.

Ta đi đếm bước chân mình - Kỳ 1: Tôi đi... tuần đường

.

Thuyết phục mãi tôi mới được Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng giới thiệu đến gặp những người tuần đường tại cung đường Kim Liên (quận Liên Chiểu). Sau một hồi kiên trì nằn nì, tôi mới xin được một chân tuần đường trong ban 3 do ông Hoàng Xuân Minh (50 tuổi) đảm nhận đi cùng một đồng nghiệp.

Hai tuần đường Hoàng Xuân Minh và Ngô Đấu (phải và giữa) trao thẻ đường và ký xác nhận vào sổ tuần đường của tuần đường cung đường Thanh Khê.
Hai tuần đường Hoàng Xuân Minh và Ngô Đấu (phải và giữa) trao thẻ đường và ký xác nhận vào sổ tuần đường của tuần đường cung đường Thanh Khê.

Đúng 20 giờ tối 3-11, ông Hoàng Xuân Minh và ông Ngô Đấu (52 tuổi) “hộ tống” tôi xuất phát từ Km 776+00 (sát chân cầu Đen, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) bắt đầu cuộc hành trình tuần đường về Km 784. Trước giờ xuất phát, hai ông chuẩn bị đủ dụng cụ cho một ca tuần đường dài 7 giờ đồng hồ gồm: 2 đèn tín hiệu (vừa dùng để chiếu sáng trên đường), 2 cây gậy, 1 thẻ đường (cũng là dụng cụ để sửa chữa khi phát hiện bulon, ốc vít hư hỏng), 6 quả pháo hiệu (dùng để báo hiệu khi có sự cố khẩn cấp), 2 còi, 4 gậy phòng vệ, một sổ nhật ký cùng với áo phản quang. Tôi cũng mặc chiếc áo phản quang trông giống hệt người tuần đường.

Cách điểm xuất phát vài chục mét, hai tuần đường vào ga Kim Liên ký sổ xác nhận rồi tiếp tục hành trình hướng về Thanh Khê. Tôi bước thấp bước cao chạy theo bởi trời tối, đường ray lổm chổm đá, mặc dù có ánh đèn của người tuần đường nhưng vẫn bị vấp ngã liên hồi. Ông Minh đi vài bước thì quay lại nhìn tôi lắc đầu: “Thế chú có đi nổi không?”. Tôi trả lời không sao, rồi cố gắng vượt mặt hai ông. Trong khi đi, hai ông cứ khoảng gần 50 mét thì quay đầu nhìn phía sau. Tôi thấy lạ nên thắc mắc thì ông Ngô Đấu giải thích: “Mặc dù lịch tàu chạy mình đã nắm nhưng đây là quy định, bởi sợ những người tuần đường sơ suất không để ý có thể nguy hiểm nên phải thường xuyên quan sát phía sau”.

Trên đường đi, từng bulon, ốc vít, lập lây, thanh ray, tà vẹt hai ông đều quan sát rất kỹ. Thỉnh thoảng ông Minh cúi sát đường ray rọi đèn rồi dùng thẻ đường để vặn lại ốc vít bị lỏng. Động tác của ông rất nhanh và khéo. “Mỗi đoạn đường mình đi qua phải kiểm tra kỹ, bởi nếu lơ tơ mơ là ảnh hưởng đến tính mạng của hàng trăm người trên tàu chứ đâu phải chơi”, ông Minh nói.

Khi đến Km 778+115 (trạm cầu Nam Ô), hai người tuần đường vào cùng nhân viên trạm ký sổ xác nhận. Chỉ ít phút, hai tuần đường và tôi vượt cầu Nam Ô. Tôi cố chạy trước để quan sát và lưu một vài kiểu ảnh về hai ông tuần đường đang cần mẫn làm việc. Máy ảnh đang lách tách thì nghe tiếng còi tàu hú, ông Minh nói ngay: “Tàu hàng đấy. Giờ này toàn tàu hàng thôi. Tàu khách ít nhất cũng sau 22 giờ 30 mới đến”. Hai người dạt ra đưa đèn tín hiệu có màu trắng lên đón tàu với tư thế rất nghiêm trang. Qua một số trạm chắn, hai người tiếp tục làm các thủ tục của ngành đường sắt. Đúng 22 giờ 20, sau khi vượt qua 8km, tôi cùng với hai người tuần đường đến Km 784 thì đổi thẻ đường cho hai tuần đường thuộc Cung đường Thanh Khê. Trong đêm tối, họ trao thẻ đường cho nhau, đồng thời rọi đèn vào hai cuốn sổ để ký xác nhận. “Đây là thủ tục ký xác nhận đoạn đường mình đi qua không có vấn đề gì xảy ra. Các chuyến tàu sẽ qua lại an toàn”, ông Đấu giải thích.

22 giờ 25 phút, chúng tôi quay trở lại để về điểm xuất phát, trao thẻ đường cho cung đường Hải Vân 3. Bụng đói, đôi chân rã rời, đường tối khó đi, tôi lại không đi được trên đường ray nên cứ xiêu xẹo, vấp ngã liên tục như người say rượu. Nhìn thấy tôi uể oải, ông Minh bảo: “Có ổn không, để anh điện thoại cho người đến chở về?”. Tôi lắc đầu ra hiệu muốn đi hết hành trình mà mình đã chọn.

Trời càng về khuya càng mịt mù, gió lạnh. Hai ánh đèn leo lét, 6 bước chân lộp cộp trên đường. Không gian yên ắng, chỉ có tiếng côn trùng kêu vang. Lúc này, hai ông bắt đầu râm ran câu chuyện để xua tan nỗi buồn trong đêm tối. Chuyện của họ chủ yếu là những buồn vui trong nghề, chuyện gia đình, thỉnh thoảng một vài câu chuyện tiếu lâm rồi phá lên cười xé toạc không gian tĩnh lặng. Tiếng cười giòn tan khiến đôi tình nhân đang âu yếm cạnh đường ray giật mình e thẹn.

Dù quay lại đoạn đường đã đi qua vừa lúc nãy nhưng ông Minh và ông Đấu vẫn quan sát rất kỹ. Thỉnh thoảng có một số viên đá mà các thiếu niên nghịch ngợm bỏ trên thanh ray được hai ông nhặt bỏ xuống. “Con nít bây giờ nghịch quá. Mấy viên đá nhặt bỏ lên thanh ray không nguy hiểm gì, nhưng lỡ bỏ những thứ khác mà mình không phát hiện kịp thì nguy”, ông Minh nói.

Đón thêm 3 chuyến tàu, ký thêm 5 trạm gác thì điểm cuối là Km 776 (điểm xuất phát lúc đầu) cũng hiện ra. Xa xa hai ánh đèn tuần đường của cung đường Hải Vân 3 cũng đi ngược lại. Ông Minh nói: “Họ đến rồi, đúng giờ quá!”. Lúc đó là 1 giờ ngày 4-10. Hai tuần đường quay lại khu vực ga, kiểm tra đúng 6 tuyến đường rồi đi rẽ vào ngã tránh kiểm tra tiếp. Đúng 2 giờ 40 thì vào ga Kim Liên ký xác nhận đã hoàn thành công việc. Hai tuần đường cùng tôi về cung đường Kim Liên để trả ban. Đồng hồ điểm 2 giờ 50 phút sáng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
 

;
.
.
.
.
.