Từ năm 2006 đến nay, trong số 439,8 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, có khoảng 200 tỷ đồng dành cho xây dựng, nâng cấp hệ thống cầu cống, đường sá. Trong đó, đường từ xã Hòa Tiến vượt sông Yên đi xã Hòa Phong dài 4,9km, vốn đầu tư 23 tỷ đồng và đường Bắc Thủy Tú - Phò Nam dài 12,3km, vốn đầu tư 52 tỷ đồng, được xây dựng mới hoàn toàn từ vốn của Ngân hàng châu Á (ADB), thường gọi là đường ADB5.
Thi công đường ADB5 Bắc Thủy Tú - Phò Nam. |
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến sự bền vững của 2 tuyến đường xây dựng mới này, bởi không chỉ xây dựng từ vốn vay của ADB mà cả 2 tuyến đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai. Đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong đi qua vùng lũ và đường ADB5 Bắc Thủy Tú - Phò Nam đi qua khu vực có nhiều đồi núi, khe suối, chịu tác động không nhỏ từ lũ quét và sạt lở đất. Đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong đưa vào sử dụng cuối năm 2010, kết cấu kiên cố, mặt đường thảm bê-tông nhựa rộng 8m. Tuy vậy, đưa vào sử dụng chưa lâu, sau cơn lũ gần cuối năm 2011, đường bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng nghìn m3 đất đá từ đường bị lũ cuốn trôi bồi lấp lên đồng ruộng. Nguyên nhân hư hỏng cơ quan chức năng đã làm rõ, trong đó một phần do lũ, phần chính do thiết kế cống qua đường ít và khẩu độ hẹp, không đủ khả năng thoát lũ. Hiện tại, các điểm sạt lở đã đắp lại như cũ và Sở Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị thành phố đầu tư gia cố phù hợp với điều kiện đường đi qua vùng lũ.
Với đường ADB5 Bắc Thủy Tú - Phò Nam, đến nay đã hoàn thành khoảng gần 90% khối lượng công việc, do Công ty CP Xây dựng công trình thủy Hà Nội và Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng nông thôn Hà Nội trúng thầu thi công. Những đoạn chịu ảnh hưởng lũ được thiết kế tràn bê-tông rất kiên cố như đoạn qua địa phận thôn An Định, xã Hòa Bắc với nền đường thảm bê-tông xi-măng M300 dày 24cm. Cả 2 mái ta-luy đều gia cố bằng bê-tông M200 dày 15cm. Cầu bắc qua khe Răm kết cấu bê-tông dự ứng lực dài 48m, là cầu lớn nhất, vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Tuy vậy, đi dọc tuyến đường, qua quan sát của chúng tôi, một số đoạn đi qua sườn núi ta-luy âm không được gia cố rất dễ sạt lở khi có mưa to, nhiều đoạn mương thoát nước dọc phía ta-luy dương chỉ là mương đất. Nền đường láng nhựa 3kg/m2 độ bền vững không cao. Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Đông Huy, Trưởng Ban Quản lý Dự án giao thông nông thôn, cho rằng thiết kế và giám sát thi công do ADB5 đảm nhiệm và họ đã tính toán rất kỹ các yếu tố liên quan. Chất lượng là vấn đề cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công luôn đặt lên hàng đầu. Cán bộ tư vấn giám sát bám hiện trường, yêu cầu đơn vị thi công tuân thủ thiết kế. Nền đường láng nhựa do kinh phí đầu tư thấp, thiết kế chỉ cho phép như vậy.
Khối lượng công việc còn lại của tuyến đường này không nhiều, song đang gặp vướng mắc không nhỏ, nếu không giải quyết kịp thời, cuối tháng 6 tới khó bề thông xe. Ông Hoàng Văn Thắng, chỉ huy trưởng công trình do Công ty CP Xây dựng công trình thủy Hà Nội đảm nhiệm cho biết, hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Hòa, ở thôn An Định, xã Hòa Bắc, nằm trong lộ giới đường chưa giải tỏa, đoạn gần cầu Khe Răm đền bù không đúng chủ, đoạn từ Km 8+300 đến Km8+550 các hộ dân 2 bên đường kiên quyết cản trở thi công vì cho rằng xe lu hoạt động làm rung chuyển ảnh hưởng đến nhà của họ.
Và như vậy, vấn đề cấp bách đặt ra cho 2 tuyến đường ADB5 là thành phố cần sớm phê duyệt phương án khắc phục sự cố hư hỏng tại đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong do Sở GTVT đề xuất để kịp triển khai và hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay. Phương án hạ thấp nền đường 3 đoạn, mỗi đoạn 110m, thảm nền bằng bê-tông xi-măng M300 làm tràn, tổng kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng là giải pháp được chọn. Với đường ADB5 Bắc Thủy Tú - Phò Nam, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần vào cuộc giải quyết rốt ráo các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công…
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU