Người Quảng mến yêu

.

Có những thứ mâu thuẫn rất đáng yêu. Người Quảng ai cũng nhớ bài thơ theo kiểu lý lạch mà tương truyền là do Phan Khôi sáng tác: Không đi thì thảm thì thương/Đi thì lại mắc cái mương cái cầu. Không đi thì thảm thì sầu/ đi thì lại mắc cái cầu cái mương... hay một câu hát dân gian: Hôm qua qua bảo qua qua mà qua không qua/Bữa nay không bảo qua qua mà qua lại qua... Người Quảng có những cách suy nghĩ hay ứng xử cứ ngỡ như mâu thuẫn vậy đó.

Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Đổi mới và bảo thủ

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Quảng Nam-Đà Nẵng là đất phên giậu, trong quá trình lịch sử tiến về phương nam, người Quảng đã nhiều lần va chạm với các nền văn hóa khác: văn hóa Chăm pa từ sau chiến thắng của vua Lê Thánh Tông đến khi Nguyễn Hoàng vào lập xứ đàng Trong; văn hóa phương Tây khi chúa Nguyễn mở cửa Hội An giao thương với người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, văn hóa Trung Hoa khi đón những con dân nhà Minh di cư...

Trong quá trình “va đập” đó, người Quảng đã nhạy bén tiếp thu những cái mới và làm phong phú vốn văn hóa của mình. Cho nên “đổi mới” cũng là thuộc tính của người Quảng. Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán (1496-1568) khi vào Quảng Nam, Quảng Ngãi đã chẳng khuyên dân vừa nhã nhặn với người Chăm, người Thượng, mà còn hướng dẫn người dân phải đổi mới trong cách ăn ở, canh tác đó sao! (theo Phủ tập Quảng Nam ký sự).

Nhưng cũng có những bài viết nêu lên tính bảo thủ của người Quảng. Trong chuyện ăn uống chẳng hạn. Người Quảng ăn theo kiểu “chặt to kho mặn”. Có nhiều cách ăn chẳng giống ai mà vẫn nói là ngon như bún tươi chan xì dầu, bánh tráng chấm nước mắm, cá nục cuốn bánh tráng, bánh tráng đập dập chấm mắm cái (chứ không phải mắm nêm)...

Thậm chí, một món như râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon thì cũng lạ! Có lẽ ngon vì hạnh phúc chăng! Người Quảng chẳng những nói món ăn của xứ họ ngon đã đành mà còn không chịu khen một cách công khai những món ngon của xứ khác, dù trong thâm tâm cũng thấy ngon...

Đổi mới và bảo thủ là hai tính cách đối lập không sống chung với nhau được. Vậy tại sao có chuyện đó trong người Quảng?

Cha tôi lý giải chuyện này như sau: cần phải phân biệt người Quảng bản địa và người Quảng xa xứ trong những phát biểu về chuyện bảo thủ trong ăn uống. Quảng Nam-Đà Nẵng là xứ sở khắc nghiệt về nhiều mặt nên người bản địa có giàu lên chút đỉnh cũng dè xẻn trong ăn uống. Họ không cầu kỳ trong bữa ăn, trong chế biến không cần nhiều gia vị.

Từ bé đến lớn, người Quảng bản địa vẫn “bám trụ” với những món ăn như vậy. Ít ai khen đó là ngon, nhưng cũng không chê vì những món ăn như vậy đã đi theo suốt cả đời họ rồi, nhưng người Quảng xa xứ thì lại khác. Những món ăn thời khó nhọc lúc còn ở quê vẫn đi theo họ đến nhiều miền cùng với nỗi hoài nhớ quê hương.

Kỷ niệm về một đĩa cá cấn kho lá nghệ vẫn còn nguyên vị đắng; về một chén lòng già kho nghệ vẫn y chang hương vị “tươi” của thịt sau nhiều ngày khoai sắn. Con cá cơm làm mắm đỏ tươi ăn với chén cơm gạo mới nóng hổi sao nhiều dinh dưỡng bằng miếng bò bit-tết? Cha tôi bảo người ta đâu chỉ ăn bằng miệng, bằng lưỡi mà bằng tất cả giác quan, trong đó có cái lỗ tai để nghe tiếng bánh tráng vỡ, tiếng trái ớt xanh lúc cắn một cái đầy quyết đoán và ăn bằng cả trí nhớ về một thời cơ cực...

Cũng có “phản biện” rằng, các anh đồng hương xa xứ lâu ngày giỏi ăn hoài những món của thời nhỏ đi coi, chán thấy bà! Nhưng rồi có anh sẽ... cãi, nhưng thật ra vẫn pha chút ngụy biện: Ăn quá nhiều chất béo, chất đạm dễ sinh tiểu đường, bệnh gút...

Do vậy, lâu lâu “chơi” một đĩa cải luộc, một chén mít trộn sẽ thấy ngon miệng và không có cholesterol, càng yên tâm! Nhưng cái sự đáng yêu và đáng quý ở đây còn thể hiện ở tính cách: người Quảng dù đi đâu, ở đâu, cuộc sống thay đổi thế nào cũng luôn nhớ về quê hương bổn quán với một tình cảm đằm thắm, thủy chung. Nhớ về với những trách nhiệm hết sức cụ thể như khi nghe bà con bị lụt trôi mất nhà cửa thì xúm nhau lại quyên góp chở về giúp liền tay.

Buổi sáng ở Công viên Biển Đông. Ảnh: V.V.ÁNH
Buổi sáng ở Công viên Biển Đông. Ảnh: V.V.ÁNH

Dễ thích ứng mà lại... hay cãi!

Người Quảng từ Thanh Nghệ hay Hải Dương quyết định theo Bùi Tá Hán hoặc theo các chúa Nguyễn vào Đàng Trong hay bị “đày đi viễn châu” ngày xưa đâu phải dễ dàng! Cứ nhớ lại hồi chiến tranh, có nhiều cụ ông cụ bà vẫn bám trụ không chịu từ bỏ mái tranh, bờ tre, bàn thờ, mồ mả tổ tiên một bước, chính vì tình yêu làng, yêu quê của họ.

Theo chúa hay bị đày vào “chốn cọp beo”, “lạ nước lạ cái” vậy mà họ đã thích nghi được và phát triển cho đến ngày nay là một quá trình không dễ dàng. Chính quá trình đó của cha ông đã hun đúc cho tính thích nghi của những thế hệ về sau.

Họ dần thích ứng (sau thời gian chọn lọc, dung hòa) với những tín ngưỡng, tập tục của người Chăm pa, người Hoa, người phương Tây, của chữ viết do các cố đạo truyền cho, của lối cắt tóc ngắn (thế phát) và quần tây của Pháp để sau đó làm cuộc cách mạng Duy Tân. Đó là những bằng chứng rõ ràng trong sử sách.

Nhưng người Quảng lại là người hay cãi đến nỗi bị (hay được) nâng lên là một “thuộc tính”. Chuyện này cũng là một mâu thuẫn kỳ lạ cần lý giải. Tôi cho rằng “cái sự cãi” của người Quảng không phải là cãi chày cãi cối, cãi lấy được, mà luôn là một thứ phản biện trên đường tìm đến chân lý. Phan Châu Trinh “cãi” với Phan Bội Châu về đường lối cách mạng cũng dữ tợn như Phan Khôi cãi với Trần Trọng Kim về Nho giáo chứ! Nhưng chúng ta đâu có tìm thấy tài liệu nào chứng minh các cụ thù oán nhau, thiếu tôn trọng nhau, mà ngược lại là đằng khác.

Quảng Nam hay cãi còn lưu truyền những câu chuyện khá điển hình:

Hồi năm 1927, nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh lập ra Hội Rạng đông ở Hội An với một đội bóng đá và gánh hát cải lương để qua đó tuyên truyền cách mạng. Tên công sứ Pháp được báo đó là một hội kín, bèn cho bắt Cao Hồng Lãnh vào tra: Hội của mày làm ăn khá không? - Đá banh và hát cải lương chứ làm chi mà giàu! - Cao Hồng Lãnh cãi. Công sứ Pháp: Vậy mày lập Hội để làm chính trị à? Ông Lãnh lại cãi: Đá banh và hát hò là để cho vui, cho khỏe chớ chính trị chính triết chi! Công sứ Pháp: Không chính trị mà đặt tên là Rạng đông à? Rạng đông là có ý theo Nga, theo Tàu hả? Ông Lãnh lại cãi: Ông lầm rồi, đó là tiếng gáy sáng của con gà Gaulois của nước Pháp ông đó!  - Nhưng tao được báo cáo chúng mày lập hội kín? Tên công sứ hỏi vặn. Ông Lãnh lại cãi: Đá banh với hát xướng là công khai cho mọi người xem sao ông lại nói vậy! Tên công sứ Pháp tức lắm bị ông Cao Hồng Lãnh cãi phăng mọi lời cáo buộc, nhưng đành chịu.

Lãng mạn mà duy lý

Hay cãi là luôn mang trong mình cái vốn duy lý, thích tranh biện, nhưng “anh Quảng” nào có chút chữ nghĩa mà lại không làm thơ! Duy lý và lãng mạn lại là một “cặp” mâu thuẫn khác ở người Quảng.
Nhìn sự nghiệp những nhà cách mạng Quảng Nam-Đà Nẵng thì rõ, từ các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp cho đến Hồ Thấu, Mai Thúc Lân... sau này. Trong gian khổ của những cuộc đời ấy luôn có những vần thơ có khi rất lãng mạn, trữ tình.

Có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu khi viết những vấn đề thuộc lĩnh vực mình cũng đưa nhiều câu, nhiều bài đậm chất văn chương. Giáo sư Hoàng Châu Ký có những bài thơ rất hay như Gió nghiêng nghiêng tránh nẻo để hồn đi, sầu xuống nặng nên hoa chiều rã cánh... ngay giữa lúc ông khảo cứu về lịch sử sân khấu tuồng. Ngược lại những nhà làm văn chương nhiều khi nhảy xổ vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học lúc nào chẳng hay. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân đang viết văn lại bất ngờ đưa ra những “Phong trào Duy Tân”, “Khi những lưu dân trở lại”; nhà văn Vũ Hạnh vốn sung sức với những truyện ngắn lẫy lừng lại có “Người Việt cao quý”. Gần đây, nhà thơ Lê Minh Quốc “bỗng nhiên” lại in liền tù tì mấy tập biên khảo về người Quảng, hỏi đáp về xứ Quảng cũng là một trường hợp điển hình. Quan sát hiện tượng này, một nhà văn xứ Nghệ nói với người viết: “ Nhà khoa học xứ ông cứ sính văn chương còn dân văn chương lại sính nghiên cứu, thành ra nó lẫn lộn lung tung!”. Tôi tỏ ra chưa đồng tình với ý kiến đó, nhưng ngẫm ra, nó cũng đúng một phần!

Trên đây là những “mâu thuẫn” có thể dễ nhận thấy của người Quảng, nhưng nghĩ cho cùng đó cũng là “hai mặt” của một vấn đề làm cho tính cách đáng hãnh diện của người xứ tôi dễ bộc lộ. Đó là tính cách mà người Quảng khó thay đổi và đôi khi lận đận trên hoạn lộ. Để kết luận cho bài viết này, tôi xin tạm lấy mấy câu thơ sau đây của nhà văn Phan Tứ viết về râu khá độc đáo: Tao bảo đừng ra mày cứ ra/ Mày ra, ra mãi khiến tao già/Tao già rồi mai tao sẽ chết/Tao chết thì mày sẽ hết ra!. Đó cũng là một thứ mâu thuẫn đáng yêu mà người ta phải chấp nhận như một thứ số phận vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.