Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây lan qua đường hô hấp. Để chủ động phòng bệnh sởi, ngoài sự tích cực vào cuộc của các ngành chức năng, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc-xin sởi.
![]() |
Bác sĩ Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) tư vấn sức khỏe cho trường hợp nghi mắc bệnh sởi (ảnh chụp sáng 26-2). Ảnh: LÊ HÙNG |
Bệnh sởi có xu hướng tăng nhanh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, từ đầu năm 2025 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và xác định mắc sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Đặc biệt, trong số những trường hợp mắc sởi nặng phải thở máy và thở oxy phần lớn chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin. Hiện nay tình hình bệnh sởi có xu hướng tăng nhanh trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) cho biết, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 40-50 trường hợp nghi mắc bệnh sởi; trong có từ 20-30 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và từ 20-25 trường hợp được cho điều trị ngoại trú. Tổng số bệnh nhân nghi mắc bệnh sởi điều trị nội trú tại khoa mỗi ngày dao động từ khoảng 100 trường hợp.
Theo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng gần 900 trường hợp nghi mắc bệnh sởi và xác định mắc bệnh sởi. Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, công tác phân luồng bệnh nhân nghi mắc sởi và xác định mắc sởi được đơn vị triển khai chặt chẽ, khép kín. Đối với bệnh nhân có giấy chuyển tuyến sẽ được phân luồng vào Khoa cấp cứu (trường hợp mắc sởi cộng thở oxy hoặc có dấu hiệu nặng) và vào Khoa Y học nhiệt đới (trường hợp mắc sởi nhưng không thở oxy) theo lối riêng.
Đối với trường hợp đến khám, sau khi vào cổng chính sẽ được nhân viên công tác xã hội phân luồng như sau: trường hợp có 3 triệu chứng (sốt, phát ban, đỏ mắt) sẽ được hướng dẫn đến Khoa Y học nhiệt đới khám theo lối riêng; bệnh nhân có 2 triệu chứng (sốt, phát ban), sau khi đăng ký tại ô số 1 sẽ theo đường đi dọc hành lang bên ngoài vào phòng khám nhi số 2 để khám…
Sở Y tế thành phố cho biết, đã chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm nhân lực, giường, khu vực cấp cứu, thu dung, điều trị, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ, khu vực cách ly tạm thời và các điều kiện khác cho công tác phòng, chống sởi; sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch, bệnh. Thực hiện nghiêm túc công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly, phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Chủ động phòng, chống dịch trong trường học
Sau khi nắm tình hình bệnh sởi xuất hiện trên địa bàn thành phố, các trường học đẩy mạnh công tác truyền thông đến phụ huynh, học sinh qua nhiều kênh khác nhau. Bà Hoàng Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Hằng ngày, chúng tôi đều kiểm tra thân nhiệt và cập nhật tình hình sức khỏe của trẻ với phụ huynh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của trẻ, các bậc phụ huynh, cán bộ, giáo viên và nhân viên về kiến thức phòng bệnh; bảo đảm 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường nắm bắt được nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách xử lý của bệnh”.
Nhận thức rõ công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) chủ động triển khai các biện pháp ngay từ đầu năm học. Đối với học sinh có dấu hiệu sốt, ho, phát ban… khuyến cáo phụ huynh chủ động cho trẻ nghỉ học và theo dõi ở nhà, tránh lây bệnh cho học sinh khác. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, nhắc nhở phụ huynh cho trẻ đi tiêm chủng vắc-xin sởi để phòng bệnh. Đến nay, trường ghi nhận 3 học sinh mắc bệnh sởi. Ngay sau khi phát hiện, nhà trường tiến hành vệ sinh, khử khuẩn lớp học có học sinh mắc sởi và hai lớp học kế cận.
Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiểu La (quận Sơn Trà) cho biết, nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống bệnh sởi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận, tổ chức, đoàn thể; cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có những biện pháp ứng phó kịp thời. Trong tiết sinh hoạt lớp, học sinh được tuyên truyền về phòng chống sởi, nhắc nhở việc dọn vệ sinh trường lớp, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, yêu cầu mang khẩu trang khi ho, hắt hơi, sổ mũi để tránh lây lan.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, ngành y tế thành phố đang triển khai cùng lúc 5 biện pháp phòng, chống dịch sởi. Theo đó, tập trung giám sát tình hình dịch, ca bệnh, ổ dịch và tiến hành xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Cùng với đó, rà soát lại đối tượng chưa tiêm chủng để vận động đi tiêm chủng; đề xuất với Bộ Y tế nguồn vắc-xin để tiêm chủng cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống dịch để người dân hiểu được các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như lợi ích của tiêm chủng. Thường xuyên đánh giá nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn các phường, xã để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc CDC thành phố cho biết, đơn vị đang triển khai tiêm 500 liều vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ từ trên 2 tuổi đến 10 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin chứa thành phần sởi. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch, phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong do bệnh sởi.
“Cách phòng bệnh sởi hiệu quả nhất là tiên vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, các phụ huynh cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch cho con em, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi. Khi trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, phát ban cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, cách ly, điều trị kịp thời theo phác đồ”, bác sĩ Vĩnh khuyến cáo.
LÊ HÙNG - KHÁNH NGÂN