.

Hành trình cùng tàu cứu nạn

.

Đã bao lần tôi ao ước được đặt chân đến những vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc - nơi có một phần xương máu của cha ông đã đổ xuống trong cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Lần này, ước mong đó đã thành sự thật, khi tôi được lên chiếc tàu cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 tại Đà Nẵng (Danang MRCC) đến vùng biển Hoàng Sa.

Ngư dân Thạnh được chuyển lên tàu SAR.
Ngư dân Thạnh được chuyển lên tàu SAR.

Kỳ 1: Vượt sóng dữ cứu người trong đêm

7  giờ tối một ngày tháng 4, điện thoại của tôi đổ chuông. Từ đầu dây bên kia giọng một lãnh đạo Danang MRCC thông báo ngắn gọn: “Có muốn đi thực tế thì chạy ngay qua bên tàu nhé, thuyền trưởng đang đợi xuất phát”. Chỉ  được phép sửa soạn trong vòng 15 phút, tôi tức tốc qua cầu cảng vừa kịp nhảy lên con tàu dài 27m đang nổ máy. 19 giờ 40 phút, tàu SAR 412 nhận lệnh từ cấp trên rời bến lao vun vút trong màn đêm nhắm Hoàng Sa thẳng tiến. Trước đó, thông tin khẩn cấp báo về cho biết: Trên tàu ĐNa 90255 TS do ông Nguyễn Văn Dũng (trú tổ 24, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) làm thuyền trưởng, có thuyền viên bị tai nạn do lặn biển, người tê liệt không cử động được, khó thở…

Trong không gian mênh mông bốn bề biển cả, con tàu chạy hết tốc lực với quyết tâm cao nhất là cứu được mạng sống cho ngư dân. Thoáng chốc, ánh sáng rực rỡ từ phía thành phố mờ dần, chỉ còn lại loang loáng bóng đèn hắt ra từ các tàu cá gần bờ đang di chuyển trong đêm.

Những câu chuyện về biển, về ngư dân như nối dài thêm đêm tĩnh mịch, chỉ còn nghe tiếng sóng biển đập ì oạp cùng tiếng máy vận hành tàu… Hơn 12 giờ đồng hồ tàu chạy ngược sóng, 8 giờ 30 phút hôm sau, chúng tôi đến điểm tàu ngư dân bị nạn. Máy bộ đàm trên tàu liên tục phát ra thông báo của thuyền trưởng SAR 412 Phan Xuân Sơn: “Chuẩn bị đến hiện trường, các bộ phận sẵn sàng làm nhiệm vụ”. Thời tiết như thử thách những người làm công tác cứu nạn. Gió giật cấp 5-6 khiến con tàu chòng chành, không để một ai đứng vững. Sóng trở nên dữ dội với mức độ tăng dần khiến mũi tàu nhô lên đập xuống thật mạnh. Bác sĩ Nguyễn Như Kính (Trung tâm cấp cứu 115 thành phố) nói như trấn an: “Không sao cả, bác sĩ cũng còn say nữa là…”, rồi ai nấy nháo nhào đầu, chân loạng choạng. Cái cảm giác chóng mặt, dập dềnh như nằm trên mặt sóng bắt đầu hành hạ tôi đến mệt nhoài. Mọi người đã vào vị trí được phân công trên boong tàu và tập trung cao nhất cho việc cứu nạn. Không cho phép mình bỏ qua những giây phút tác nghiệp quý giá, tôi men theo từng vách ngăn cửa khoang tàu, cố với chiếc máy ảnh lần dò từng bước để tìm một vị trí tốt cho mỗi khung hình. “Thả xuồng nhanh đi. Kéo dây thật chặt”, giọng người chỉ huy bộ phận hét lên át cả tiếng sóng đập.

"Gặp thời tiết xấu thì tàu SAR cũng như chiếc lá tre giữa biển. Chỉ còn cách xông vào đó thôi chứ người ta nằm đó còn chịu được thì há gì chúng tôi quay vào bờ. Đã xác định tư tưởng vào nghề này phải chấp nhận vượt qua và có thể  hy sinh tính mạng bất cứ lúc nào."

Phan Xuân Sơn

Thuyền trưởng tàu SAR 412

Chưa đầy 5 phút, dây neo buộc xuồng được các thủy thủ hạ xuống. Từng con sóng cứ ập vào chồm lấy mạn tàu không cho chiếc xuồng tách ra xa. Phải mất vài phút sau, chiếc xuồng mới lao nhanh đến thuyền có ngư dân đang chờ. 20 phút trôi qua, tôi cảm nhận đây chính là những giây phút dữ dội, âu lo nhất trong chuyến đi này. Căng thẳng hiện rõ trên từng nét mặt của mỗi thủy thủ khi thả xuồng rồi lao mình xuống biển. Khó nhất là lúc đánh vật với sóng để di chuyển nạn nhân bởi xuồng có thể đánh úp, bị vỡ hoặc làm người bị thương. Mặc cho thời tiết bất lợi, các thao tác phối hợp ứng cứu diễn ra gấp gáp và an toàn tuyệt đối. Cuối cùng nạn nhân đã được đưa sang tàu SAR 412. Anh ngư dân bị nạn tên Trần Thạnh, tuổi đời mới 25 (người Khánh Hòa) sau khi được cáng thương vào khoang, các bác sĩ nhanh chóng xem mạch, đo huyết áp, cho thở ôxy và truyền dịch… Thạnh dần qua cơn nguy kịch, anh đã uống được sữa, ăn cháo và cử động lại các chi, miệng trả lời được những câu hỏi của bác sĩ, dù giọng còn thều thào, yếu ớt.

Không khí trên tàu dường như nhẹ hẳn. 8 giờ 50 phút, tàu SAR chuyển hướng quay về đất liền. Trong giây phút nghỉ ngơi, bác sĩ Trần Ngọc Quang (Danang MRCC) trò chuyện: Thạnh chỉ là một trong nhiều trường hợp ngư dân bị tai nạn chấn thương sọ não, bỏng gas, xuất huyết dạ dày, viêm ruột thừa, nôn ra máu, tai biến mạch máu não… ở tình thế cấp bách gọi tàu ra cấp cứu. “Những lúc như vậy, tôi chỉ nghĩ mình sẽ làm được gì cho ca bệnh này. Chỉ cần tàu ra trễ khoảng 15 phút thôi là có khi không giữ được mạng sống”. Lão ngư Nguyễn Văn Thí (trú tổ 37 Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê), người đi theo chăm sóc cho Thạnh nói với chúng tôi: “Hắn (Thạnh-PV) lặn giỏi lắm đó. Bữa nớ tàu bủa được nhiều cá nên hắn lặn sâu hơn 40m để bỏ vợt cẩu cá lên, nhưng ngoi tới mặt nước chừng mấy tiếng đồng hồ là bị tai biến luôn. Nghề đánh bắt xa bờ cực và rủi ro lắm cô à. Sinh nghề tử nghiệp, biết làm răng. Gặp sự cố chi chỉ mong tàu SAR có mặt cứu giúp là quý lắm rồi”.

Có đi mới biết, cứu nạn ban ngày đã khó khăn, cứu nạn ban đêm còn thách thức bội phần khi con người phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, nhất là vào mùa mưa bão, sóng to, gió dữ. Trên hải trình đi cứu nạn khu vực quần đảo Hoàng Sa, tôi được nghe về nhiều tình huống tùy cơ ứng biến. Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nhớ lại: “Có lần đi cứu tàu bị nạn chỉ cách tâm bão khoảng 50 hải lý, các anh em trên tàu hết sức lo lắng. Cả mười mấy ngư dân đang tuyệt vọng chờ mình. Nhưng gặp thời tiết xấu thì tàu SAR cũng như chiếc lá tre giữa biển. Chỉ còn cách xông vào đó thôi chứ người ta (ngư dân-PV) nằm đó còn chịu được thì há gì chúng tôi quay vào bờ. Đã xác định tư tưởng vào nghề này phải chấp nhận vượt qua và có thể hy sinh tính mạng bất cứ lúc nào”.   

Câu nói ám ảnh đó giúp tôi lý giải vì sao trong mỗi một chuyến đi, các sĩ quan và thủy thủ đều canh cánh bên mình một trọng trách nặng nề. Bởi mục tiêu cuối cùng của SAR là làm sao cứu được mạng sống của người đi biển và duy trì sự sống ấy tới tận bờ.

(Còn tiếp)

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.