.

Cô bé "xương thủy tinh" là gương mặt tiêu biểu toàn cầu

.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chọn Nguyễn Phương Anh - cô bé “xương thủy tinh” 16 tuổi - là một gương mặt khuyết tật tiêu biểu.

Trong bài viết và đoạn clip giới thiệu về Phương Anh đăng trên website UNICEF (http://www.unicef.org/infobycountry/vietnam_69360.html), Phương Anh được ca ngợi như một nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, vận dụng tài năng và quyết tâm để truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ.

Nguyễn Phương Anh phát biểu trong đoạn clip do UNICEF thực hiện - Ảnh chụp từ clip
Nguyễn Phương Anh phát biểu trong đoạn clip do UNICEF thực hiện - Ảnh chụp từ clip

“Từ khi sinh ra tôi đã mắc chứng xương thủy tinh, một rối loạn di truyền khiến xương rất dễ vỡ. Xương của tôi bị gãy khoảng hơn 30 lần, nhưng tôi không tiếp tục đếm nữa vì khi đó tôi nghĩ rằng vấn đề này không còn đáng quan tâm - Phương Anh nói trong đoạn clip do UNICEF thực hiện - Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng sự khác biệt là một điều khác thường xấu. Nhưng với tình yêu mà gia đình dành cho tôi khi tôi trưởng thành, họ giúp tôi nhận ra giá trị và khả năng thực sự của tôi”.

“Pha lê là biệt danh của tôi, nó mong manh nhưng tỏa sáng” - Phương Anh nói. “Tôi muốn chứng tỏ với mọi người rằng có thể tôi dễ tổn thương về mặt thể chất, nhưng tinh thần tôi không dễ bị lung lay”.

UNICEF nhận định những nỗ lực bản thân của Phương Anh, và tầm quan trọng của sự hỗ trợ tích cực từ gia đình đã khiến cô trở thành một gương mặt điển hình tại Việt Nam. Từ những buổi tham gia thu tiếng cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cho đến hàng loạt mối quan hệ bạn bè trên toàn thế giới thông qua mạng xã hội.

Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời lớn nhất của Phương Anh chính là khi cô tham gia cuộc thi Viet Nam’s Got Talent. Qua chương trình này, tài năng ca hát của Phương Anh được sự công nhận và ủng hộ của hàng triệu khán giả truyền hình. “Sự ủng hộ mà mọi người giành cho tôi lớn đến nỗi khiến tôi cảm thấy thực sự mạnh mẽ hơn và tin tưởng nhiều hơn vào nhữn gì mình đang làm. Nhiều người đã đến gặp tôi - dù khuyết tật hay không - và nói rằng tôi giúp họ có thêm cảm hứng. Đây chính là mục tiêu lớn nhất cuộc đời tôi”.

Việt Nam ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền lợi người khuyết tật từ năm 2007. Theo UNICEF, bên cạnh việc chống kỳ thị người khuyết tật thì việc tạo ra nhiều cơ hội học tập cũng là điều quan trọng, vì hiện không có nhiều giáo viên đủ khả năng hướng dẫn trẻ em khuyết tật vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Theo TT

;
.
.
.
.
.