.

Biểu trưng Đà Nẵng trên Cửu Đỉnh

.

Ở sân chầu Thế Tổ Miếu trong Đại nội Hoàng thành Huế có 9 cái đỉnh đồng đồ sộ mà người dân thường gọi là Cửu Đỉnh. Cửu Đỉnh được xem như là bộ Bách khoa thư về đất nước Việt Nam thống nhất, có chủ quyền, được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh. Đây là một trong ba “báu vật quốc gia” ở Huế (gồm Cửu Đỉnh, Cửu Vị thần công và Chuông chùa Thiên Mụ) đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng. Nghiên cứu các hình ảnh được chọn khắc, ta thấy vua Minh Mạng hiểu  giang sơn gấm vóc Việt Nam vô cùng thâm hậu. 9 đỉnh là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Mỗi đỉnh có khắc 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái... đặc trưng từng tỉnh ở 3 miền Việt Nam, tổng cộng có 153 hình ảnh.

Trong sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” (NXB Tri Thức, 1-2011), nhà văn Dương Phước Thu có một phát hiện thú vị: Tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9. Chín ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loài chim, 9 loài hoa... Đất nước Việt Nam ta núi nhiều, sông lắm, cây cối sản vật rất phong phú, nên chọn số 9, là sự lựa chọn rất khắt khe và khó khăn. Và Minh Mạng, vị vua anh minh nhất triều Nguyễn đã chọn khắc những ngọn núi, con sông, các loài cây hoa có vị trí rất đích đáng trong lịch sử dân tộc.  

Trên tượng đài Cửu Đỉnh ấy, hình ảnh ấn tượng nhất, là biểu  trưng của Đà Nẵng được khắc vào Cửu Đỉnh là Hải Vân Quan, Đà Nẵng Hải khẩu, Quần đảo Hoàng Sa (Biển Đông),... Nhà văn Dương Phước Thu sưu tầm, tra cứu để giới thiệu rất chi tiết các hình ảnh được khắc. Xin điểm qua các biểu trưng Đà Nẵng trên Cửu Đỉnh.

Đà Nẵng Hải khẩu, tức Cửa biển Đà Nẵng hay Cửa Hàn. Đấy là chỗ sông Cẩm Lệ từ Hòa Vang đổ vào vũng Hàn ra biển. Cửa lạch rộng 105 trượng, thủy triều lên sâu 5 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc. Đầu đời Gia Long có đặt một viên thủ ngự, một viên hiệp thủ và 17 người thủ binh. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828) cấp cho ngựa trạm để chạy cấp báo. Mấy năm sau lại đặt vọng lâu cấp cho kính thiên lý để xem xét ngoài biển. Về quân sự, trong lịch sử cận đại, hễ phe nào chiếm được cửa biển Đà Nẵng thì phe đó làm chủ cả vùng. Năm 1822, người Pháp cho tàu chiến có tên là Cléopatre vào cửa biển Đà Nẵng, dâng thư xin yết kiến vua Minh Mạng. Năm 1825, thủy quân Pháp lại đem hai tàu chiến vào Cửa Hàn, đưa phẩm vật và quốc thư xin yết kiến nhà vua, nhưng cả hai lần đều bị triều đình Huế cự tuyệt. Tuy không được chấp nhận nhưng họ đã kịp để lại nhiều giáo sĩ đi giảng đạo nhiều nơi. Năm 1858, Pháp tấn công vào Đà Nẵng, họ đã theo cửa biển hóc hiểm này đổ quân lên bộ.

Thương nhân nước ngoài khi đến buôn bán ở Đàng Trong, thường ghé Cửa Hàn, là nơi trung chuyển đến Phú Xuân. Thương gia hay sứ thần nhà Nguyễn “xuất dương” bằng đường biển, đều phải vào Cửa Hàn, nghe ngóng tin tức, tiếp thêm lương thực, rồi mới ra khơi.

Tháng 3-1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Ngày nay, cửa biển Đà Nẵng trở thành cảng nước sâu lớn nhất miền Trung, là điểm “ra biển” của Hành lang kinh tế Đông-Tây. Cửa biển này có vị trí xung yếu  về quốc phòng, an ninh biển, đảo. Từ lợi thế cảng biển, Đà Nẵng đang nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, du lịch của miền Trung và cả nước.

Hải Vân Quan (Cửa Hải Vân) tọa lạc trên núi Hải Vân, ranh giới Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, xây dựng năm 1826, ở độ cao 496 mét so với mặt nước biển. Trên ngạch trước cửa đề 3 chữ Hán: “Hải Vân Quan”. Ngạch sau cửa  đề 6 chữ Hán “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 1 tấc; cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc. Triều đình chuẩn định: Từ cửa quan trở về phía bắc, thuộc Thừa Thiên, từ cửa quan trở về phía nam thuộc về Quảng Nam (nay là Đà Nẵng). Cửa cuốn theo kiểu tò vò. Cửa được xây dựng từ thời Minh Mạng. Triều đình đặt hai viên phòng thủ úy và biền binh để coi giữ. Đội biền binh được phát bản vẽ cờ các nước, ống nhòm để quan sát ngoài biển xa. Phàm thuyền nước ngoài vào Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Thời chúa Nguyễn làm chủ Đàng Trong, đèo Hải Vân còn hoang sơ, khó đi. Khi Thiền sư Thích Đại Sán từ Quảng Nam ra Huế yết kiến chúa Nguyễn Phúc Chu, vượt đèo bằng cáng, ông gọi đèo bằng cái tên Ngãi Lãnh vì hai bên hoa ngãi nở vàng. Đèo Hải Vân và Hải Vân Quan hiện nay là một điểm du lịch hấp dẫn vì núi non biển trời hùng vĩ...

Là tượng đài văn hóa Việt, Cửu Đỉnh quán xuyến cả các vì tinh tú trong vũ trụ và biển, đảo đất nước. Mặt trời, mặt trăng, sao Bắc Đẩu, Nam Đẩu, rồi gió mưa, sấm chớp... là những hình tượng ẩn linh của không gian Việt. Tư duy chủ quyền đầu thế kỷ XIX mà có cả không gian vũ trụ là rất hiện đại. Lịch sử Vương triều Nguyễn chỉ rõ, ngay từ thời Chúa Nguyễn đã cai quản Hoàng Sa, Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa bây giờ (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) là huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng. Thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, sử đã chép “Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cám ơn...”. Thời vua Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1840)... đều luôn quản lý đảo Hoàng Sa, Trường Sa  và các đảo phía nam, phía tây Tổ quốc, bằng những công việc hành chính cụ thể: cho người vẽ bản đồ Hoàng Sa, cho lập Hải đội Hoàng Sa, khai thác tài nguyên, thưởng phạt những người đi công cán ở Hoàng Sa về. Tất cả các châu bản này đều do nhà vua ban, ký tá hẳn hoi. Vì thế, khi cho khắc các hình ảnh đặc trưng của đất nước lên Cửu Đỉnh, chứng  tỏ vua Minh Mạng đã rất quan tâm đến chủ quyền biển, đảo. Vua cho khắc 3 vùng biển của Tổ quốc ta lên 3 đỉnh: Biển Đông ở Cao Đỉnh; biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương Đỉnh, là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất. Đông Hải (Biển Đông), Nam Hải (Biển Nam) là tên gọi từ ngàn năm nay để chỉ vùng biển nằm phía đông, nam, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

NGÔ MINH


(Nguồn tham khảo: Sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” của Dương Phước Thu,  NXB Tri Thức, 1-2011).

;
.
.
.
.
.