Chủ động phát hiện, điều trị bệnh lao

.

Dù được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác phòng, chống lao nhưng việc điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao đa kháng thuốc tại Đà Nẵng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sau khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được “làm sạch”, tập trung nhân lực, thiết bị và chủ động trong phát hiện, điều trị bệnh lao.

Người dân cần chủ động trong việc phát hiện, điều trị bệnh lao để tránh những biến chứng nguy hiểm. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi sức khỏe, điều trị cho bệnh nhân mắc lao. Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân cần chủ động trong việc phát hiện, điều trị bệnh lao để tránh những biến chứng nguy hiểm. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi sức khỏe, điều trị cho bệnh nhân mắc lao. Ảnh: PHAN CHUNG

Bệnh nhân Lê Văn D. (58 tuổi, trú quận Thanh Khê) vừa nhập Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị bệnh lao. Ông D. bị ho liên tục gần 3 tháng, đi khám tại một số cơ sở y tế được nhận định là triệu chứng hậu Covid-19 và chỉ định uống thuốc điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình ông D. không giảm, thậm chí ho ra máu. Khi tham gia chương trình khám sàng lọc chủ động do Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tổ chức tại địa phương, ông được khám, xét nghiệm và được bác sĩ kết luận bị lao đa kháng thuốc.

“Vì bản thân đã mắc Covid-19 nên nghĩ ho là triệu chứng liên quan. May phát hiện kịp thời để nhập viện điều trị, nếu không sẽ rất nguy hiểm”, ông D. chia sẻ.

Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Quang X. (66 tuổi, trú quận Liên Chiểu) vừa được người nhà đưa nhập viện điều trị bệnh lao. Ông có tiền sử bệnh lao, được chỉ định điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhiều năm nay. Thời gian qua, do Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân không đi khám, điều trị thường xuyên. Mới đây bệnh nhân đau ngực đột ngột, thay đổi giọng nói. Sau khi hội chẩn được xác định bị tràn dịch màng phổi, một biến chứng nguy hiểm và thường gặp của bệnh nhân mắc lao.

Theo bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, từ đầu tháng 4, nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 của bệnh viện nhẹ đi rất nhiều khi số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, có nguy cơ cao giảm. Hiện bệnh viện chỉ còn một bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị. “Chính vì thế, đơn vị chủ động làm sạch bệnh viện, ổn định nhân sự, triển khai các kế hoạch theo đúng chuyên môn để tập trung tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân mắc lao”, bác sĩ Phúc cho biết.

Theo đó, các khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 trước đây được khử khuẩn, vệ sinh trong một tuần, bao gồm cả mặt sàn, các trang thiết bị bên trong. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên ngay cả đối với các vật dụng, thiết bị liên quan. Các vùng đệm thiết kế trong cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 trước đây được tận dụng và phát huy tối đa vai trò chống lây nhiễm trong điều trị lao.

Ngoài ra, 100% nhân viên y tế đều tuân thủ các quy định về phòng, chống lao, đặc biệt là mang khẩu trang khi tiếp xúc; các phòng điều trị được thiết kế, lắp đặt theo hướng thông gió tốt. Cửa đi và cửa sổ của buồng khám, khu chờ và buồng bệnh được bố trí hợp lý theo chiều thông gió, không để không khí đi từ người bệnh đến cán bộ y tế. Mặc dù chỉ mới “bình thường mới” trong tiếp nhận, điều trị bệnh lao nhưng trong vòng hai tuần qua, có hơn 100 bệnh nhân mắc lao đến làm thủ tục nhập viện, điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân trở nặng.

Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiện nay Bệnh viện Phổi Đà Nẵng phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức chương trình khám sàng lọc và phát hiện chủ động bệnh lao thông qua phương pháp 2X (X-quang và Gene Xpert). Đây là hoạt động miễn phí, hỗ trợ cộng đồng nằm trong chương trình, mục tiêu chống lao quốc gia. Đặc biệt, kỹ thuật Gene Xpert trong chẩn đoán bệnh lao theo chương trình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được đánh giá là kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, mang tính đột phá, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

“Nếu như trước đây, để phát hiện lao đa kháng thuốc mất 3-4 tháng, thì nay với kỹ thuật này chúng ta chỉ mất 1-2 giờ đồng hồ để phát hiện ra. Bên cạnh đó, sau khi trải qua đợt Covid-19, rất nhiều trường hợp bị tổn thương phổi nhưng ngại không dám đi khám, theo dõi và phát hiện sớm những nguy cơ. Lao là bệnh không mới nhưng nếu chúng ta không phát hiện kịp thời, điều trị đúng phác đồ, chỉ định của bác sĩ sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.