.

“Nếu một mai tôi về làm cát bụi...”

.

“Nghĩ sao vậy, hiến giác mạc rồi xuống đó (thế giới khác - P.V) mù câm, thấy đường đâu đi?” - một người hàng xóm lo lắng khi biết chị có ý định hiến giác mạc và nội tạng. Chị chỉ cười, một nụ cười hạnh phúc bởi tâm nguyện của cuộc đời đã thành hiện thực...

Mô tả ảnh.
Chị Giỏi chỉ mong khi qua đời, mình vẫn còn có ích cho xã hội.

Số phận

 

Cái quán nhỏ ở đường Phan Đăng Lưu lúc nào cũng tấp nập khách từ 10 giờ đến 21 giờ bởi cô chủ quán vui vẻ, cởi mở. Vừa rót nước mời chúng tôi, cô chủ quán, chị Lê Thị Giỏi (53 tuổi) ngậm ngùi kể về cuộc đời mình: Mồ côi mẹ từ sớm, sống với bố và 5 anh chị em. Cuộc sống khó khăn khiến chị phải lỡ con đường học hành và xin làm công nhân ở Nhà máy Nhựa (quận Hải Châu).

Cuộc đời chị như thay đổi khi gặp được anh, một người chồng biết thương vợ con. Lương công nhân của chị cùng với lương lái xe của anh ở Công ty Xăng dầu Khu vực 5 cũng đủ để anh chị và 3 con có cuộc sống dư dả. Người trong xóm chị ở Hòa Cường Bắc ngày ấy ai cũng thương cô Giỏi bởi dù khá giả nhưng chị không “lên mặt”, lại còn hay giúp đỡ người khác. Từ người mua chai bao, nhôm nhựa, người ăn xin hay người nghèo trong xóm, chị Giỏi đều sẵn sàng giúp đỡ khi thì 50, 100 ngàn đồng, vài lon gạo.

Trong trí nhớ của chị vẫn còn nguyên hình ảnh của cụ già năm đó. Hơn 70 tuổi, tiều tụy với cái bụng đói, ông đến nhà chị xin ăn giữa trưa hè nắng gắt. Trên bàn ăn lúc này của gia đình còn lại suất cơm trưa để dành cho chồng. Không chút đắn đo, chị liền mời ông bữa cơm đó. “Con cái đi đâu mà để bác khổ vậy?”, chị hỏi. “Bọn nó đi làm ăn xa hết cô ơi, gửi lại đàn cháu cho tui nuôi, hiện giờ ở tạm nhà ga đó”, cụ nói. Ông cụ ăn hết chén cơm rồi xin cái túi ni-lông bảo mang phần cơm còn lại về cho mấy đứa cháu đang đói ở ga. Chị xúc động bảo ông cứ ăn hết rồi xúc thêm mấy lon gạo và vài chục ngàn đồng gửi cho cháu ông. Ông cụ mừng quá cứ rối rít cảm ơn mãi. Thế rồi những năm sau đó, liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra với chồng chị khiến chị phải bán nhà hai lần để trả nợ. Chồng chị về hưu non với đồng lương ít ỏi, chị phải chạy vạy vay mượn để mở quán nhỏ này, ngót nghét cũng đã hơn chục năm.

Mong làm người có ích

Nụ cười rạng rỡ cả khuôn mặt phúc hậu, chị lý giải giản đơn về lý do hiến nội tạng: “Giờ mình chẳng giàu có về tiền bạc, có muốn cũng không thể giúp được gì nhiều. Thôi thì hiến tặng thân mình cho những người nghèo bởi nhiều người cần được thay nội tạng nhưng không có tiền. Được hiến, họ có thể sống lâu hơn với con cháu, giúp ích cho xã hội. Em nghĩ, thân thể mình là vốn quý, nếu chết rồi, nằm dưới lòng đất thì phí lắm. Chi bằng để nó tiếp tục sự sống trong cơ thể người khác có hơn không?”.

Nhiều người can chị, bảo dở hơi, làm thế dễ bị gặp điềm xấu nhưng chị gạt ngay và bảo: “Ai cũng chỉ sống một lần, rồi cũng phải trở về với cát bụi, sống sao cho có ích mới là đáng quý”. Để thực hiện ý nguyện của mình, chị cũng vấp phải sự phản đối của chồng. Tuy nhiên, sau khi nghe chị giảng giải, thuyết phục, anh đã ủng hộ chị. Cuộc đời dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng với chị, cả gia đình mạnh khỏe là vui rồi. Chị chỉ mong thành phố tạo điều kiện để có thể thuê được một căn hộ chung cư để có cái nhà cho con có chỗ trú nắng trú mưa (hiện cả nhà chị ở trọ tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Chia tay, chị đọc cho tôi nghe bài thơ do chị tự sáng tác: “Trái tim ví xẻ làm năm mảnh/Mảnh cho đời, mảnh trẻ mồ côi/Mảnh cho con, lại nửa cho chồng. Còn lại nửa lưu cho hậu thế”...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.