.

Con ngõ dài thương nhớ

.

Ba mẹ tôi là những người rất biết nhìn xa. Nhìn xa, nên ba mẹ đã quyết định dựng nhà trên đoạn giữa của một con dốc dài khi nhà chúng tôi buộc phải di dời khỏi cái thung lũng heo hút vào năm tôi hơn hai tuổi, vì nhà cũ của tôi nằm trong vùng nguy hiểm khi một con đập lớn được xây lên, lần đầu tiên ở quê tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nếu muốn, ba mẹ tôi có thể dựng nhà gần chợ, thậm chí sát trường cấp 1 nơi cả ba và mẹ tôi cùng dạy học ở đó, mấy anh em tôi rồi đều sẽ học ở đó. Nhưng ba mẹ đã chọn con dốc dài ấy, cách chợ đúng một cây số, và cách trường cấp 1 của chúng tôi một cây số rưỡi để dựng nhà. Và ba tôi, đã đo từ đường cái vào đúng hai lăm mét để đổ đất đắp nền, rồi dựng cột, lắp ván trên cái nền cao rất cao so với đôi chân cũn cỡn của tôi.

Tôi nhớ, mẹ gánh tôi cùng với một ít đồ đạc đặt ở mủng bên kia xuống nhà mới trong một buổi chiều nắng vàng hanh hanh. Tôi cũng không nghĩ sao mình lại nhớ cái cảnh ấy, vì lúc đó tôi còn quá nhỏ. Có lẽ vì sự kiện ấy quá trọng đại, hay cảnh tượng êm đềm ấy là do tôi tự vẽ nên trong đầu mình dựa theo lời kể của bà nội, của mẹ? Thời gian đã lùi những bước dài xa…

Nhìn xa, ba mẹ tôi đã tránh được cho con cái và bà nội già yếu cảnh chạy lụt mỗi mùa mưa. Nhìn xa, ba tôi đã vẫn giữ được mảnh sân trước tha hồ rộng rãi cho mẹ đến mùa gieo cải, trồng cà chua dẫu cho đường được mở nhiều lần, xê qua xích lại nhiều lần. Và, nhờ sự nhìn xa của ba mẹ, tôi có một con ngõ dài thơm ngát ấu thơ.

Ba tôi vốn tài tử, con ngõ nhà tôi chẳng bao giờ được vuông vức, thẳng tắp hàng chè tàu như những nhà khác. Thế mà lại hay, đối với mấy chị em tôi. Để lúc thì tôi tha về mớ nhánh cúc tím, cắm dọc hai bên ngõ. Cúc lên nhanh, trườn sang vườn rau của mẹ, tràn vào cả lối đi. Khi thì bé Nhỏ xin được ở đâu đó mấy cụm cẩm tú mai, hì hụi bới đất, tưới nước.

Cẩm tú mai cũng rất dễ sống, chẳng mấy chốc con ngõ đã xanh lên, và hoa tím li ti vẫy gọi. Nhưng “oách” nhất là lần tôi với bé Nhỏ cùng nhau trồng được hai hàng vạn thọ, hai chị em mê tít. Chỉ cần nghĩ đến Tết, con ngõ sẽ rực vàng cả lối đi là lòng tôi đã nở hoa rồi. Vậy mà, một buổi sáng thức dậy, em gái tôi òa khóc nức nở, còn tôi lòng đau tan nát. Bọn trộm vặt đã nhổ đi giấc mơ rực rỡ của chị em tôi mất rồi.

Đầu ngõ nhà tôi, từ trước khi nhà tôi dọn về đã là một cái chợ chè. Chợ chè thì không cần mái che, không hàng quán gì khác. Chợ chè cũng chỉ họp buổi sáng rồi tan. Thì cũng chỉ là vài ba người mua chè tới đó ngồi, người đi hái chè từ rẫy về ghé vào, rồi cân, rồi đôi ba câu trả giá, rề rà vài câu chuyện phiếm. Mà cũng đủ rộn ràng. Bà nội tôi thường ra ngồi chơi, kể chuyện đời xưa với mấy bà răng đen ngồi nhai trầu bên giỏ chè vừa trút hết, tựa lưng vào gốc bạch đàn.

Tôi cũng hay luẩn quẩn “ngoài chợ chè”, để hóng hớt chuyện người lớn, để tài lanh đọc số ký lô của giỏ chè đang cân, để nhặt những trái chè rơi vãi mà cắn đôi, hút lấy nước ở giữa, chẳng hương vị gì đặc biệt nhưng lại vô cùng thú vị.

Ba tôi một vài tháng lại đi Đà Nẵng, để cân thuốc bắc. Thường thì ba đi một mình, cũng có khi mẹ tôi nhờ chị Hoa con cô Hai lên trông nhà giúp để đi cùng. Mẹ về thăm ông bà ngoại, khi ông bà ngoại chuyển vào Sài Gòn sống với cậu thì mẹ lại hay đi Đà Nẵng để thăm anh Hai tôi đang trọ học dưới nhà dì. Những ngày ba mẹ vắng nhà, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lặp đi lặp lại nhiều lần ấy của mình. Mới đầu thì vô cùng thoải mái, không bị ai nhắc nhở học bài làm bài, muốn chạy chơi đâu cũng được.

Nhưng chỉ cần qua trưa, sau khi đã chán chê mọi trò đá gà cỏ, chơi đồ hàng, nhất là khi ngủ dậy, nhìn ra đường thấy nắng cứ vàng mênh mang là nỗi trống vắng chẳng biết từ đâu xâm chiếm lấy hồn tôi. Vậy là, khi trời bắt đầu nhá nhem, gà lục tục về chuồng là tôi ra đầu ngõ đứng ngóng, bé Nhỏ dắt cu Truật chạy theo. Ba chị em cứ chiều nào cũng ra đứng ngoài đầu ngõ đến khi chị Hoa gọi vào ăn cơm tối, có khi chị ra bồng cu Truật vào, tôi với bé Nhỏ mới chịu vào theo.

Ba chị em tôi, đứa nào cũng thần tượng anh Hai. Anh Hai tôi, vừa học giỏi, rất hiền và thương em vô hạn. Ngày chưa đi học xa, anh nấu cám heo, xắt chuối, băm chuối, xắt rau trộn vào cám cho heo ăn, anh nấu canh kho cá ngon không thua gì mẹ. Nhưng ngưỡng mộ anh Hai nhất ở khoản bày trò cho chị em tôi chơi. Anh làm diều giấy cho chúng tôi chạy dọc theo đồng làng mà thả bay, anh chặt hạt xoài làm thành cối xay rồi bày chúng tôi cách xay, anh kiếm chạc ba về làm ná, chặt trảy làm súng bời lời, thôi thì đủ thứ trò.

Nhưng có một trò chúng tôi không thể nào làm theo anh được, đó là cứ tay không, anh thoăn thoắt trèo lên tới ngọn cây bạch đàn cao chót vót ngoài đầu ngõ, tôi ngửa cổ nhìn lên, thấy anh nhỏ xíu. Anh thì hét to: “Đập Khe Tân kìa, chợ kìa, sông kìa. A a, anh thấy mẹ đang đi giữa sân trường rồi”, làm chúng tôi cũng muốn trèo lên. Cô Chín hàng xóm đi ngang qua, thấy mấy chị em tôi ngửa cổ lên mà reo vui cũng ngước lên nhìn, rồi cô giậm chân la mắng om sòm: “Mi có xuống không, tau về nói mẹ mi quất cho nát đít bây chừ”. Anh Hai tôi vậy đó, người nhỏ thó, mà trò nghịch nào anh cũng bày ra chơi cho được.

Bây giờ thì cây bạch đàn anh Hai hay trèo lên chơi, có lần bắt được một tổ chim dồng dộc không còn nơi đầu ngõ nhà tôi nữa. Nó đón quá nhiều sấm sét, vào mùa mưa bão lại là hiểm họa của nhà tôi và mấy nhà hàng xóm nên ba chặt đi rồi. Ba tôi cũng đã tráng xi-măng tới tận đầu ngõ để mỗi khi mùa mưa về, con ngõ không bị xói mòn, lở lói. Đầu ngõ bây giờ là cây sứ trắng rất to, cứ mùa về đưa hương thơm ngát. Dọc theo lối vào, cây mận hè về lại trĩu trái để mẹ nhớ con gái lại nhắn: “Có mấy chùm mận chờ chị Ba về, không chịu cho ai hái hết kìa”.

Ôi, con ngõ của tôi, con ngõ tôi vấp té biết bao lần khi cầm chiếc dép đứt, mấy cục sắt vụn chạy theo chiếc xe bán cà-rem dạo kêu leng keng. Con ngõ tôi chạy ra đón mẹ chợ về trưa để dòm vào giỏ xem có kẹo mè, kẹo ú gói trong mớ lá chuối khô hay bịch chè “có đá” mát lạnh. Con ngõ tôi đang ngồi chơi ô ăn quan thì đứa hàng xóm bảo: “Anh Hai mi về kìa!”.

Tôi ngước lên, thấy anh Hai tôi đạp xe tới nhà cô Chín rồi, tôi vùng chạy ra chặn lấy đầu xe anh hỏi đủ thứ chuyện, không quên nhắc tới mấy cuốn Doraemon. Con ngõ tôi từng ngốc nghếch bốc cát bỏ lên đầu để đưa tay lên sờ cho… đã, con ngõ tôi chạy đuổi theo những cơn mưa mùa hè, thả bẹ chuối làm thuyền, con ngõ tôi chơi trò kéo mo cau mòn vẹt tuổi khờ. Con ngõ của lần về Tết đầu tiên sau hơn 3 tháng xa nhà, tôi được cu Truật chạy ra ôm chầm: “Chị Ba, chị Ba. Cu nhớ chị Ba lắm!”. Sau đó gần 2 tháng, em trai tôi đột ngột bỏ con ngõ mà đi, đi mãi.

Bởi vậy, chỉ cần ai đó nhắc về con ngõ, tôi bần thần cả buổi chưa xong. Bởi vậy, khi nghe lời trách khéo của mẹ, con gái nghe, nghèn nghẹn ở cổ. Có bao xa, có bao xa mà con gái ít về, giẫm lá khô rơi đầy ngõ nắng mà bước vào nơi con gái ngồi mơ những chốn xa?

NGÔ THỊ THỤC TRANG

;
.
.
.
.
.