.
Chủ trương, văn bản và cuộc sống

Kỳ 3: Khi chủ trương bén rễ cuộc sống

.

Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi lãnh đạo Đà Nẵng phải có những tư duy vượt trước, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chủ trương kiên quyết xử lý nạn đua xe trái phép bằng biện pháp tịch thu phương tiện sung công quỹ, làm nhà cho người nghèo là một trong những ví dụ điển hình minh chứng cách làm đúng đắn của thành phố, để rồi nhiều địa phương khác nay cũng muốn học tập Đà Nẵng.

Chính quyền Đà Nẵng đã nỗ lực để có những tuyến đường khang trang, sạch đẹp và bình yên.                Ảnh: QUỐC TÍN
Chính quyền Đà Nẵng đã nỗ lực để có những tuyến đường khang trang, sạch đẹp và bình yên. Ảnh: QUỐC TÍN

Tương tự vấn đề hạn chế đăng ký thường trú mới vào nội thành đối với các đối tượng ở nhà thuê, nhà mượn, những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, việc xử lý nạn đua xe trái phép bằng biện pháp tịch thu phương tiện sung công quỹ cũng tạo ra những ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng, nhớ lại: Trong những năm đầu Đà Nẵng thực hiện chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng việc tịch thu xe đua trái phép là không đúng, bởi thời điểm này pháp luật chưa quy định. Dù vậy, đây là quyết định phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống lúc bấy giờ và được đa số người dân thành phố đồng tình ủng hộ. Quan trọng hơn, ở Đà Nẵng, nạn đua xe trái phép đã bị dẹp hẳn trong gần 10 năm qua.

Đường phố yên bình

Để xử lý nạn đua xe trái phép trên các tuyến đường, ngày 17-12-2004, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII (nhiệm kỳ 2004-2009) ban hành Nghị quyết số 16/2004/NQ-HĐND, quyết định tịch thu toàn bộ xe đua, sung công quỹ, làm nhà cho người nghèo. Lúc bấy giờ, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra biện pháp mạnh tay với “quái xế” nhằm ngăn chặn nạn đua xe trái phép.

Sau khi có chủ trương mang tính cứng rắn, mạnh mẽ trên, các “yên hùng xa lộ” gờm tay, tình trạng đua xe trái phép không còn trên các ngả đường thành phố. Ông Nguyễn Văn Hòa (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) kể lại: Hồi trước, tình trạng thanh-thiếu niên tụ tập, tổ chức đua xe trên tuyến quốc lộ 1A về hướng đèo Hải Vân xảy ra như cơm bữa, khiến bao người khiếp sợ. Kể từ ngày thành phố có chủ trương tịch thu xe đua trái phép, tình trạng trên không còn, người dân không phải nơm nớp lo sợ tai nạn do các “quái xế” gây ra.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng, bên cạnh biện pháp mạnh tay của lãnh đạo thành phố đề ra, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đã tạo nên sức mạnh tổng hợp răn đe rất hiệu quả, khiến tình trạng đua xe trái phép không xảy ra trên địa bàn thành phố trong những năm qua. Hiện nay, tuy chưa có tình trạng thanh-thiếu niên tụ tập, tổ chức đua xe trái phép, nhưng lực lượng CSGT nói riêng và các lực lượng chức năng khác luôn đề cao cảnh giác, nếu phát hiện dấu hiệu đua xe thì xử lý ngay.

Nhiều địa phương học tập Đà Nẵng

Thêm một thực tế chứng minh cho tính đúng đắn của chủ trương trên: Tại phiên họp thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4 vừa qua, lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Công an; các địa phương Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều đề nghị cho áp dụng chế tài tịch thu, sung công xe đua trái phép, dù đó là xe người vi phạm mượn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị: “Tang vật là xe đua trái phép cần phải thu hồi, tịch thu, không cần phân biệt chủ sở hữu hay chủ sử dụng, nếu không thì tệ nạn này sẽ rất nhức nhối”.

Trong khi đó, tại Điều 84, Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm thì có thể bị tịch thu.

Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải tịch thu tang vật, phương tiện trong cả trường hợp người chủ hợp pháp của phương tiện không có lỗi. Điều này nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đổi lại, chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại ủng hộ quy định trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp khi họ không có lỗi. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, chủ phương tiện chỉ cho mượn, cho thuê đúng quy định nên không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra. Nếu tịch thu tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép sẽ làm phương hại đến quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định; đồng thời làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác như cho mượn, cho thuê tài sản.

Trong khi các bộ, ngành, địa phương đang loay hoay tìm biện pháp xử lý nạn đua xe trái phép, nhưng với sự kiên quyết, Đà Nẵng đã xử lý dứt điểm vấn nạn trên trong gần 10 năm qua.

NGỌC ĐOAN

Kỳ tới: Đồng thuận với chủ trương của thành phố

;
.
.
.
.
.