.

Đà Nẵng trước giờ G: Rộn ràng khắp mọi nẻo đường

.

(ĐNĐT) - Mặc cho thời tiết không được đẹp và có mưa nhẹ, từng đoàn người vẫn “thẳng tiến” về hai bên bờ sông Hàn để chờ đón những màn trình diễn pháo hoa được hứa hẹn rất đặc sắc của DIFC năm nay.

Mưa thì… mặc mưa

Ngay từ 15 giờ, từ các tuyến đường lớn, nhỏ nhiều người dân, du khách đã đổ về dọc hai bên bờ sông Hàn. Người trải bạt, người đem theo ghế, không ít du khách còn tranh thủ ăn bữa chiều bằng những ổ bánh mì, hộp cơm bụi. Ở khu vực dưới chân cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, nhiều hộ dân buôn bán nhỏ ở đường Nguyễn Thế Lộc, Đặng Trần Côn, Nại Tú 2, Nại Tú 4 (xung quanh khu vực khán đài) tranh thủ đem ít bàn, ghế mở quán nước giải khát phục vụ người xem. Khoảng tầm 16h, từng dòng người đang nối đuôi nhau đổ về khu vực trung tâm thành phố chọn cho mình chỗ ngồi tốt nhất để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn những màn pháo hoa rực rỡ trên nền trời Đà Nẵng tối nay.

Đội mưa
Đội mưa chờ pháo hoa dưới chân cầu Sông Hàn. Ảnh: M.Hạnh
Mưa thì mặc mưa
Mưa thì mặc mưa. Ảnh: Đắc Mạnh

Khách từ ngoài Bắc vào, khách từ trong Nam ra, mọi ngã đường đều dẫn đến dòng sông Hàn thơ mộng. Có mặt ở khu vực bờ Đông sông Hàn, chúng tôi cảm nhận hết không khí háo hức chờ đợi của người dân và du khách. Khu vực trên cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, phía dọc bờ kè hai bên sông Hàn, vỉa hè hai tuyến đường Trần Hưng Đạo... là những nơi thuận lợi cho mọi người lựa chọn. Nhiều người tranh thủ đem theo bánh mì, thức ăn nhẹ, nước uống… tránh tình trạng “chặt chém” xảy ra như mọi năm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quý (Tam Kỳ, Quảng Nam) đến bên bờ sông Hàn từ lúc 4h chiều để tranh thủ “xí” chỗ ngồi. “Pháo hoa mấy năm rồi nghe nhiều người ở quê tui nói đẹp lắm nhưng tui chưa có dịp ra xem, chỉ toàn ở nhà xem tivi. Năm nay lại tranh thủ đi chứ hai năm sau mới có lại”, bác Quý cho biết.

Du khách tập trung về khu vực bờ sông Hàn
Du khách tập trung về khu vực bờ sông Hàn. Ảnh: Đắc Mạnh

17h. Trời đổ mưa. Áo mưa, dù, bạt ni lông vốn dùng để trải ngồi bỗng thành… mái che rất tiện dụng. Loay hoay một hồi, chị Nguyễn Thu Thủy (32 tuổi,ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cũng giăng xong bạt trên đường Bạch Đằng che cho hai con trai nhỏ. “Trời mưa cũng không sao. Vì sẵn bạt nên chúng tôi không sợ ướt, chỉ sợ… mất chỗ”, chị Thủy cười nói. Trên các tuyến đường, ngả phố dẫn về khán đài, hàng nghìn người dân và du khách vẫn đổ về nườm nượp, tay xách nách mang đồ ăn, thức uống, chiếu trải… Chị Nguyễn Thu Trà, (34 tuổi, người dân phường Nại Hiên Đông), cho biết: Năm nào cũng được xem pháo hoa nhưng gia đình tôi không khỏi háo hức. Từ trưa nay chúng tôi đã phải chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống cho hành trình xem pháo hoa vào tối nay”. Còn ông Lê Pha, một du khách đến từ Hà Tĩnh thì cho biết: “Dịp lễ năm nay vừa vào thăm con, vừa xem pháo hoa, tiện cả đôi đường. Năm ngoái vào khán đài xem cũng rất hay, nhưng năm nay gia đình tôi muốn đi xem phía bên ngoài khán đài cho thoải mái. Từ sáng nay, 2 con tôi đã chuẩn bị lỉnh kỉnh nào trái cây, nào xôi, bánh ngọt để ra bờ sông Hàn xem pháo hoa”.

Tranh thủ ghi lại không gian thơ mộng của sông Hàn
Tranh thủ ghi lại không gian thơ mộng của sông Hàn. Ảnh: Đắc Mạnh

Không khí rộn ràng còn kéo về nhộn nhịp hơn cả là phía gần khu vực bắn pháo hoa. Riêng trong khu vực khán đài A, B, C cùng dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, ban tổ chức cho lắp đặt 88 nhà vệ sinh công cộng cùng 120 thùng chứa rác nhằm phục vụ nhu cầu vệ sinh cũng như kêu gọi người dân ý thức trong việc vứt rác đúng nơi quy định. Từ rất sớm, 100 đoàn viên thanh niên cùng 25.000 đèn hoa đăng được tập kết về khu vực đường Bạch Đằng (gần Cảng Đà Nẵng). Năm nay 50.000 đèn hoa đăng sẽ được thả vào hai đêm 29 và 30-4 nhằm góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp lung linh, huyền ảo cho dòng sông Hàn trước, trong và sau các màn trình diễn pháo hoa. 

Năm nay, người dân và du khách còn có thêm hai điểm coi "miễn phí" khác là khu vực trên cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Phía làn đường của những cây cầu, nhiều người đứng chờ lâu quá lại tranh thủ nghỉ chân nhưng không quên nhờ người thân “giữ chỗ” giúp mình. Mấy năm trước, nhiều người phải bỏ ra bạc triệu để mua vé xem pháo hoa nhưng năm nay tình hình kinh tế khó khăn, họ chọn nhiều cách để tiết kiệm chi phí. Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đã đặt chỗ nhà người quen trên đường Trần Hưng Đạo để xem pháo hoa từ cả tuần trước. Theo chị Phượng, ngôi nhà này có vị trí thuận lợi, tọa lạc ngay ở khu vực khán đài có thể thưởng thức trọn vẹn sự kết hợp hòa hảo giữa âm thanh và màu sắc của pháo hoa. “Đứng ở đây có thể xem pháo hoa cả trên trời lẫn dưới nước. Nhà người quen nên có thể ăn uống thoải mái chứ không gò bó như xem trong khán đài mà giá lại rẻ nữa. Lại không lo sợ mưa”, chị Phượng cho biết.

Soát vé
Soát vé. Ảnh: Đắc Mạnh

Rộn ràng dịch vụ “ăn theo”

Không chỉ tại đường Trần Hưng Đạo, tại các cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, Trần Thị Lý… và các điểm nút giao thông ở giao lộ các cầu hiện đã nhộn nhịp người qua lại. Người chuẩn bị các xe nước, thức ăn ra bán, người chuẩn bị ghế ngồi… tất cả đều tất bật, rộn ràng hơn. Tại khu vực triển lãm tranh ở phía bờ Tây cầu Rồng, hàng trăm người cũng đang hăm hở xem những bức tranh triển lãm. Bác Đỗ Tài, một người bị tật vận động đang được một người bạn dìu ra cầu Rồng ngắm pháo hoa thổ lộ: “Dù tuổi già, chân đau nhưng pháo hoa năm nào tôi cũng cố gắng ra đây xem. Ra sớm ngắm mấy bức tranh triển lãm, đi dạo cho thông thả rồi hãy đợi xem bắn pháo hoa”. Chị Mai Hoa, bán hàng nước thì đang tất bật vận chuyển ghế vào khu vực đã chăng dây sẵn của mình. Chị Hoa “bật mí”: “Một năm mới có dịp pháo hoa, mình mới bán được đắt hàng. Tranh thủ con cháu nghỉ lễ về giúp một tay trong mùa pháo hoa năm nay”…

Các thuyền du lịch chờ sẵn trên bến sông
Các thuyền du lịch chờ sẵn trên bến sông. Ảnh: Thanh Tình

Tại bờ sông khu vực Nại Hiện Đông, hàng chục chiếc ghe của ngư dân làng cá cũng sẵn sàng chở khách theo yêu cầu với giá từ 100-200.000/người. Nhiều tòa nhà cao tầng, khách sạn, quán karaoke hai ven bờ sông Hàn đặt biển còn chỗ xem pháo hoa trên tầng thượng với giá vé cho dịch vụ này là 200-300.000 đồng, bằng với giá vé vào xem pháo hoa trong khán đài. Tại bờ đông sông Hàn, các dịch vụ như cho thuê chiếu, ghế, dịch vụ đồ ăn nước uống cũng bắt đầu đông khách.

Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, tính đến 16h chiều ngày 29-4, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã tiến hành kiểm tra 167 trường hợp, xử lý 44 trường hợp vi phạm, trong đó 17 trường hợp vi phạm về giá, 27 trường hợp vi phạm về đăng ký kinh doanh, không gắn bản niêm yết giá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… với tổng số tiền phạt lên đến hơn 210 triệu đồng. Ông Trần Cảnh Phúc, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, phụ trách bình ổn giá cả cho hay, từ 16h chiều 29-4, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phân công “trực chiến” 100% quân số kết hợp với lực lượng Công an, các cơ quan chức năng của quận Hải Châu, Sơn Trà kiểm tra các điểm giữ xe xem bắn pháo hoa, xử lý kịp thời các điểm nóng. Tuy vậy, trước giờ khai hội pháo hoa vẫn chưa nhận được phản ánh nào từ phía người dân.

Hiện nay, trên khắp các đường phố trọng điểm trong và gần khu vực diễn ra lễ hội như: Trần Hưng Đạo, Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Đằng, Trần Phú, 3-2… và các chùa: Linh Ứng, Bát Nhã đều có lực lượng tổ 550 của Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Đoàn Thanh niên ứng trực để ngăn chặn nạn ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách. Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khẳng định sẽ ra quân xử lý kiên quyết những trường hợp làm phiền du khách, nhất là trong dịp diễn ra DIFC, để không làm mất đi hình ảnh thành phố du lịch, thân thiện và mến khách, để Đà Nẵng thành điểm đến đáng nhớ với du khách.

                             Phương Trà-Khánh Hòa-Thanh Tình-Hoàng Hân

;
.
.
.
.
.