Xây dựng cán bộ có tố chất "6 dám" và khát vọng phát triển Đà Nẵng

.

Đất nước đang bước vào năm mới Giáp Thìn 2024. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, chủ đề sự phồn vinh, hạnh phúc và các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó cho mỗi gia đình, dòng họ đến vùng quê hay cả quốc gia, dân tộc thường được nhiều người quan tâm, bàn luận. Trong đó, ở tầm thể chế từ Trung ương đến mỗi địa phương, ban, ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển bền vững vẫn là “gốc của mọi công việc”.

Trao quyết định bổ nhiệm cán bộ chủ chốt. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trao quyết định bổ nhiệm cán bộ chủ chốt. Ảnh: NGỌC PHÚ

1. Với tư cách là nhà tư tưởng, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta những di sản vô giá về cán bộ và công tác cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trên thực tế, Người luôn đặt công tác cán bộ lên vị trí hàng đầu trong các công tác của Đảng và chính Người đã tạo dựng được những thế hệ cán bộ “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” cùng Đảng, cùng dân lập nên những chiến công hiển hách trong thế kỷ XX. Khi trở thành Đảng cầm quyền, Người xác định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Vì thế, Người đã nêu gương và truyền cảm hứng để đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu trở thành “người lãnh đạo, người đày tớ” của nhân dân.

Kế thừa di sản của Người, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn xem việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển nhanh, bền vững là một trong những mắt khâu hợp thành của cải cách hành chính Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. Từ yêu cầu của tiến trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước, thời đại, Đảng ta đã xác định: “...Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

2. Là thành phố trực thuộc Trung ương, hơn ¼ thế kỷ qua, Đà Nẵng đã có nhiều bứt phá và đạt được nhiều thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Đà Nẵng đã có một diện mạo mới, có tốc độ hiện đại hóa, đô thị hóa, hạ tầng xã hội có nhiều thay đổi có tính đột phá. Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam, châu Á và thế giới, với nhiều công trình, kiến trúc, sự kiện, hiện đại, mang thương hiệu riêng: “Thành phố đáng sống”; “Thành phố của Lễ hội pháo hoa quốc tế”…

Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng đã đạt một số kết quả tích cực: bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ, hoạt động thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề cấp bách ở địa phương, góp phần tích cực vào cải cách hành chính. Bằng trải nghiệm thực tế, các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng cảm nhận rõ, tất cả những gì Đảng bộ và các cấp chính quyền thành phố đã và đang làm đều hướng tới mục tiêu phục vụ cuộc sống của mỗi người dân, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy nhiên, cải tạo và xây dựng xã hội theo hướng hiện đại, văn minh là một quá trình đầy khó khăn, phức tạp, lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực, động chạm đến tập quán, tư tưởng, lợi ích của hàng triệu con người, cho nên trên thực tế vẫn tiềm ẩn, phát sinh những bất cập, thậm chí có cả sai lầm mang tính chủ quan... Dũng cảm nhìn thẳng sự thật, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu, xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới, lãnh đạo thành phố đã chỉ ra những hạn chế. Đó là: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, sợ trách nhiệm, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Người đứng đầu đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó trả lời, ký những việc thuộc thẩm quyền của mình; chờ đợi sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên”.

“Dám” là nói về dũng khí, là “đảm dục đại”, là không sợ những cái khó, những việc chưa có tiền lệ, thậm chí chưa được hoạch định bằng chính sách, cơ chế”

Để Đà Nẵng “trở thành một trong những trung tâm kinh tế -  xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ...; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”, có nhiều việc phải làm, trong đó phải chăng cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa nhằm hình thành một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - hội đủ phẩm chất “6 dám”, xem đó như là nội dung hợp thành khâu then chốt của vấn đề then chốt.

“Dám” là nói về dũng khí, là “đảm dục đại”, là không sợ những cái khó, những việc chưa có tiền lệ, thậm chí chưa được hoạch định bằng chính sách, cơ chế. “Dám nghĩ” là năng lực tư duy, cái khai mở cho chuỗi hành vi làm thay đổi hiện thực theo hướng phát triển. Dám suy nghĩ là phải “nhìn cho kỹ, suy cho rộng”, để phát hiện bản chất các hiện tượng, xu thế hay logic vận động của các sự vật, hiện tượng ấy để từ đó đưa ra cách thức giải quyết vấn đề một cách hợp lý, hợp lẽ, hợp thời. Dám suy nghĩ sẽ dẫn đến “dám đổi mới, sáng tạo” mô hình, mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu, đáp ứng yêu cầu mới.

Các lãnh tụ của Đảng hoàn toàn không hẳn chỉ có “tư duy bậc cao”, mà họ có một “cái đầu” lúc nào cũng đầy ắp câu hỏi, sự trăn trở... Chịu suy tư, quan sát, ham học hỏi, sự đam mê và kiên nhẫn...đã đưa họ đến với những quyết sách mang tính đột phá, tạo nên “những bước ngoặt lịch sử” cho cách mạng, cho dân tộc. Đó là năng lực phát hiện vấn đề, vạch ra cách thức hành động để giải quyết vấn đề của tổ chức, cộng đồng một cách có hiệu lực, hiệu quả. “Dám nói” là thể hiện dũng khí, thẳng thắn, công tâm khi nhận định, xem xét, phán quyết một vấn đề, một sự việc nào đó.

Sự không dám nói, thực chất là một hình thức tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, thiếu tính xây dựng, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, kiểu “ốc lo thân ốc”. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động: đầu óc nghĩ suy, “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” mới thu thập và xử lý kịp thời, có hiệu quả các dữ liệu xuất hiện trong thực tế...

Hiện nay, bên cạnh thời cơ, vận hội, công cuộc phát triển, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...Vì thế cán bộ, công chức, viên chức phải “dám làm”, tiên phong - làm trước, nêu gương và định hướng, tổ chức để nhân dân cùng làm... Tất nhiên, khi làm thì phải “dám chịu trách nhiệm” - thể hiện bản lĩnh, tâm thế của người “đứng mũi chịu sào”, không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Đã là cán bộ của Đảng thì cần phải“chí công vô tư”.

Với đạo đức và nhiệt huyết cách mạng ấy, họ “dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Đây không chỉ là bản lĩnh, đạo đức mà còn là thước đo nghị lực, quyết tâm chính trị, là khả năng giải quyết những vấn đề mới, khó của cuộc sống một cách bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo có hiệu lực, hiệu quả.

Lãnh đạo, quản lý hay quản trị xã hội nói chung có đặc điểm nổi bật nhất là tính linh hoạt và đa dạng. Điều này đòi hỏi chủ thể lãnh đạo phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng để có thể đạt đến nghệ thuật: nghệ thuật vận dụng các khả năng để hành động đạt hiệu quả cao nhất; nghệ thuật lựa chọn đường đi, chiều hướng vận động phù hợp với tình thế để đạt mục tiêu nhanh nhất, cao nhất và ít hao tốn nhất - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; nghệ thuật nắm, sử dụng và phát huy tốt tình thế và thời cơ; nghệ thuật điều hòa và cân bằng lợi ích; nghệ thuật sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại...

Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ
Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Dù có cân nhắc, tính toán kỹ càng bao nhiêu thì khi làm vẫn có thể đối mặt với rủi ro, sai lầm. Vì thế, trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đã lưu ý: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay thực chất là cùng chung tay xây dựng Đà Nẵng trở thành môi trường văn hóa chính trị lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đó cũng là nội dung, điều kiện để tạo động lực cho cán bộ, công chức thực sự dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung - của nhân dân, của đất nước và của chính Đà Nẵng.

PGS.TS HỒ TẤN SÁNG

;
;
.
.
.
.
.