Molnupiravir với 82,65% trong số đó ghi nhận có sự cải thiện về triệu chứng lâm sàng. Theo Sở Y tế, hiện địa phương còn hơn 184.000 viên Molnupiravir đủ điều trị cho 5.000 bệnh nhân nguy cơ thấp, trung bình với hạn dùng đến tháng 6-2023. Sở Y tế đã xin bổ sung thêm 200.000 viên Molnupiravir để dự phòng tình huống dịch bệnh kéo dài, lan rộng.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.