.

Cần xử lý mạnh tay hành vi rao bán thông tin cá nhân

.

* Bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và FDI

Sáng 29-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An toàn thông tin mạng.

Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận trong dự thảo Luật An toàn thông tin mạng là bảo vệ thông tin cá nhân trước tình trạng các thông tin này bị phát tán trên mạng. Các đại biểu cho rằng số điện thoại và danh tính cá nhân của nhiều người đã bị thu thập và phát tán trái phép, không ít người đã và đang bị quấy rối bởi những tin nhắn mời mua bất động sản, mua bảo hiểm, sim điện thoại. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể mua được một danh sách hàng chục ngàn thuê bao di động với đầy đủ tên tuổi, khả năng mua sắm của những người đó. Tình trạng rao bán thông tin cá nhân một cách công khai trên mạng đang gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng này là một vấn nạn cần hạn chế.

Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (thành phố Hồ Chí Minh), dự thảo Luật đã đặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ về bảo vệ thông tin cá nhân như trước khi thu thập thông tin cá nhân phải xin phép ý kiến của người đó về phạm vi và mục đích thu thập và sử dụng thông tin.

Luật cũng cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác, cấm không được cung cấp chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát được cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo đại biểu, để thực thi được các điều khoản này trên thực tế là thách thức lớn khi chưa có tiền đề cho việc sẵn sàng tuân thủ những quy định trên.

Trong khi đó, một số điều khoản trong luật có tính khả thi chưa cao để các cơ quan Nhà nước kiểm soát được. Việc tuân thủ các quy định này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của các tổ chức cá nhân có liên quan.

Đại biểu đề nghị, trước mắt các cơ quan quản lý Nhà nước cần định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, các doanh nghiệp xử lý thông tin cá nhân; thiết lập kênh thông tin trực tuyến tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân về vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, có hình thức tuyên truyền phù hợp về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo thói quen chấp hành vi phạm pháp luật.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng bảo vệ thông tin cá nhân là hợp lý, nhưng cần xem xét, trong trường hợp chủ thể đã đồng ý cung cấp thông tin cá nhân thì phải tuân thủ hợp đồng nhằm tránh can thiệp quá sâu của Nhà nước trong quan hệ dân sự. Bảo vệ thông tin cá nhân chỉ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước thì chưa đủ, cần quy định trách nhiệm của nhà mạng.

Từ nhận thức xây dựng Luật An toàn thông tin mạng sẽ là một trong những cơ hội giảm thiểu những tác động tiêu cực của Internet lên giới trẻ, góp phần làm giảm thiểu nguyên nhân gây nên hiện tượng phạm tội của người trẻ, người chưa từng có tiền án, tiền sự, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng. Cụ thể là các quy định liên quan tới biện pháp cảnh báo người dùng, ứng cứu khẩn cấp, bổ sung thêm các quyền yêu cầu hủy bỏ, sửa đổi, ngừng cung cấp thông tin của người dùng đối với thông tin cá nhân hay tập thể khi có dấu hiệu bị xâm phạm để nội dung của luật có thể theo kịp sự phát triển của thực tiễn cũng như bảo đảm tính hiệu quả của luật khi thi hành.

Các đại biểu đều tán thành với quan điểm của Chính phủ là giao cho Cơ quan mật mã quốc gia là Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về mật mã dân sự để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu giao cho cơ quan khác sẽ phát sinh bộ máy, gây lãng phí và không sử dụng được nguồn nhân lực đã được dày công đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất và trình độ đang có tại Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cao hơn về tín ngưỡng, tôn giáo

Lần đầu tiên được trình Quốc hội, dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo nhằm điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cao hơn, phù hợp với Hiến pháp 2013, tương thích với các điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của con người. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa các quyền con người và cơ chế bảo đảm việc thực thi các quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.

Việc xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết.

* Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Chủ trì thảo luận tại tổ số 5 gồm Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Bắc Kạn, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về phạm vi sửa đổi luật; thời hạn nộp thuế; thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất; về áp dụng phòng vệ thương mại; miễn thuế…

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đồng tình cần phải sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm đáp ứng lộ trình cắt giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà nước ta đã và đang ký kết, nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực từ đầu năm tới. Về thời hạn nộp thuế quy định tại Khoản 2 Điều 10, ĐB Thân Đức Nam cho rằng, thời gian qua, mặc dù chúng ta đã siết chặt hơn điều kiện ưu tiên theo hướng doanh nghiệp vừa phải có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và chấp hành tốt pháp luật thì được ưu tiên, tuy nhiên, với tình trạng doanh nghiệp trong nước đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ không đảm bảo điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu nên hiện nay doanh nghiệp được ưu tiên phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đó, khi được ưu tiên thì các doanh nghiệp này gần như không bị kiểm tra và chỉ bị kiểm tra sau, kể cả các mặt hàng chuyên ngành. Như vậy, doanh nghiệp FDI vốn đã mạnh về tiềm lực kinh tế, mạnh về đầu ra, mạnh về công tác quản lý nay lại thêm nhiều ưu đãi nữa sẽ gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong nước khó đứng vững ngay tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, ĐB đề nghị bổ sung quy định làm sao để vừa đảm bảo tính cạnh tranh cao trong thu hút vốn FDI với các quốc gia khác nhau, vừa đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Do đó, ĐB Thân Đức Nam đề nghị bỏ Khoản 2 Điều 10 dự thảo luật, quy định thời hạn nộp thuế của các doanh nghiệp là như nhau.

Về miễn thuế tại Điều 16, ĐB Thân Đức Nam đề nghị xem xét cụm từ “trong nước chưa sản xuất được” quy định rất nhiều từ Khoản 12 đến Khoản 20 Điều này. ĐB cho rằng, với quy định này sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp và Hải quan; vì quy định như vậy thì doanh nghiệp muốn nhập khẩu phải xin phép cơ quan có thẩm quyền, rồi phải đối chiếu với danh mục hàng hóa mà trong nước chưa sản xuất được, rất phức tạp. Vì vậy, ĐB đề nghị phải quy định cụ thể theo hướng hạn chế sự hướng dẫn của quá nhiều bộ, ngành, nếu không sẽ đi ngược lại tiến trình cải cách hành chính hiện nay. ĐB đề nghị không đưa nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào đối tượng được miễn thuế tại Khoản 7 Điều 16, vì hiện nay đối tượng này đã được Nhà nước ân hạn chậm nộp thuế 275 ngày, đủ một chu kỳ sản xuất hàng hóa.

B.T (theo TTXVN) - PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.