Báo xuân Đà Nẵng 2014

Mùa hoa anh đào đầu tiên

08:09, 27/01/2014 (GMT+7)

Mỗi khi nhắc đến nước Nhật, du khách thường nghĩ ngay đến hoa anh đào bởi không chỉ vẻ đẹp thanh khiết của loài hoa này mà còn bởi nó trở thành một biểu tượng của văn hóa xứ Phù Tang. Sự kiện 400 cây hoa anh đào được nhập về từ Nhật Bản trồng ở khu du lịch Bà Nà đã cho những bông hoa đầu tiên một lần nữa đánh dấu mốc son mới trong mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Đà Nẵng-Nhật Bản đang trên đà phát triển.

Trao tặng và trồng cây hoa anh đào tại khu du lịch Bà Nà Hills. Ảnh: T.TÙNG
Trao tặng và trồng cây hoa anh đào tại khu du lịch Bà Nà Hills. Ảnh: T.TÙNG

400 cây và 40 năm hữu nghị

Hoa anh đào là quốc hoa của đất nước mặt trời mọc. Nó tượng trưng cho sự thanh khiết, mỏng manh và trong trắng. Khi quan hệ giữa Nhật Bản với một quốc gia nào đó đã đi vào chiều sâu, thì loài hoa này sẽ được trồng tại quốc gia đó để thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai nước. Hằng năm trên thế giới đã có nhiều lễ hội hoa anh đào, điển hình như ở San Francisco và Washington (Mỹ), New South Wales (Australia)… và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống đa sắc màu của người dân một số nước. Đây được coi là cơ hội để du khách thập phương thỏa sức ngắm nhìn hoa anh đào nở rộ trên đất nước mình, đồng thời tìm hiểu thêm về những nét văn hóa độc đáo của xứ Phù Tang đang được bảo tồn và phát huy theo năm tháng.

Cùng với những cây hoa anh đào do Hội Hữu nghị Nhật-Việt tặng trồng trong khuôn viên UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) nhân kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa (1903-2003), thì 400 gốc hoa anh đào được trồng ở khu du lịch Bà Nà đã làm cho những người Việt yêu văn hóa Nhật Bản có thêm cơ hội được ngắm vẻ đẹp của loài hoa này ngay trên đất nước mình. Và thật ý nghĩa hơn trong năm 2013, một số cây đã bắt đầu cho những bông hoa đầu tiên đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2013), như thể báo hiệu khởi sắc mới quan hệ hợp tác của nhân dân hai nước.

Vui mừng trước những bông hoa anh đào đầu tiên hé mở, ông Hoàng Xuân Tỵ, hướng dẫn viên du lịch công tác lâu năm tại Bà Nà phấn khởi cho biết: “Nhờ khí hậu lạnh gần giống với nước Nhật, hiện 400 cây hoa anh đào đang phát triển khá thuận lợi tại khu du lịch Bà Nà. Từ ngày 17 đến 30-4-2013, một số cây đã nở hoa rất đẹp. Trong thời gian tới, những cây hoa anh đào này sẽ tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho du khách tới tham quan Bà Nà”.

 

Theo Công ty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà, năm 2012, 400 gốc hoa anh đào đã được công ty tiếp nhận và trồng trước khu vui chơi giải trí nằm gần cáp treo số 2 sau khi được Công ty Liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật (Vijachip Đà Nẵng) ươm tại vườn ươm ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Lúc đó, những cây hoa anh đào này chỉ cao khoảng 70cm và chỉ có dăm bảy cành thì nay đã phát triển tốt và cho hoa. Trước đó, vào năm 2011, đích thân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã đến dự lễ trao tặng và trồng tượng trưng 19 cây hoa anh đào tại Bà Nà với sự tham dự và chứng kiến của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Đài Truyền hình Nhật Bản NHK. Trong ngày 25-11 vừa qua, 25 thành viên của Hiệp hội Hoa anh đào Nhật Bản đã đến kiểm tra về sự phát triển của các cây hoa trên.

“Sắp tới, 400 cây hoa anh đào này sẽ được quy hoạch trồng thành đồi hoa để du khách đến tham quan, cắm trại. Đặc biệt, ở khu vực này còn có những bức tường cổ của Pháp để lại nên nơi đây rất lý tưởng cho các bạn trẻ chụp ảnh cưới”, một lãnh đạo Công ty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà cho biết.

Nhật Bản - thị trường đầy hứa hẹn

Một tin vui từ Sở Ngoại vụ nữa là sau khi đến thăm 400 cây hoa anh đào tại Bà Nà, Hiệp hội Hoa anh đào Nhật Bản bày tỏ mong muốn được tổ chức lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

Nói về điều kiện thuận lợi để giao lưu văn hóa giữa Đà Nẵng và Nhật Bản, Giám đốc Sở Ngoại vụ Lương Minh Sâm cho rằng: “Nhật Bản và Việt Nam có cùng văn hóa phương Đông nên có sự hiểu biết và chia sẻ giữa 2 dân tộc rất tốt, đặc biệt hai nước có nhiều người dân theo đạo Phật đã tạo ra sự thấu hiểu, trong khi đó, tiếng Nhật rất được giới trẻ Đà Nẵng quan tâm. Hằng năm các cuộc thi tiếng Nhật, Ngày văn hóa Nhật, các hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản-Đà Nẵng đã tạo được sự đồng cảm rất tốt giữa hai dân tộc”.

Chính sự đồng cảm tốt đẹp ấy, trong thời gian qua, nhân dân hai nước đã có sự sẻ chia, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Điển hình là trong trận động đất và sóng thần Tohoku, nhiều người dân Đà Nẵng, các trường học, cơ quan, xí nghiệp đã tự nguyện đóng góp giúp đỡ người dân Nhật vượt qua thảm họa và đã tạo ra nét đẹp văn hóa giữa Việt Nam-Nhật Bản. Hội Hữu nghị Nhật-Việt ở thành phố Kawasaki cũng đã quyên góp hàng ngàn xe đạp giúp học sinh nghèo hay các tổ chức phi chính phủ ở Nhật giúp đỡ người khuyết tật… 

Nhiều trung tâm dạy tiếng Nhật trên địa bàn thành phố đã ra đời góp phần tạo điều kiện thuận lợi giao lưu văn hóa, điển hình như Trung tâm Nhật ngữ Sakura, Trung tâm Nhật ngữ Đông Du, Khoa tiếng Nhật tại Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Trung tâm tiếng Nhật tại ĐH Đông Á… Các trường của ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Đông Á cũng đã có quan hệ hợp tác giáo dục đào tạo với ĐH Quốc gia Yokohama, ĐH Xã hội Tokyo. Trong khi đó, văn hóa ẩm thực của Nhật Bản đang phát triển tốt tại Đà Nẵng. Hai bên cũng hợp tác xây dựng công viên văn hóa Việt-Nhật tại quận Ngũ Hành Sơn và gửi nhiều đoàn văn hóa nghệ thuật giao lưu biểu diễn giữa hai bên; giao lưu giữa thanh niên, sinh viên Việt Nam với các thành viên tàu Hòa Bình…  

 

Xác định Nhật Bản là thị trường đầu tư, thị trường công nghệ chiến lược đối với Đà Nẵng, thành phố đã được phía bạn cung cấp nhiều dự án ODA như cảng Đà Nẵng, hầm đường bộ Hải Vân, các dự án nghiên cứu môi trường, y tế, giáo dục… Nhật Bản còn có quan hệ cấp địa phương rất tốt với Đà Nẵng, cụ thể là quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh, thành phố Kawasaki, Sakai, Misuke, Ohtawara, Yokohama…

Thông qua văn phòng đại diện tại Nhật, thành phố đã đón hơn 100 nhà đầu tư Nhật đến Việt Nam đầu tư và trở thành nước đầu tư hợp tác sản xuất lớn nhất tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp lớn như Mabuchi Motor, Foster, Tokyo Keiki, Daiwa... đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Ngoài 90 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Đà Nẵng với tổng nguồn vốn 450 triệu USD, thì hiện nay Nhật Bản còn là nước đầu tư đầu tiên vào khu công nghệ cao của thành phố với 2 dự án lớn khoảng 40 triệu USD.

Không chỉ là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng, Nhật Bản còn là thị trường đầy hứa hẹn về đầu tư và du lịch của Đà Nẵng. Để khẳng định cho nhận định này, ông Lương Minh Sâm lý giải: “Nhật Bản là thị trường rất quan trọng đối với Đà Nẵng, đặc biệt là công nghệ cao bởi nước Nhật là nước phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn, đồng thời là nguồn cung cấp tài chính ODA cho các dự án về môi trường, xử lý môi trường, thành phố môi trường, thành phố hàm lượng carbon thấp. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là nơi có chất lượng đào tạo đại học rất tốt, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng và tiếp nhận nguồn lao động Việt Nam tại Đà Nẵng. Nhật Bản cũng là thị trường du lịch lý tưởng cho bất kỳ quốc gia nào đến phát triển du lịch và đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Đà Nẵng khai thác sau khi lập đường bay trực tiếp Đà Nẵng-Tokyo”.

Một năm mới nữa đang đến gần. Những bông hoa anh đào Nhật Bản tại khu du lịch Bà Nà sẽ tiếp tục đơm hoa như báo hiệu một năm mới của sự hợp tác làm ăn sung túc và có hiệu quả giữa các đối tác Nhật-Việt, tăng thêm sự gắn bó, tình hữu nghị thắm thiết giữa hai đất nước, hai dân tộc trong một trang sử hợp tác mới sau chặng đường 40 năm.

ĐOÀN LƯƠNG

.