.

Người thầy say mê nghiên cứu khoa học

.

Đó là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang, Trưởng bộ môn Kỹ thuật nhiệt cơ sở, khoa Công nghệ nhiệt điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hơn 20 năm trong nghề dạy học, thầy Quang đã nghiên cứu thành công, ứng dụng nhiều đề tài thuộc lĩnh vực nhiệt điện lạnh vào sản xuất. Mới đây, thầy Quang đã nghiên cứu thành công công trình “Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” đốt nguyên liệu xấu, phục vụ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Vay tiền để thực hiện đề tài

Ở các nước trên thế giới, công nghệ lò hơi tầng sôi là thiết bị hữu ích được ứng dụng từ nhiều năm qua trong các nhà máy sản xuất công nghiệp. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam, loại hình công nghệ này vẫn chưa được ứng dụng trong sản xuất. Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2005, thực hiện nhiệm vụ ươm tạo Công nghệ của Liên bộ Giáo dục-Đào tạo và Khoa học-Công nghệ ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, thầy Nguyễn Thanh Quang đã nhận đề tài nghiên cứu “Công nghệ và chế tạo tầng sôi tuần hoàn đốt nhiên liệu xấu”.

Từ ngày nhận đề tài, ngoài những giờ trên giảng đường, thầy miệt mài nghiên cứu tài liệu để chế tạo chiếc máy, rồi mua các loại nguyên liệu về lắp ráp. Với số tiền 650 triệu đồng được cấp, không đủ thực hiện đề tài, thầy đã vay ngân hàng và mượn người quen hàng trăm triệu đồng, quyết thực hiện cho được đề tài đã nhận.

Ròng rã 2 năm trời nghiên cứu, chế tạo, qua 5 lần chỉnh sửa kiểu dáng, thiết bị, cuối cùng chiếc máy “Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” đốt nhiên liệu xấu, công suất 1.000 kW của thầy Quang cũng đã ra đời và hoạt động như mong muốn. Chiếc máy này hiện đặt tại khu thực hành của sinh viên Trường Đại học Bách khoa, trước sự ngưỡng mộ, thán phục của thầy trò nhà trường. Tâm sự với chúng tôi, thầy Quang cho biết: “Đã dấn thân vào khoa học thì phải nỗ lực hết mình để thỏa niềm đam mê”.

Lò hơi tầng sôi đầu tiên ở Việt Nam

“Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” đốt nguyên liệu xấu.

Có thể khẳng định rằng, cho đến thời điểm này, “Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” đốt nguyên liệu xấu của thầy Quang là sản phẩm đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Ưu điểm của chiếc máy này là sử dụng được các loại nguyên liệu xấu, rẻ tiền như: cặn bùn, than cám, vỏ hạt điều, trấu...; tiết kiệm khá lớn nguồn nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp so với các thiết bị đốt than đá, dầu FO...

Quy trình hoạt động của “Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” khép kín, các loại nguyên liệu xấu được đốt liên tục trong một lớp vật liệu sôi là cát thạch anh hoặc tro, xỉ than, tạo ra hiệu suất cao. Nhiệt độ trong buồng đốt thấp (khoảng 950 độ C) hơn nhiều so với các thiết bị đốt than đá, dầu FO...

Nhờ vậy, trong quá trình đốt, khí NOX phát sinh thải ra thấp, không ảnh hưởng đến môi trường, tuổi thọ của lò cao hơn so với các thiết bị khác. Nói cách khác, “Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” là công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tốt trong các nhà máy chế biến sữa, dệt may, sản xuất bia, cồn rượu... Giá thành của một “Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” cũng thấp hơn nhiều so với các thiết bị khác, nên tiết kiệm rất nhiều cho các doanh nghiệp.

Nhờ vào những tính năng ưu việt như trên, tính đến nay, công trình “Lò hơi tầng sôi tuần hoàn” đốt nguyên liệu xấu của tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang đã được hàng chục doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam), thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương nhận chuyển giao công nghệ.

Bài và ảnh: N.ĐOAN

;
.
.
.
.
.