.

Phân cấp, đề cao trách nhiệm quản lý vỉa hè

.

Lâu nay, công tác quản lý trật tự vỉa hè luôn gặp tình trạng chồng chéo giữa các ngành, đơn vị, cá nhân. Để khắc phục điều này và tìm giải pháp mới trong quản lý trật tự vỉa hè, từ đầu năm 2016, UBND quận Thanh Khê thực hiện đề án “Phân công nhiệm vụ thực hiện quản lý trật tự vỉa hè”.

Ảnh: NGUYÊN AN
Ảnh: NGUYÊN AN

Chung quanh đề án này, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh (ảnh) cho biết, đề án nhằm tránh hiện tượng chồng chéo, thoái thác trách nhiệm; cán bộ không bị động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phát huy hết hiệu quả của phương tiện, nhân lực được Nhà nước đầu tư.

* Trước khi có đề án “Phân công nhiệm vụ thực hiện quản lý trật tự vỉa hè”, quận Thanh Khê cũng đã làm tốt công tác quản lý đô thị. Vậy đâu là giải pháp để quận đạt được hiệu quả về công tác quản lý đô thị, thưa ông?

- Những năm qua, “kinh tế vỉa hè” là nguồn thu chính, gắn liền với cuộc sống của nhiều hộ dân quận Thanh Khê. Vì thế, vỉa hè là vị trí kinh doanh lý tưởng không chỉ của các cơ sở kinh doanh lớn, ngành nghề kinh doanh ổn định mà còn của hộ nghèo, người buôn bán nhỏ lẻ…

Để bảo đảm trật tự vỉa hè, UBND quận Thanh Khê đã tiến hành kẻ vạch trên vỉa hè các tuyến đường thuộc quận; qua đó phân định, đồng thời hướng dẫn, định hướng cho nhân dân phần vỉa hè cho phép sử dụng ngoài mục đích giao thông với phần vỉa hè dành riêng cho người đi bộ.

Công tác quản lý môi trường, trong đó có vệ sinh đường phố, cũng được triển khai đồng bộ, kịp thời; thông qua việc xác định cụ thể vị trí đặt thùng rác, yêu cầu các hộ cá thể và cơ sở kinh doanh xây dựng cam kết bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng ở vị trí mặt tiền đường phố nhằm không để xảy ra tình trạng công trình xây dựng vi phạm chỉ giới đường đỏ, chồng lấn ranh giới vỉa hè Nhà nước quản lý, làm ảnh hưởng mỹ quan chung…

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được các ngành chức năng quận thực hiện hiệu quả, nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các ngành luôn phải điều tiết cách thức kiểm tra, xử lý hài hòa giữa việc mưu sinh của người dân với quy định của Nhà nước trên lĩnh vực quản lý, sử dụng vỉa hè.

Với lợi thế về phương tiện và nhân lực, các ngành đảm nhận kiểm tra trật tự đô thị trên các tuyến đường chính, khu vực trọng điểm. Các phường đảm nhận công tác kiểm tra, duy trì tại các điểm, sau khi được quận hỗ trợ lực lượng thiết lập trật tự. Một phương pháp khác đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là xử lý vi phạm hành chính thông qua hình ảnh, kiểm tra đột xuất… Song song với công tác kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền pháp luật cũng được tiến hành thường xuyên, liên tục…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, về cơ bản, việc quản lý và sử dụng vỉa hè trên các tuyến đường, nhất là các tuyến đường chính, các tuyến đường không cho phép sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông, đi vào nền nếp, tạo nên diện mạo quận Thanh Khê hôm nay.

* Thưa ông, đề án ra đời xuất phát từ vướng mắc, tồn đọng trong thực tế quản lý đô thị? Và sẽ tập trung giải quyết những vấn đề gì?

- Trong những năm trước đây, nhiệm vụ bảo đảm, duy trì trật tự quản lý và sử dụng vỉa hè ở cấp thành phố được giao cho Thanh tra giao thông. Phòng Cảnh sát trật tự cũng kiêm nhiệm công tác này. Ở quận, nhiệm vụ chính thuộc về Đội Kiểm tra quy tắc đô thị và cuối cùng là UBND các phường. Có thể nhận thấy, cùng một công việc và có thể cùng một tuyến đường nhưng sẽ có nhiều ngành, đơn vị, cá nhân cùng thực hiện một nhiệm vụ nên không tránh khỏi hiện tượng chồng chéo, thoái thác trách nhiệm.

Thực tế đó còn kéo theo hiện tượng cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị không thể xác định, định hướng kiểm tra cụ thể nên luôn bị động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chưa phát huy hết hiệu quả của phương tiện, nhân lực được Nhà nước đầu tư. Trước thực trạng đó, lãnh đạo UBND quận quyết định tiến hành phân nhiệm quản lý cho từng cấp nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên.

Đề án hướng đến thực hiện bốn nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, triển khai tổ chức quản lý có hiệu quả trật tự vỉa hè, bảo đảm cảnh quan đô thị các tuyến đường trên địa bàn quận.

Thứ hai, phân công rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự vỉa hè, đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, địa phương. Chẳng hạn, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận đảm nhận 12 tuyến đường chính, UBND 10 phường đảm nhận các tuyến đường còn lại theo địa giới hành chính.

Các điểm nóng về trật tự vỉa hè cũng giao cụ thể cho từng đơn vị (khu vực dưới chân cầu vượt ngã ba Huế do Đội kiểm tra quy tắc đô thị chủ trì, phối hợp với UBND phường An Khê, Thanh Khê Tây; khu vực chợ Tân Lập do UBND phường Vĩnh Trung chủ trì; khu vực xung quanh Công viên 29-3 giao cho UBND phường Thạc Gián…).

Thứ ba, tạo sự chuyển biến rõ nét, căn bản trên lĩnh vực trật tự vỉa hè, vệ sinh môi trường.

Thứ tư, từng bước lập lại trật tự, đưa việc quản lý vỉa hè đi vào nền nếp, ổn định tình hình, hướng đến xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, văn minh đô thị.  

* Ông có thể cho biết kết quả ban đầu sau khi triển khai đề án và những định hướng cơ bản trong thời gian tới?

- Sau một thời gian triển khai thực hiện, việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, để xe đạp, xe máy, bảng hiệu không đúng quy định đã giảm, ngày càng đi vào nền nếp. Tuy nhiên, quản lý trật tự vỉa hè là công tác lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần tự giác cao độ của mỗi người dân. Vì vậy, đây là một trong những nhiệm vụ chính đã được Quận ủy, UBND quận quan tâm, chỉ đạo các cấp các ngành, UBND các phường triển khai thực hiện đồng bộ nhằm đạt kết quả cao nhất.

Để nâng cao hiệu quả của đề án, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng vỉa hè đến từng khu phố, hộ dân cư trên địa bàn quận nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Các đơn vị liên quan sẽ phối hợp tổ chức triển khai đồng bộ, liên tục và thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự vỉa hè. Mặt khác, yêu cầu trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo sâu sát, thường xuyên và kiểm tra thực tế trong công tác quản lý trật tự vỉa hè để nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý, giám sát của người đứng đầu đơn vị.

* Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn.

NGỌC HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.