.

Nhức nhối chuyện người tâm thần gây án

.

Do mất khả năng kiểm soát hành vi, không ít trường hợp người tâm thần đã gây ra những vụ án nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài cho xã hội. Trong khi đó, công tác quản lý người tâm thần (TT) ở cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, nguyên nhân chính là sự quan tâm không đúng mức của gia đình và sự vào cuộc chưa quyết liệt của các cơ quan chức năng. 

Mô tả ảnh.
Do xung động bất chợt, Nguyễn Văn Tuyển (giữa) đã dùng hung khí đánh chết vợ.

Báo cáo từ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 3.500 người mắc bệnh TT đang quản lý ở cộng đồng. Nếu không được quan tâm đúng mức, số người bệnh này sẽ là những mầm họa khôn lường cho xã hội.

Sống chung với người tâm thần

“Nhà đó có người điên. Chú vô đó cẩn thận nhé! Tốt nhất là phải kêu ông bà ra dẫn vào…”, bà Lê T.X. trú ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu nói như vậy khi chúng tôi chuẩn bị bước vào nhà bà Nguyễn T. L. trong một con hẻm nhỏ. Bà X. cho biết anh T. (con của bà L.) mắc bệnh tâm thần khá lâu và thường hay chửi bới, đòi đập phá đồ đạc trong nhà mỗi khi lên cơn điên loạn. Để “trị” đứa con TT, những lúc anh T. có biểu hiện sắp lên cơn, gia đình bà L. dùng dây xích trói lại trong một góc nhà, khi tỉnh lại thì tháo ra. Từ khi anh T. mắc bệnh TT, trẻ em trong xóm dù sợ nhưng rất thích trêu chọc. Bà X. chia sẻ: “Bình thường nó hiền như cục đất. Chỉ những lúc lên cơn mới đáng sợ. Ban đầu, bà con chòm xóm cũng ái ngại, tránh xa vì sợ “họa vô đơn chí” nhưng sống hoài thấy nó cũng chẳng làm hại ai cả. Lâu dần thành quen nên thấy cũng bình thường!”.

Gia đình ông H.T. trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ cũng có người con gái tên là H. bị bệnh TT. Khi lên cơn, H. không quậy phá, gây thương tích cho người khác mà chỉ nói nhảm. Những lúc tỉnh táo, chị H. vẫn trò chuyện với cha mẹ rất bình thường. Tuy nhiên, láng giềng ở đây không ai dám lại gần. Một người hàng xóm ông T. nói: “Thật ra hắn (chị H.) chưa hành hung ai bao giờ nhưng chúng tôi vẫn dặn nhau phải cảnh giác. Ở với người điên nguy hiểm lắm nên tốt nhất là tránh xa!”.

Những vụ án đau lòng từ người TT

Điều 13, Bộ luật Hình sự quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Thượng tá Trần Văn Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số người TT gây án có chiều hướng gia tăng, mức độ nghiêm trọng hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2011, đã xảy ra 3 vụ, trong đó nạn nhân chủ yếu là người thân thích trong gia đình. 

Cho đến bây giờ, người dân tổ 28, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà vẫn còn bàng hoàng về vụ án chồng dùng búa đánh chết vợ xảy ra cách đây gần 2 tháng. Điều làm cho mọi người ngạc nhiên hơn, hung thủ gây án là một người rất hiền, ngày ngày chăm lo làm ăn nuôi vợ con. Lúc đó, khoảng 2 giờ ngày 23-7-2011, trong lúc vợ là chị Trần Thị Chín (42 tuổi) đang ngủ say, anh Nguyễn Văn Tuyển (42 tuổi) bất ngờ dùng búa đánh nhiều cái vào đầu khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Bác sĩ Trần Văn Mau, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) TT Đà Nẵng, cho biết: “Sau khi gây án, cơ quan chức năng đã yêu cầu giám định pháp y đối với Tuyển. Qua kết quả giám định, Nguyễn Văn Tuyển bị rối loạn trầm cảm tái diễn ở mức độ nặng, không còn năng lực hành vi gây án nên Tuyển không phải chịu trách nhiệm hình sự mà bắt buộc vào chữa bệnh tại BVTT”. Cũng theo bác sĩ Mau, trước khi giết vợ, Tuyển có những biểu hiện buồn chán, nhiều lúc muốn tự sát. Tuyển đã đến BVTT khám trước đó 3 ngày vì thường kêu mất ngủ, các bác sĩ đã cho thuốc về uống. Tuy nhiên, bệnh chưa thuyên giảm thì sự việc đau lòng đã xảy ra.

Gần đây nhất là vào trưa 26-8, bà Lê Thị Nguyện (SN 1940, trú thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đang ngồi làm cá thì bất ngờ bị con trai là Phạm Dũng (SN 1975) dùng dao chém liên tiếp 10 nhát từ đầu đến tay chân, gây thương tích rất nặng. Chưa hết, khi con dâu bà Nguyện là chị Phan Thanh Hồng (SN 1983) chạy đến ứng cứu thì Dũng tiếp tục cầm dao đuổi chém. Theo người nhà bà Nguyện, anh Dũng đã bị tâm thần cách đây gần 20 năm. Hằng ngày, anh lang thang khắp xóm. Ngày đi chán, đến tối thì về nhà ngủ. Vì bất ngờ lên cơn và người nhà không cảnh giác nên đã gây nên vụ việc...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.