.

Tháng 3 lịch sử

.

Tại buổi giao lưu Hướng về Trường Sa thân yêu, chia sẻ với phóng viên Báo Đà Nẵng, các CCB và các bạn trẻ đã không giấu được niềm xúc động và cả sự tự hào.

CCB  Lê Hữu Thảo, quê ở Hà Tĩnh, nguyên  chiến sĩ  Đoàn 146, đi trên tàu HQ-604 để ra làm nhiệm vụ đóng giữ đảo Gạc Ma:

Đoàn viên, thanh niên thành phố gặp gỡ Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh tại buổi giao lưu.                                                                                             Ảnh: VĂN NỞ
Đoàn viên, thanh niên thành phố gặp gỡ Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN NỞ

Không quên tháng 3-1988

Chúng tôi không bao giờ quên tháng 3-1988 với sự kiện đã đi vào lịch sử. Khoảng 16 giờ ngày 13-3-1988, tàu chúng tôi đến đảo Gạc Ma. Trong chiều đó có 3-4 tàu chiến Trung Quốc đến uy hiếp, đe dọa, khiêu khích và ngang ngược phát loa bằng tiếng Việt buộc tàu ta rời đảo. Cả trăm cán bộ, chiến sĩ trên tàu ta dùng loa miệng (hai tay bắc lên miệng), hướng sang phía tàu Trung Quốc đáp: “Đây là lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam!”. Chúng tôi nhắc nhau bình tĩnh và hết sức kiềm chế trước mọi hành động khiêu khích của đối phương.

CCB Hoàng Văn Hoan, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Trung đoàn 83 Công binh Hải quân:

Noi gương các liệt sĩ

Dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, hy sinh, tổn thất, nhưng đơn vị chúng tôi vẫn tiếp tục chuyển vật liệu ra xây dựng công trình ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay sau ngày 14-3-1988, Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn phát động đợt thi đua: “Noi gương các liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Chỉ 2 ngày sau trận đánh ở đảo Gạc Ma, từ ngày 16-3 năm ấy, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tiếp tục lên tàu ra khơi, tiếp tục xây dựng các công trình phòng thủ trên quần đảo Trường Sa thân yêu.    
Võ Thị Minh Lai, Đoàn Trường CĐ Kinh tế Đà Nẵng:

Hiểu sâu sắc hơn về giá trị của độc lập

Được tham gia buổi giao lưu là niềm tự hào đối với mình. Mình rất xúc động và cảm phục trước sự hy sinh của các anh, đồng thời hiểu sâu sắc hơn về giá trị của độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Sự độc lập, chủ quyền ấy được đấu tranh, bảo vệ bằng máu xương của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Các anh ngã xuống ở ngưỡng cửa đẹp nhất của cuộc đời, máu xương của các anh đổ xuống để gìn giữ dáng hình của Tổ quốc. Bản thân mình thấy cần phải làm một việc gì đó để bày tỏ lòng yêu nước.

Nguyễn Quý Nhẫn, Trường CĐ Thương mại:

Bài học quý báu về lòng yêu nước

Được gặp gỡ trực tiếp và nghe những câu chuyện sống động từ những nhân chứng của lịch sử là một điều may mắn đối với mình. Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các anh ở trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma sẽ luôn là bài học quý báu đối với thế hệ trẻ chúng mình về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mình mong muốn các bạn trẻ, các em học sinh của thành phố sẽ có được may mắn như mình, được gặp gỡ với những người anh hùng - những nhân chứng sống của lịch sử. Mình nghĩ đó sẽ là cách giáo dục truyền thống lịch sử hiệu quả nhất đối với thế hệ trẻ.

Anh Hà Đức Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố:

“Thắp lửa” cho doanh nhân trẻ

Chúng tôi mong muốn góp một phần công sức trong việc hỗ trợ và “thắp lửa” cho những doanh nhân trẻ ý thức sẻ chia và góp phần xây dựng biển, đảo của quê hương, Tổ quốc. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh để sống xứng đáng và có những việc làm, hành động cụ thể góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc.

LÊ VĂN THƠM - KHÁNH HÒA ghi

;
.
.
.
.
.