.

Thủ tướng Chính phủ: "Không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường"

.

Trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sáng nay 13-11, vấn đề xuất khẩu gạo tiếp tục được các đại biểu (ĐB) quan tâm và Thủ tướng đã dành khá nhiều thời gian cho vấn đề này.

Việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể

Thủ tướng cho biết, cuối tháng 3, các chuyên gia thế giới dự báo thiếu gạo trên toàn cầu, trong khi trong nước vẫn còn 1,6 triệu tấn gạo đã ký kết chưa xuất. Miền Bắc đầu năm rét đậm khả năng được mùa là 50%. Nguồn hàng cân đối cho xuất khẩu không còn. Do đó, ngày 25-3, Chính phủ đã quyết định tạm ngừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu.

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ


Theo Thủ tướng, việc tạm dừng xuất khẩu gạo là để đảm bảo an ninh lương thực trong trường hợp mất mùa. Ngoài ra, nếu ký hợp đồng ngay lúc đó, có thể doanh nghiệp vét gạo trong nước để xuất khẩu, đẩy giá gạo trong nước tăng lên, khiến lạm phát tăng thêm. Ông cũng khẳng định, trong kho dự trữ không có chuyện còn 4-5 triệu tấn như có ý kiến nêu. Việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo là hợp lý để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, an ninh lương thực.

"Tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua dựa trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nước và đã cơ bản đạt được các yêu cầu. Đầu tháng 6 khi vụ hè thu và đông xuân có triển vọng tốt, chúng ta đã ký hợp đồng xuất khẩu. Đến hết tháng 10, cả nước xuất khẩu 4 triệu tấn và phấn đấu cả năm 4,7 triệu tấn, giá xuất khẩu 600 USD một tấn tương đương Thái Lan", Thủ tướng nói. Thủ tướng cho rằng, khi tạm dừng xuất khẩu, Chính phủ đã thu mua ngay 300.000 tấn gạo. Trong thời gian tới, nông dân sẽ tiếp tục được đình hoãn các khoản vay nợ ngân hàng, được vay vốn sản xuất, ưu ái về vay vốn học tập...

 

Đại biểu Dương Trung Quốc ví Chính phủ như một dàn nhạc và đặt vấn đề, khi các Bộ trưởng là những nhạc công có lỗi, Nhạc trưởng là Thủ tướng có nhận trách nhiệm?

“Tôi đã nói 7 nhóm yếu kém, khuyết điểm trong báo cáo về Kinh tế - xã hội, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng. Chúng tôi nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém để sau mỗi lần như thế sẽ có tiến bộ”, Thủ tướng trả lời.

 
Không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt vấn đề: Liên quan đến bảo vệ môi trường, tôi nhất trí với thái độ của Thủ tướng và quyết tâm của Chính phủ bảo vệ môi trường, nhưng hiện số doanh nghiệp gây ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng khá nhiều. Xử lý không khỏi ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người lao động. Chính phủ làm thế nào để thực hiện những gì Thủ tướng nêu mà vẫn đảm bảo an sinh xã hội?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Về xử lý môi trường, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương. Hiện đã có chương trình, kế hoạch xử lý với những cái gây ô nhiễm hiện tại. Như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói, trước đây ta chưa quan tâm tới môi trường và cũng chưa có điều kiện quan tâm đúng mức, xử lý môi trường. Những cái hiện đang gây ô nhiễm phải xử lý nhưng cũng cần thời gian. Đó là mong muốn nhưng còn điều kiện nữa.

Như chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Y tế đã nêu, hàng ngàn bệnh viện như thế, không phải chúng ta không biết có vấn đề môi trường nhưng chúng ta không có điều kiện xử lý. Trước mắt, bệnh viện nào thuộc quản lý ở Trung ương, Trung ương bố trí ngân sách, bệnh viện thuộc quản lý địa phương, địa phương sẽ bố trí ngân sách để xử lý từng bước. Mà ngân sách của ta như thế nào, các đại biểu biết cả rồi.

Thủ tướng trao đổi với ĐB Dương Trung Quốc nhân giờ nhỉ giải lao. Ảnh: Vietnamnet

Các chỉ tiêu nêu về môi trường, tôi cũng đã chỉ đạo đừng nêu thành chỉ tiêu "chay", nêu mà không bố trí ngân sách. Chúng ta cũng cần xác định rõ vi phạm nào thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ chức năng và địa phương để giải quyết cụ thể những vi phạm môi trường hiện có; đồng thời phải có từng đề án cụ thể như đề án sông Cầu, sông Đông Nai... phê duyệt từng chương trình.

Chính phủ cũng chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi, Chính phủ đã từ chối dự án thép trị giá 4 - 5 tỷ USD vì vấn đề môi trường. Nhiều địa phương cũng đã làm như vậy.


 

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết, để nhắc nhở các bộ trưởng và trưởng ngành thực hiện trách nhiệm đã hứa thì Quốc hội sẽ trích dẫn bóc băng ghi âm và gửi tới bộ trưởng cũng như người hỏi để theo dõi, giám sát.

Những vấn đề đại biểu hỏi, song chưa được trả lời thì sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp.

 
Nói bộ máy hành chính "hành dân" là quy kết thiếu thực tiễn 

ĐB Vũ Hồng Anh đặt vấn đề: "Với cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã và sẽ có giải pháp gì để nền hành chính thực sự giúp dân, chứ không phải là hành dân, như có ý kiến đã nêu?", 

Thừa nhận so với yêu cầu mới, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế bộ máy, Thủ tướng nói, Chính phủ chuẩn bị đánh giá lại Luật tổ chức Chính phủ, để khi kết thúc nhiệm kỳ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung những gì còn bất cập, làm sao Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước thống nhất quản lý lĩnh vực hành chính.

"Cải cách hành chính so với yêu cầu vẫn chưa đạt, chưa phải là khâu đột phá, nhưng công bằng mà nói ta đã có bước tiến dài, gồm cả cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính, tài chính công, đội ngũ bộ máy..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ta nói bộ máy hành chính hành dân là quy kết, áp đặt, không đúng với thực tiễn. Còn một bộ phận nào đó làm chưa đúng thì ta phải tiếp tục kiện toàn, xây dựng", Thủ tướng quyết liệt thể hiện quan điểm.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Quốc Khánh về nạn công chức nhũng nhiễu, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, tiến hành thanh kiểm tra để xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đa số công chức là tốt. "Chúng ta thử tính xem số cán bộ nhũng nhiễu nhiều hay số lo cho dân là nhiều. Tôi muốn nói có cán bộ nhũng nhiễu nhưng không phải là tất cả. Đại biểu, nhân dân phát hiện ai thì dứt khoát xử lý", Thủ tướng nói.


Đòi hỏi sự điều chỉnh hợp lý mục tiêu tổng quát

Trước đó, trong phát biểu tại hội trường Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ những diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và dự báo tác động đến nước ta, những vấn đề Chính phủ cần tập trung chỉ đạo điều hành trong tình hình mới và một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm như vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công tác điều hành xuất khẩu gạo...

Thủ tướng nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tiếp tục lan rộng trên quy mô toàn cầu và chưa có khả năng kết thúc sớm. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, việc làm và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế, đặt ra những nhiệm vụ nặng nề trong việc ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong khi đó, tình hình trong nước vẫn còn khó khăn. So với tháng 12-2007 lạm phát vẫn còn cao và nguyên nhân sâu xa của lạm phát chưa được khắc phục. Lũ lụt, thiên tai đã và sẽ còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, giá cả lương thực, thực phẩm. Những yếu tố làm tăng giá tiêu dùng (CPI) vẫn còn, chúng ta không được xem nhẹ.

Giá cả thế giới còn biến động khó lường nhưng có thể không tăng cao; giá nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta đang giảm mạnh. Chính sách tiền tệ đã có sự nới lỏng hơn, lãi suất cho vay đã giảm; tổng mức huy động tiền gửi và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn nhưng lãi suất tín dụng vẫn còn cao, dư nợ tín dụng tăng chậm lại nên sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Sự tiếp biến có tính quy luật của lạm phát trong nước và sự suy giảm của kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực rất rõ đến kinh tế nước ta ngay từ cuối năm 2008 như: xuất khẩu những tháng gần đây đã giảm, riêng tháng 10 thấp hơn mức bình quân 9 tháng 300 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp tuy có tăng so với cùng kỳ (là 15,4%) nhưng tốc độ tăng đã liên tục giảm từ tháng 6 đến nay.

Tình hình trên đây đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hợp lý mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ giải pháp cần thiết.

Tổng hợp từ Cổng TTĐT Chính phủ, VnExpress

;
.
.
.
.
.