Tổ quốc nơi đầu sóng:

Người Đà Nẵng đến Trường Sa

.

ĐNO - Sinh sống trong điều kiện đặc thù nơi đầu sóng ngọn gió, niềm vui, niềm hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở quần đảo Trường Sa là được đón các đoàn khách từ đất liền ghé thăm. Đến với Trường Sa là chạm đến nơi “neo đậu” của tình quân dân, nghĩa đồng bào. 

Trường Sa đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa có bến cảng, cầu tàu để tàu tải trọng lớn cập bờ.

Đón đoàn công tác số 5-2024 của Quân chủng Hải quân và thành phố Đà Nẵng ra thăm đảo có nhiều cán bộ dân chính đảng của thị trấn Trường Sa, là con em quê hương Đà Nẵng.

Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đảo Trường Sa Lớn đón đoàn công tác. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đảo Trường Sa đón Đoàn công tác số 5-2024 ra thăm đảo. Trong ảnh: Chuẩn đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Phạm Văn Hùng (thứ 2, bên phải qua) duyệt mệnh lệnh lên thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa.  Ảnh: TRIỆU TÙNG

Chuẩn đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Phạm Văn Hùng nói: Trường Sa là hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, giống như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông.

Trường Sa là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, nằm cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý.

Đảo Trường Sa có rất nhiều cây cổ thụ, giúp khách đến thăm dễ tìm cho mình những bóng cây để đón gió biển trong thời tiết nắng nóng. Ngay từ cầu cảng vào đảo có hai hàng cây bàng vuông cao che phủ bóng cả đường đi.

Các loài cây: phong ba, mù u, tra, phi lao… mọc khắp nơi, tạo cảm giác đảo Trường Sa như một khu vườn xanh mướt giữa biển khơi.

Có một khẩu hiệu rất lớn, ghi rõ “Quân dân đảo Trường Sa quyết tâm thực hiện tốt chương trình xanh hóa Trường Sa”, chắc chắn Trường Sa sẽ ngày một xanh hơn… 

Trụ sở thị trấn Trường Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Trụ sở UBND thị trấn Trường Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đảo Trường Sa bây giờ là thị trấn, là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Trên đảo có các công trình như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài liệt sĩ, nhà đèn, trung tâm y tế, chùa Trường Sa, trạm khí tượng thủy văn. Đường băng sân bay Trường Sa được nâng cấp dài và rộng, như dải lụa vắt ngang đảo.

Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi làm trưởng đoàn có cuộc gặp mặt cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương thành phố đang công tác nơi đảo xa. 

Cuộc gặp diễn ra ngay trước sân trụ sở Thị trấn Trường Sa. Quân dân chính đảng công tác trên đảo Trường Sa có các anh Lê Quang Trung, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội; Trần Nam Phương, cán bộ  tư pháp - hộ tịch; Phạm Vũ Bảo, cán bộ phụ trách tài chính- kế toán và anh Nguyễn Trần Ngọc Hòa, cán bộ văn phòng - thống kê.

UBND các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng tặng quà đến các công dân nữ sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh; TRIỆU TÙNG
UBND các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng tặng quà đến phụ nữ trên đảo Trường Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Anh Lê Quang Trung, quê ở phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) xúc động nói: “Hay tin đoàn công tác Đà Nẵng ra thăm, cả đêm qua em không ngủ được, em đứng ngoài cầu cảng nhiều giờ ngóng hoài ra biển để đón đoàn”. 

Trước đó ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A... đoàn công tác thành phố đều tìm gặp, tặng quà động viên các cán bộ, chiến sĩ và con em quê hương Đà Nẵng.  

Thật xúc động khi đoàn công tác thành phố mời cả thân nhân quân nhân ra thăm con, thăm cháu. Và ở đó có cuộc gặp lịch sử giữa ông Nguyễn Văn Long cùng con trai là Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh - trùng phùng trên đảo Song Tử Tây.

Rất nhiều người dân Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa.

Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng bên cột mốc chủ quyền quốc gia trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng bên cột mốc chủ quyền quốc gia trên đảo Trường Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Chúng tôi ra thăm quần đảo Trường Sa, ai ai cũng thấy rõ bao khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo nhưng cũng cảm nhận được tinh thần lạc quan, kiên trung, ấm áp nghĩa tình của quân, dân nơi đầu sóng ngọn gió, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc... Các cán bộ, chiến sĩ và người dân luôn tỏa sáng tinh thần Trường Sa, sức sống Trường Sa, ý chí Trường Sa..

Tháng 4-2024, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng trực tiếp mang tình cảm và quà từ đất liền ra với Trường Sa và tận mắt chứng kiến cuộc sống, làm việc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, càng dâng trào niềm tin yêu và tự hào dân tộc trong mỗi con người, trong từng trái tim.

Sau chuyến công tác này, mỗi thành viên trong đoàn công tác thành phố Đà Nẵng mang về niềm tin, ý thức hơn về trách nhiệm trong công tác.

Đồng thời nhận thấy trách nhiệm của mình cần tiếp tục lan tỏa các giá trị lịch sử về biển, đảo Việt Nam. Từ đó, chung tay đóng góp vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tinh thần Trường Sa, ý chí Trường Sa, sức sống Trường Sa mãi mãi được hun đúc trong mỗi người.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
.