Ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập, có sự hiện diện của 3 người Đà Nẵng. Họ đại diện cho các lực lượng khác nhau nhưng lại “chung một lòng nở hoa” trong ngày vui toàn thắng ấy. Ba người đó là: nhà báo Kỳ Nhân, Chính ủy Tùng (tức Bùi Văn Tùng, người làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) và ông Nguyễn Hữu Thái. Hai người trên tôi chưa có dịp diện kiến, song với ông Nguyễn Hữu Thái thì đã biết từ lâu.
Buổi ghi âm lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30-4-1975. Nguyễn Hữu Thái (thứ hai từ phải sang), cầm tập giấy trắng, đeo băng tay. Ngồi bên cạnh Dương Văn Minh là nhà báo Tây Đức Borries Gallasch, người cho mượn máy ghi âm. (Ảnh của nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên Hãng thông tấn Mỹ AP). |
Lần gặp đầu tiên cách đây 10 năm, trong một dịp hội thảo khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi gặp ông Thái. Từ lần gặp đó, trong một lần khai thác tư liệu tại một Trung tâm tư liệu Quốc gia, nơi lưu giữ tài liệu của chính quyền Sài Gòn trước đây, tôi bắt gặp một tư liệu “địa phương chí xã Bình Thuận, Đà Nẵng”, tại mục “Những người có học“ (theo cách hiểu của chúng ta ngày nay, tức là những nhân sĩ, trí thức) của tài liệu này, tôi lại bắt gặp tên Nguyễn Hữu Thái được xếp ở tốp đầu.
Người ta biết nhiều về Nguyễn Hữu Thái với tư cách Chủ tịch Hội học sinh, sinh viên miền Nam trước 1975, về những lần “xuống đường” đình đám tại Sài Gòn; về thân phận chìm nổi của ông với thời cuộc, song biết rất ít về những trải nghiệm của ông với tư cách là chứng nhân của lịch sử, là một cơ sở cách mạng của “thành phần thứ 3” tại miền Nam lúc bấy giờ. Mỗi lần gặp nhau, ông Thái thường nhắc lại với tôi, cái độ được Phan Duy Nhân (tức Nguyễn Chính) đưa từ Đà Nẵng ra căn cứ để gặp ông Hà Kỳ Ngộ - người lúc đó là Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phụ trách phong trào đô thị Đà Nẵng; về cái lần được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam “cài vào“ để liên danh cùng Dương Văn Minh ra tranh cử chức Tổng thống và Phó Tổng thống Sài Gòn, hạt Đà Nẵng, mặc dù nhóm của Lê Đức Hùng của Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, được sự chỉ đạo của ông Hồ Nghinh là “In nhiều truyền đơn để vận động nhân dân bầu cho thằng Thái” song đã bị các thế lực khác phá, làm cho buổi tiếp xúc cử tri của Dương Văn Minh - Nguyễn Hữu Thái tại Đà Nẵng bị rượt chạy có cờ…
Cách đây mấy ngày, ông Thái hoan hỷ thông báo với tôi: Đúng 30-4 này ra mắt cuốn “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975”, trong tháng 5 sẽ xuất bản tiếp cuốn “Lựa chọn“. Cả hai cuốn sách trên, với tư cách một chứng nhân lịch sử, Nguyễn Hữu Thái ghi lại một cách chân thực, sinh động phong trào đô thị miền Nam, về “thành phần thứ 3”. Tôi và ông Phan Duy Nhân (tức Nguyễn Chính) là những người đầu tiên được ông Thái cho xem cả hai bản thảo cuốn sách trên. Với tôi, trong các sách hồi ký là chứng nhân của phong trào đô thị miền Nam cho đến lúc này, ngoài cuốn sách “Hồi ký không tên“ của Lý Quý Chung thì cuốn “Lựa chọn” của Nguyễn Hữu Thái là những sách hay, chân thực hơn cả.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm nay, tôi xin ghi lại một số hồi ức của ông Thái sắp được in trong cuốn sách “Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975”, do NXB Lao động sắp phát hành.
Nguyễn Hữu Thái nguyên là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964) hoạt động trong phong trào nội thành. Ông đã có mặt tại Dinh Độc Lập từ sáng 30-4-1975, góp phần tác động Tổng thống Dương Văn Minh đơn phương ngừng bắn; tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố của Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Với nhãn quan của người trong cuộc, Nguyễn Hữu Thái thấy được “khi quân Giải phóng pháo kích dồn dập sân bay Tân Sơn Nhất đêm 29-4”, ông nghĩ “cuộc chiến đấu cuối cùng đã bắt đầu”. Và từ đó ông cùng nhóm sinh viên, binh sĩ, sĩ quan phản chiến bỏ ngũ âm thầm lấy Đại học Phật giáo Vạn Hạnh làm trụ sở, tự trang bị vũ khí để phòng khi cuộc chiến đấu dằng dai thì phải hình thành ngay các ủy ban hòa hợp hòa giải, lấy các chùa làm nơi quy tụ người dân lánh bom đạn. Lúc này ông cũng được biết, nhóm vũ trang phản động vẫn toan tính trụ lại chống cự và phía bộ đội Giải phóng cũng quyết tâm sớm dứt điểm cuộc chiến, như vậy phải trả giá rất đắt… Do vậy sáng tinh mơ 30-4, ông Thái vội vã đến chùa Ấn Quang gặp Thượng tọa Trí Quang (rất có uy tín với Dương Văn Minh) và đề xuất: “Tình hình cấp bách quá rồi, xin thầy làm sao tác động gấp nhóm ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn”.
Sau đó ông Hữu Thái tìm gặp anh em sinh viên trình bày “mục tiêu cấp bách hiện nay là phải tranh thủ chiếm Đài phát thanh trước một bước, nói lên tiếng nói hòa hợp hòa giải của Cách mạng nhằm tránh cuộc đụng độ đẫm máu cuối cùng”. Số đông anh em có trang bị vũ khí nhẹ lên xe ca đến Đại học Nông lâm súc chuẩn bị xâm nhập vào Đài. Ông Thái cùng nhà báo Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng vào Dinh Độc Lập nhằm thuyết phục những người quen biết của tướng Minh bàn giao chính quyền một cách êm thấm nhất. Trong lúc nhóm ông Nguyễn Hữu Thái đang ở Dinh Độc Lập thì bỗng mọi người cùng hướng về đại lộ Thống Nhất, một cảnh tượng hùng tráng của một đoàn xe tăng quân giải phóng rầm rộ tiến vào húc đổ cánh cổng Dinh, tiến thẳng đến thềm Dinh. Một anh bộ đội xe tăng (sau này ông Thái mới biết là Bùi Quang Thận) giật chiếc cần ăng-ten gắn lá cờ Giải phóng nửa xanh, nửa đỏ chạy vội lên Dinh. Khi thấy Nguyễn Hữu Thái đang đứng trên tiền sảnh Dinh, đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy, đề nghị được dẫn đường thì anh Thận đồng ý đi theo lên cầu thang máy phụ. Ông Thái kể: “Tôi giúp anh Thận bẻ gập chiếc cần ăng-ten mới vào lọt được bên trong chiếc thang máy loại nhỏ này. Đến nóc, chúng tôi còn phải leo thêm chiếc thang gỗ mới tới được chân cột cờ. Phải hạ lá cờ Sài Gòn xuống, cờ quá lớn lại cột dây ni-lông. Chúng tôi phải mất cả mấy phút mới giật nổi nó xuống và kéo lá cờ Giải phóng lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng chỉ thiên vang trời”.
Sau khi có mặt tại Dinh Độc Lập, Chính ủy Bùi Văn Tùng được Nguyễn Hữu Thái tháp tùng cùng nhà báo Tây Đức Borries Gallasch, Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung… ra Đài phát thanh. Tại đây, nhà báo Đức cho mượn chiếc cát-xét thu lời đầu hàng của tướng Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Tùng. Ông Thái kể: Về nội dung bản tuyên bố đầu hàng “hình như tướng Minh không muốn nêu chữ “Tổng thống” mà dùng “Đại tướng” quen thuộc hơn. Ông Tùng kiên quyết không chịu vì cho rằng, dẫu sao thì tướng Minh cũng đã làm Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nay phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự”. Loay hoay đến gần 14 giờ ngày 30-4 mới phát được tiếng nói Cách mạng đầu tiên trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau lời mở đầu của Nguyễn Hữu Thái là lời Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng. Tiếp đó là lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng; lời Thủ tướng Vũ Văn Mẫu kêu gọi “các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng”. Ông Thái còn tặng cho tôi băng ghi âm toàn văn thời khắc đó, lại có cả tiếng hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bài “Nối vòng tay lớn” - một người bạn thân thiết của vợ chồng ông.
Tôi hiểu được tâm trạng, tấm lòng của Nguyễn Hữu Thái, khi phần kết thúc cuốn sách sắp xuất bản của ông có đoạn: “Hòa bình đã đến thật rồi! Hầu hết lớp trẻ chúng tôi chưa có thể hình dung được cảm giác có một ngày đất nước chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở về. Bắt đầu có lẽ là những ấn tượng kỳ lạ, thật khó tin: Bầu trời sao im ắng không một bóng máy bay, trên phố không có tiếng rú còi đoàn xe quân sự, đêm về không còn ánh sáng hỏa châu, tiếng súng vọng xa xa... Ấn tượng đêm 30-4 là như thế!”.
LƯU ANH RÔ