Bánh mì Xin Chào của hai anh em người Quảng Ở Nhật Bản

.

Hơn một tháng trước, cửa hàng Bánh mì Xin Chào của hai anh em Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm ở Tokyo nhận được thông báo sắp tới sẽ có một đoàn khách cấp cao tới thăm. Để chuẩn bị cho sự kiện ấy, mọi công tác hậu cần về an ninh, an toàn thực phẩm và nhiều yếu tố khác được gấp rút tiến hành.

Hai anh em Duy và Tâm ngồi cùng Giáo sư Trần Văn Thọ tại cửa hàng BMXC Asakusa vào ngày 6-11-2023.  Ảnh: Facebook/Bánh mì Xin Chào
Hai anh em Duy và Tâm ngồi cùng Giáo sư Trần Văn Thọ tại cửa hàng BMXC Asakusa vào ngày 6-11-2023. Ảnh: Facebook/Bánh mì Xin Chào

Chỉ tới ngay trước hôm sự kiện diễn ra, toàn thể nhân viên trong quán mới được biết, những vị khách đặc biệt họ sẽ đón hôm 28-11 chính là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thống đốc Tokyo Koike Yuriko cùng các thành viên trong đoàn tháp tùng.

Bất ngờ và cảm động

Cảm nhận được những vị khách sắp đón sẽ rất quan trọng, song cả hai anh em quê Quảng Nam, đồng sáng lập chuỗi cửa hàng Bánh mì Xin Chào, vẫn không thể hình dung người khách ấy là Chủ tịch nước. Khởi nghiệp gần 8 năm trước, đây là lần đầu tiên họ được đón một vị khách quan trọng và nhiều ý nghĩa như vậy.

Cái quán nhỏ xinh của hai anh em nằm trên tầng hai một tòa nhà ở phố Kaminarimon Asakusa (quận Taito, Tokyo) vốn chỉ đủ phục vụ cùng lúc tối đa khoảng 30 thực khách thì nay dù chứa hết công suất cũng chỉ đủ cho khoảng 50 người. Bởi vậy, khoảng chừng ấy người nữa trong đoàn tháp tùng phải đứng chờ phía dưới. Sáng hôm đó, phái đoàn của Bộ ngoại giao Nhật Bản và Thống đốc Tokyo Koike Yuriko tới trước. Sau họ khoảng 10 phút, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn công tác Việt Nam đến nơi. Bước vào quán, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dừng lại khoảng 3-4 phút để nói chuyện với Tâm. “Chúc mừng hai em. Ở Việt Nam, các em rất nổi tiếng. Anh đã đọc những bài báo nói về hai em. Các em rất giỏi”, câu nói của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm Tâm bất ngờ.

Vẫn biết Bánh mì Xin Chào đã được một số cơ quan báo đài ở Việt Nam đưa tin, nhưng anh không nghĩ Chủ tịch nước đã đọc và chú ý tới điều đó, và thậm chí còn dành khoảng thời gian quý giá trong lịch trình công tác dày đặc ở Nhật để tới thăm quán. Nhưng bất ngờ vẫn chưa hết. Khi các món ăn phục vụ bữa sáng được đưa lên, tới món mì Quảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bảo Tâm: “Em để anh giới thiệu về món ăn này với các bạn Nhật nhé”. Rồi Chủ tịch nước hào hứng chia sẻ với bà Thống đốc Tokyo Koike Yuriko và các quan chức, doanh nghiệp đi cùng về mì Quảng, về nguyên liệu, cách chế biến, có bao nhiêu loại mì Quảng và cách ăn như thế nào…

Nhìn Chủ tịch nước làm tất cả những việc này một cách chân thành và giản dị, Tâm vô cùng cảm động. Và trong cuộc đời mình, bài trình bày về những mục tiêu tham vọng đưa bánh mì và ẩm thực Việt Nam ra thế giới của Tâm hôm đó trước Chủ tịch nước và phái đoàn Nhật là một trong những bài phát biểu anh cảm thấy tự hào nhất.

Cùng có mặt trong buổi đón tiếp đón với em trai, Bùi Thanh Duy thấy trong lòng dâng lên một niềm tự hào và biết ơn trước sự quan tâm chân tình, giản dị của Chủ tịch nước. Khoảnh khắc đón tiếp Chủ tịch nước hôm đó giống như một cột mốc lớn trong hành trình gầy dựng sự nghiệp từ con số 0 với rất nhiều gian nan thuở ban đầu của hai anh em. Đó là khoảnh khắc khó khăn nhất khi anh quyết định rời bỏ công việc đang vào guồng và đã rất ổn định với cơ hội phát triển sự nghiệp tốt tại một công ty của Nhật để cùng em khởi nghiệp. Đó là ba tháng ròng rã hai anh em vất vả tìm thuê địa điểm bán hàng, một việc hóa ra không đơn giản chút nào, và đôi khi là những lời tự vấn âm thầm “liệu có phải mình đã quyết định sai?”.

Đó là những ngày làm việc tới 20 tiếng và phải ngủ lại cửa hàng vì quá nhiều việc... Tất cả những gian truân ngọt bùi ùa về với Duy trong khoảnh khắc đặc biệt hôm đó, khi hai anh em cùng nhau vượt qua tất cả để có thể ghi nhận những dấu mốc lớn đầu tiên trong sự nghiệp do chính mình tạo nên ở xứ người.

Nhưng điều mà hai anh em sung sướng, hạnh phúc hơn cả sau khoảnh khắc đó là cuộc điện thoại của người cha từ quê nhà sau khi biết tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. “Ba mẹ sống tới lúc này (ba mẹ Duy và Tâm hiện đều đã ngoài 70 tuổi - PV) và chứng kiến những điều hai con làm được như hôm nay là đã thỏa nguyện lắm rồi, không cần tiền bạc gì nữa”, người cha cảm động rưng rưng khi nói với các con. Cũng chính người cha này đã hết lòng ủng hộ các con khởi nghiệp, không chỉ bằng lời nói, tinh thần, mà bằng cả những đồng tiền tiết kiệm chắt chiu gửi cho hai con khi bắt tay mở quán. 

Một chặng đường mới

Vì sao một gian hàng nhỏ, chỉ bán một món ăn không quá đặc biệt là bánh mì Việt Nam, lại trở thành điểm hẹn của các chính khách Việt - Nhật như vậy? Câu hỏi đó hẳn đã đặt ra với không ít người khi biết tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thống đốc Tokyo cùng phái đoàn tháp tùng tới ăn sáng tại đây hôm 28-11.

Chính một nhân viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã “hỏi nhỏ” Tâm câu này: “Hai anh em bạn cho biết vì sao Chủ tịch nước lại muốn tới đây chứ không phải nơi khác?”. Trước câu hỏi đó, Tâm chia sẻ thật lòng: Chúng tôi chỉ có sự nỗ lực và cố gắng với công việc của mình thôi”. Thật vậy, những gì hai anh em người Quảng Nam (thôn Lam Phụng, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) là Bùi Thanh Duy (sinh năm 1986) và Bùi Thanh Tâm (sinh năm 1991) bắt đầu gặt hái được hôm nay chính là kết quả của những nỗ lực không ngừng.

Bước sang năm thứ 8 hoạt động, thương hiệu bánh mì của họ đã trở nên quen thuộc với nhiều người Nhật. Doanh thu trước thuế trong năm 2022 của Bánh mì Xin Chào đạt 2,2 triệu USD (hơn 53 tỷ đồng). Mức lương trung bình của một nhân viên toàn thời gian vào khoảng 40 triệu đồng/tháng, những người tăng ca có thể lên tới 50, 60 triệu đồng.

Không chỉ ở Tokyo, với 15 cửa hàng đặt ở các tỉnh như Nagoya, Osaka, và trước đây còn có ở Hokkaido, độ bao phủ và nhận diện thương hiệu của Bánh mì Xin Chào rõ ràng đã bước sang một giai đoạn mới, rất khác và đầy triển vọng.

Ngày 28-11 vừa qua hẳn sẽ được ghi vào “lịch sử doanh nghiệp” của Bánh mì Xin Chào khi vô tình lại là ngày cùng diễn ra hai sự kiện có ý nghĩa lớn với họ. Ngoài chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch nước và Thống đốc Tokyo trong buổi sáng, chiều cùng ngày, đoàn công tác của Shark Bình (tức ông Nguyễn Hòa Bình, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn NextTech) cũng tới ký kết với Bánh mì Xin Chào về khoản đầu tư 500.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) để phát triển khu bếp trung tâm chuyên cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng gần đó của Bánh mì Xin Chào. Duy cho biết, ngày ký kết này đã được hẹn từ trước và việc trùng ngày với chuyến thăm của Chủ tịch nước là hoàn toàn ngẫu nhiên.

“Canh bạc cuộc đời” và cậu con trai “Bánh mì”

Cho tới tận bây giờ, Bùi Thanh Duy vẫn tin rằng thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời anh là lúc phải quyết định nghỉ việc ở công ty của Nhật để “ra riêng”, cùng em trai khởi nghiệp với Bánh mì Xin Chào.

Nếu lúc đó Tâm vẫn đang là sinh viên năm thứ 3 và chưa lập gia đình thì Duy đã đi làm được 3 năm, công việc bắt đầu ổn định, lương bổng và đãi ngộ tốt. Anh cũng đã có gia đình và vợ đang mang bầu được mấy tháng. Trước ý tưởng khởi nghiệp của em, Duy bị thuyết phục nhưng vẫn nhiều cân nhắc. Đánh đổi một công việc và thu nhập ổn định để bước vào một tương lai chưa có gì chắc chắn, trong lúc gánh nặng trụ cột gia đình đè nặng quả thực là “canh bạc cuộc đời” với Duy lúc đó. Thành công thì không có gì để nói, nhưng nếu thất bại thì sao?

Trăn trở suy nghĩ thật lung, chia sẻ với cha mẹ, với vợ để lật đi lật lại vấn đề cho thấu suốt, Duy vững tâm khi tất cả những người thân thiết nhất đều đã ủng hộ hai anh em bắt tay vào công cuộc “làm chủ chính mình”. Vợ anh tin tưởng giao cho chồng số tiền mừng cưới vốn là cái phòng thân cho gia đình với lời dặn: “Anh dùng vào việc đi, nhưng nhớ là đó không chỉ là tiền của hai vợ chồng mình, mà còn là của con nữa nhé”. Khi vợ Duy sinh cậu con trai đầu lòng, cũng là lúc hai anh em khai trương cửa hàng đầu tiên của Bánh mì Xin Chào vào tháng 10-2016. Bởi vậy, Duy đặt tên ở nhà cho cậu bé ấy là “Bánh mì”.

“Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ thời điểm phải đi đến quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp là giai đoạn khó khăn nhất trong đời mình. Và giờ thì tôi cảm ơn vì mình đã quyết định như vậy. Đó thực sự là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời”, Duy chia sẻ.

Quá trình mở rộng quy mô của Bánh mì Xin Chào được khởi động từ khoảng ba năm trước, sau 5 năm kể từ khi Duy và Tâm mở cửa hàng đầu tiên, cũng là sự hiện thực hóa luận văn tốt nghiệp đại học xuất sắc của Bùi Thanh Tâm về mô hình kinh doanh bánh mì Việt Nam tại Nhật. 5 năm dày công nỗ lực, họ đã nhận ra những yếu tố quan trọng nhất để có thể đi lâu dài và bền vững.

Kinh nghiệm của ba năm làm việc thường xuyên với các công ty Nhật Bản trong vai trò một phiên dịch viên kiêm quản lý thực tập sinh Việt Nam đã giúp Duy có những cảm nhận sâu sắc về con người, văn hóa Nhật và cụ thể hơn là văn hóa doanh nghiệp ở xứ sở Mặt trời mọc. Họ coi trọng những giá trị thực, vững chắc và bền bỉ chứ không hề “lóa mắt” bởi những quy mô hoành tráng và mục tiêu vĩ mô.

“Người Nhật không cần một doanh nghiệp quá lớn, quá “hầm hố”, mà cần doanh nghiệp có uy tín, có sản phẩm tốt và độ nhận diện thương hiệu tốt”, Tâm chia sẻ. Từng bước gây dựng được niềm tin theo cách chậm mà chắc, Bánh mì Xin Chào lần lượt bước vào được những siêu thị và chuỗi cửa hàng hàng đầu tại Nhật. Nếu như từ 2 năm trước, Bánh mì Xin Chào đã vào được chuỗi siêu thị lớn thứ 2 ở Nhật của Seven & I Holdings (tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven) thì nay họ đã ký kết xong xuôi việc mở thêm 4-5 cửa hàng trong khoảng thời gian từ cuối năm nay cho tới đầu năm 2024.

Cuối năm 2023 là sự có mặt của Bánh mì Xin Chào tại tòa nhà đặt trụ sở chính của hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo, nơi tập trung hơn 4.000 nhân viên của nhiều doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ cũng sẽ có thêm cửa hàng nữa ở một siêu thị của Aeon Mall tại một trong ba tỉnh gần thủ đô Tokyo. Bánh mì Xin Chào là đơn vị nước ngoài đầu tiên có thể bước chân vào siêu thị này để cạnh tranh với thương hiệu bánh mì Subway của Mỹ cũng như các thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng khác. Thêm các cửa hàng nữa của Xin chào sẽ được mở từ đầu năm 2024 tại chuỗi bán lẻ lớn Don Kihote của Nhật (có thể từ 1-2 cửa hàng) và tại một ga tàu ngầm ở Tokyo. Trong số các cửa hàng sẻ mở thêm đó, Bánh mì Xin Chào sẽ trực tiếp quản lý 2-3 cửa hàng, số còn lại là nhượng quyền thương hiệu.

Ngoài bánh mì là sản phẩm “đinh”, Bánh mì Xin Chào cũng đã có thêm những món ăn quen thuộc của Việt Nam như bún chả Hà Nội, bún bò sốt vang, phở (món mới được thêm vào trong khoảng nửa năm gần đây). Đáng mừng khi tất cả các món ăn mới đều nhận được sự hưởng ứng không chỉ của cộng đồng người Việt tại Nhật, mà của đông đảo người dân bản địa.

Lúc này Bánh mì Xin Chào đã bước vào giai đoạn “bùng nổ” như nhìn nhận của Bùi Thanh Duy, cùng với đó là những thách thức lớn tương ứng. “Khi quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, mình có thể trực tiếp quản lý mọi thứ thì dễ dàng kiểm soát theo ý mình hơn. Nhưng nay, khi bước vào giai đoạn có những cái mình “vươn tay không tới” nữa thì phải làm sao để đào tạo được đội ngũ cộng sự có sự thống nhất tới mức như một bản sao của mình về mục tiêu, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và đường hướng phát triển là vấn đề mấu chốt. Chúng tôi đang nỗ lực để giải quyết điều đó và phần nào vững tâm vì có niềm tin rất lớn vào đội ngũ hiện nay của mình”, Duy chia sẻ.

Bánh mì Xin Chào và “cỗ xe song mã”

Trên thế giới có nhiều công ty gia đình rất thành công và không phủ nhận mối quan hệ huyết thống là lợi thế rất lớn nếu các thành viên trong gia đình có sự chia sẻ về mục tiêu và chiến lược kinh doanh xuyên suốt, bền bỉ. Nhìn vào những gì chuỗi cửa hàng Xin chào làm được tới nay, có thể nhận ra sự bổ sung cho nhau rất hợp lý giữa hai anh em Duy và Tâm.

Tùy vào từng giai đoạn, giữa hai anh em luôn có sự phân chia công việc phù hợp với sở trường, tính cách từng người, nhưng luôn có sự hỗ trợ qua lại khi cần. Nếu ở giai đoạn đầu, khi Tâm là người lo chuẩn bị thực đơn cho quán, Duy cũng đã đóng góp thêm gợi ý đưa món thịt ngâm nước mắm của người xứ Quảng vào làm nhân bánh mì. Góp ý đó đã tạo nên nét độc đáo chỉ có ở Bánh mì Xin Chào mà không có ở bất cứ đâu.

Và nay, trong khi Tâm lo hoạch định chiến lược phát triển công ty, hoạt động marketing và làm việc với các đối tác Việt Nam, thì Duy là người lo tổ chức nội bộ, lo đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác Nhật. Hai anh em, mỗi người mỗi việc và không tránh khỏi những lúc tranh luận gay gắt, nhưng sau tất cả chỉ để tìm ra được giải pháp phù hợp nhất cho sự phát triển của “đứa con chung”.

Đỗ DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.