.

Mang sách đến người đọc

.

Thầy, cô giáo chỉ có thể truyền thụ, hướng dẫn những kiến thức cơ bản trong một thời gian nhất định. Sách mới là nguồn tri thức vô tận, kho tàng cất giữ di sản tinh thần nhân loại. Xác định được điều này nên hầu hết các trường trên địa bàn quận Cẩm Lệ đều “mang sách đến với học sinh” chứ không để học sinh đi tìm sách như trước đây, qua đó khơi dậy tình yêu với sách, tinh thần ham đọc sách cho học sinh.

Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai mượn sách tại thư viện.
Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai mượn sách tại thư viện.

Từ nhiều năm nay, bên cạnh thư viện chính khang trang, đạt chuẩn quốc gia, Trường THCS Nguyễn Văn Linh còn thành lập 3 thư viện mở là những tủ sách di động đặt trong sân trường. Tại đây, những học sinh đến trường sớm hoặc chờ phụ huynh đến đón muộn có thể tranh thủ đọc sách.

Sách được bố trí ở đây thường là bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”, truyện của Nguyễn Nhật Ánh, hay truyện tranh về các bậc vĩ nhân trên thế giới và Việt Nam… Những bộ sách này vừa có khả năng cập nhật tri thức, vừa gọn nhẹ, dễ đọc, dễ nhớ. Sách được thay đổi thường xuyên để đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng tăng của học sinh.

Cô Tống Thị Ngộ, cán bộ thư viện Trường THCS Nguyễn Văn Linh, người đạt giải ba trong Hội thi cán bộ thư viện giỏi cấp thành phố năm 2013 cho biết, mô hình thư viện mở - mang sách đến tận tay người đọc - được học sinh và phụ huynh toàn trường ủng hộ. Học sinh có thể thoải mái trao đổi, bàn luận, chia sẻ với nhau những điểm thú vị về cuộc đời của thiên tài Thomas Edison, của nhà vật lý học, hóa học tài năng Marie Curie… mà không lo lắng ảnh hưởng đến nguyên tắc “Trật tự, im lặng” trong những thư viện truyền thống. Cũng nhờ thư viện mở mà những bài học lịch sử trong sách giáo khoa trở nên dễ hiểu, thú vị hơn nhiều lần qua các nét vẽ của bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”.

“Để học sinh yêu sách, hiểu được giá trị của sách và tập được thói quen đọc sách hằng ngày là công việc của đội ngũ các thầy, cô giáo toàn trường”, thầy Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai khẳng định. Học sinh luôn tất bật với bài vở, các em không đủ thời gian để đi nhà sách, lựa chọn tác phẩm phù hợp với mình giữa mê cung sách văn học, sách tham khảo, sách ngoại ngữ...

Lâu dần, có thể gây nên tâm lý chán nản, ngại đọc sách. Xuất phát từ thực tế này, đội ngũ các thầy, cô giáo của trường đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ thư viện để chọn mua những đầu sách thực sự bổ ích, sát với chương trình học và tâm sinh lý học sinh.

Danh sách và nội dung tóm tắt của các đầu sách được thầy, cô tóm tắt và in thành tập có hệ thống, màu sắc bắt mắt và đặt ngay ngắn, đều đặn trong thư viện trường. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, thầy, cô giáo luôn dành thời gian để truyền đạt nội dung, ý nghĩa của đầu sách mới cùng những câu danh ngôn như: “Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ”; “Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con đọc một quyển sách hay”; “Mỗi ngày đọc một trang sách, khi về già, bạn đã có một thư viện khổng lồ”… Qua đó giúp học sinh thấy rõ hơn vai trò và tác dụng của việc đọc sách.

Với Võ Thị Trúc Ngân, học sinh lớp 8/3, Trường THCS Đặng Thai Mai, những lời giới thiệu sinh động, ngắn gọn, súc tích và những tập danh sách nhiều màu có sức quyến rũ em và các bạn gấp nhiều lần mạng Internet. “Em hoàn toàn tin tưởng hệ thống sách tham khảo, sách nâng cao được thầy, cô giới thiệu. Em thích những mẩu chuyện gần gũi nhưng ý nghĩa mà mình tìm được trong loạt sách “Hạt giống tâm hồn”. Em thấy việc học thú vị hơn rất nhiều”, Trúc Ngân nói.

Cô Trần Thị Phong, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ cho biết, hệ thống các trường trên địa bàn quận thường xuyên giới thiệu đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các câu danh ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ nổi tiếng của các nhà văn, các vị thiên tài trên thế giới nói về giá trị của sách. Từ đó, xây dựng văn hóa đọc trong môi trường sư phạm và tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác…

Bài và ảnh: MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.