.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm văn hóa, văn minh đô thị

.

Tình trạng bán hàng rong, ăn xin biến tướng và chèo kéo khách tại các quán nhậu, khu vực ven biển đang có chiều hướng gia tăng và khó xử lý, việc đổ trộm rác thải ở nhiều địa phương vẫn chưa thể kiểm soát và giải quyết triệt để… Đó là những vấn đề làm “nóng” hội nghị sơ kết quý 1 triển khai Năm văn hóa, văn minh đô thị do UBND thành phố tổ chức ngày 22-4.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong thời gian qua, tình trạng đeo bám chèo kéo khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch đã hạn chế. Việc bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm nóng như Ngũ Hành Sơn, đỉnh đèo Hải Vân… bước đầu ổn định.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách tại các quán nhậu khu vực biển vẫn còn rất nhiều. “Mặc dù tại các quán ăn, nhà hàng đã ký cam kết với địa phương và đều dán các bảng cam kết nghiêm cấm bán hàng rong, ăn xin trá hình, đeo bám chèo kéo khách du lịch nhưng khi có đối tượng bán hàng rong thì các chủ cửa hàng kinh doanh vẫn làm ngơ”, ông Chiến nói.

Đại diện nhiều địa phương cũng phản ánh hiện nay các chủ quán hầu như không phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng này. Bên cạnh đó, công tác xử lý qua đường dây nóng của các quận, huyện về đối tượng bán hàng rong, ăn xin trá hình, chèo kéo khách vẫn chậm và chưa phát huy hết hiệu quả.

“Hiện nay đang xuất hiện trở lại tình trạng lợi dụng người khuyết tật, trẻ em để bán hàng rong, dùng loa phóng thanh tại các vùng ven, kể cả một số tuyến đường cấm như Bạch Đằng, Trần Phú, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa…”, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Ông Nguyên cũng đề nghị phải có phần mềm quản lý thông tin và ảnh về các đối tượng trên để phổ biến cho các địa phương. Có như vậy, việc phối hợp xử lý mới chặt chẽ, tránh tình trạng đối tượng chạy lòng vòng từ nơi này sang nơi khác để hoạt động.

Bà Phan Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại nhiều địa phương vẫn chưa cao. “Việc bố trí các điểm tập kết giá hạ, phế thải xây dựng trên địa bàn các quận, huyện vẫn chưa được quy hoạch kịp thời nên vẫn còn tình trạng đổ trộm”, bà Hiền nói.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Chiến, tình trạng dán tờ rơi quảng cáo rao vặt sai quy định tái xuất hiện, đặc biệt là trong các kiệt, hẻm, khu dân cư, quán cà- phê… Trong khi đó, công tác kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng còn chậm. Nhiều trường hợp, dù có quyết định xử phạt nhưng đối tượng vẫn cố tình không nộp phạt.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, phải kiểm tra chặt chẽ các công trình đang xây dựng ở trung tâm thành phố, khu vực ven biển và xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. “Tất cả các cấp, ngành và chính quyền, đoàn thể, người dân cùng vào cuộc.

Phải làm quyết liệt thì Đà Nẵng mới trở thành thành phố môi trường được”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu. Bên cạnh việc xử phạt cũng phải tăng cường công tác khen thưởng những cá nhân điển hình tiên tiến trong việc bảo vệ môi trường để khuyến khích mỗi người dân cùng hành động; đồng thời, cần tiếp tục công tác kiểm tra, xử lý hiện tượng lang thang xin ăn biến tướng, bán hàng rong chèo kéo khách, quảng cáo rao vặt sai quy định…

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý ngoài giờ hành chính; công khai số điện thoại, thư điện tử người đứng đầu địa phương chỉ đạo về văn hóa, văn minh đô thị, kiểm tra trật tự đô thị... Cần phát huy tốt các “Góc quảng cáo, rao vặt miễn phí” trên địa bàn thành phố. Việc triển khai mái che phải kiểm tra xem chỗ nào cần và chưa cần, nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo giao thông, mỹ quan đô thị.

Phương Trà

;
.
.
.
.
.