Hoàn nguyên bảo vật

.

Việc hoàn nguyên hai pháp khí - vật biểu tượng cầm tay của tượng Bồ Tát Tara - là đóa sen (padma) bên tay phải và con ốc (sankha) bên tay trái đã góp phần hoàn chỉnh, phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của bảo vật quốc gia này.

Dấu xưa, chuyện cũ

Di tích Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về hướng tây nam, trên đường 14E. Theo nội dung tấm bia tìm thấy ở Đồng Dương, vào năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lôkesvara Svabhayada.

Năm 1901, L. Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm. Theo các nhà nghiên cứu, pho tượng Phật này mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn Độ. Năm 1902, H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.

Phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo Đại Thừa ở phương Bắc, kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa từ giữa đến cuối thế kỷ IX.

 

Khu di tích quan trọng nhất của Phật giáo Champa đã bị tàn phá trầm trọng bởi thiên nhiên và chiến tranh. Hiện nay trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc. Sau nhiều năm gần như bị rơi vào quên lãng, tình cờ vào chiều ngày 10-8-1978, một nhóm người ở thôn Đồng Dương trong lúc đào gạch, đã tìm thấy một pho tượng bằng đồng khá lớn nằm trong lòng đất ở độ sâu chừng 1,5m, cách khu đền thờ chính khoảng 100m. Tượng được đặt nằm ngửa trên một nền gạch, đệm một lớp sạn nhỏ và cát thô, phía trên tượng phủ đất cát và gạch vụn, cho thấy pho tượng được chôn giấu cẩn thận chứ không phải bị vùi lấp tự nhiên.

Pho tượng Bồ Tát được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào năm 1981. Tượng Bồ Tát trong tư thế đứng thẳng; tóc được búi lại thành hình chóp (jata) trên chóp chạm một tượng Phật; gương mặt Bồ Tát nhìn thẳng, có vẻ nghiêm nghị nhưng hiền từ; đôi mắt mở to, được viền quanh bằng một đường chỉ vàng rất mảnh, lòng trắng được khảm bằng đá màu trắng, lòng đen được khảm bằng đá màu đen; cánh mũi rộng, đôi môi dày; giữa trán có một Urna hình thoi - đó là Huệ nhãn - con mắt thứ ba, được đúc lõm sâu, có lẽ được khảm đá quý nhưng đã không còn, cặp lông mày rậm giao nhau cũng đúc lõm ở giữa có lẽ được khảm đá quý nhưng cũng đã bị mất.

Thân trên pho tượng để trần với bộ ngực căng tròn; thân dưới quấn một sarong dài đến mắt cá, sarong xếp nhiều nếp lượn cong tạo vẻ mềm mại. Hai cánh tay pho tượng tròn trịa và khá dài so với tỷ lệ toàn thân tượng, buông xuôi từ vai xuống dọc thân, hai khủy tay gập nhẹ, cánh tay đưa về phía trước, hai lòng bàn tay lật lên hướng về phía trước, hai bàn tay cầm hai pháp khí của Bồ Tát, tuy nhiên cả hai vật này đã bị gãy, chưa biết tung tích ra sao; toàn thân pho tượng phủ một lớp patin màu xanh lục do bị oxy hóa, lớp patin này rất dày và bóng, trờ thành lớp bảo vệ chống ăn mòn cho pho tượng.

Vào năm 1979, nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa Trần Kỳ Phương công bố pho tượng này trên tạp chí Khảo cổ học, căn cứ vào nội dung bia ký ở Đồng Dương, ông xác định tên gọi pho tượng đồng này là Laksmindra Lokesvara - vị Bồ tát bảo hộ của vương triều Indravarman II (875-930). Năm 1984, qua nghiên cứu về tiếu tượng học, Jean Boisselier đã xác định đó là pho tượng Tara.

Theo đánh giá của J. Boisselier, pho tượng này không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chămpa được biết cho đến nay, mà nó còn là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam Á. Tác phẩm này được định niên đại vào khoảng giữa thế kỷ IX. Tuy nhiên sau đó, các nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa tiếp tục tranh luận, nhiều người vẫn gọi đó là tượng Laksmindra Lokesvara. Năm 2019, Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh (thạc sĩ, Trường SOAS, Đại học London) dựa trên phân tích hình tượng Amoghasiddhi được thể hiện ngồi dưới tán rắn Mucalinda 7 đầu trên tóc của Bồ Tát, tay trái của đức Phật cầm thanh kiếm ngắn nên xác định lại danh hiệu của pho tượng đồng Đồng Dương là Tara.

Với giá trị lịch sử - văn hóa mang tính tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á, là hiện vật gốc độc bản, có giá trị thẩm mỹ đại diện cho một phong cách nghệ thuật đặc sắc của Champa xưa, vào ngày 1-10-2012, pho tượng Bồ Tát Tara Đồng Dương đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia.

Hành trình thu hồi pháp khí

Trong một chuyến khảo sát tại Đồng Dương vào năm 1991, tình cờ chúng tôi được biết hai vật cầm tay của tượng Bồ Tát Tara vẫn còn được giữ ở xã Bình Định. Theo người dân địa phương, khi mới tìm thấy pho tượng, có người cho là kim loại quý nên đã bẻ gãy hai vật trên tay pho tượng đem ra tiệm kim hoàn xem thử, về sau UBND xã Bình Định đã thu hồi hai vật đó để cất giữ. Đại diện lãnh đạo Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ đã đến làm việc với UBND huyện Thăng Bình và xã Bình Định để được đưa về bảo quản tại bảo tàng, tuy nhiên đại diện xã cho rằng hai di vật đó đã bị người dân làm thất lạc.

Tháng 9-1996, Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức điền dã khảo sát ba ngày tại làng Đồng Dương. Trong thời gian ấy, chúng tôi cố tìm thông tin về hai vật cầm tay của pho tượng Tara Đồng Dương, có người cho biết di vật vẫn còn được lưu giữ ở UBND xã, họ còn nói rõ đó là một đóa hoa sen và một quả cau. Chúng tôi đến UBND xã để xin phép được xem hiện vật nhưng không được đáp ứng. Mãi đến cuối năm 2019, UBND xã Bình Định Bắc mới bàn giao hai di vật này cho Bảo tàng Quảng Nam bảo quản.

Sau khi nhận được hai vật cầm tay của tượng Tara Đồng Dương, Bảo tàng Quảng Nam thống nhất chuyển giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng bảo quản và trưng bày, song quá trình thực hiện chuyển giao kéo dài gần 4 năm vì thủ tục quản lý và giao nhận hiện vật giữa các bảo tàng khá phức tạp. Sau khi được sự thống nhất giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, chiều ngày 9-12-2023, hai pháp khí của Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara Đồng Dương đã được Bảo tàng tỉnh Quảng Nam bàn giao cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ và phát huy giá trị.

Căn cứ vào vết gãy trên hai bàn tay pho tượng Tara Đồng Dương và vết gãy trên hai di vật, có thể thấy tay phải của tượng Tara cầm đóa sen, tay trái cầm con ốc chứ không phải quả cau. Theo quan niệm Phật giáo, hoa sen là biểu tượng cho sự thuần khiết và sinh hóa tự nhiên; con ốc trong Phật giáo là Pháp loa, một trong những vật cầm tay của Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng trưng cho lời giảng của đức Phật. Cùng với hình tượng Amoghasiddhi được thể hiện ngồi dưới tán rắn Mucalinda 7 đầu trên tóc của Bồ Tát, hai pháp khí đóa hoa sen và con ốc đã góp phần khẳng định danh hiệu của bảo vật quốc gia ở Đồng Dương là Bồ Tát Tara - một trong những hóa thân nữ của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Hai pháp khí đóa hoa sen và con ốc trở về với pho tượng Bồ tát Tara Đồng Dương giúp thể hiện đầy đủ giá trị của một bảo vật quốc gia. Trong khi chưa có giải pháp hoàn hảo nào để gắn hai di vật này vào vị trí cũ trên pho tượng, nên chọn giải pháp trưng bày hai di vật bên cạnh tượng Tara Đồng Dương, giúp các nhà nghiên cứu và khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và kỹ thuật chế tác của pho tượng đồng Tara quan trọng bậc nhất trong vùng Đồng Nam Á.

HỒ XUÂN TỊNH

 

;
;
.
.
.
.
.