.

Niềm tin và khí thế mới

.

Với địa bàn rộng, là huyện nông thôn duy nhất của thành phố, cùng với niềm vui vừa đón nhận quyết định đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Hòa Vang bước vào ngày hội lớn của non sông với khí thế và niềm tin mới.

Cử tri huyện Hòa Vang tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên để lựa chọn người đủ đức, đủ tài vào các cơ quan dân cử, đại diện cho quyền lợi của nhân dân.
Cử tri huyện Hòa Vang tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên để lựa chọn người đủ đức, đủ tài vào các cơ quan dân cử, đại diện cho quyền lợi của nhân dân.

Phát huy quyền làm chủ của dân

Từ vùng đồng bằng đến các xã miền núi của huyện, nơi đâu cũng thấy sự hào hứng hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV và HĐND các cấp. Là huyện nông nghiệp, còn gặp nhiều khó khăn, tuy trình độ dân trí chưa đồng đều, nhưng với việc duy trì HĐND cấp xã khi thành phố thí điểm không có HĐND cấp quận, huyện, phường, người dân ở các xã đã nhận thức được việc lựa chọn người tham gia ứng cử đại biểu HĐND xã phải là người đại diện cho tiếng nói của nhân dân và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho mọi người dân.

Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Hòa Khương cho biết: “Những người được dân giới thiệu đều có uy tín cao trong cộng đồng, về trình độ thì không chênh lệch lớn so với các ứng cử viên khác. Khả năng trúng cử của các ứng cử viên tại các tổ bỏ phiếu trên địa bàn xã là ngang nhau”.

Theo thống kê, huyện Hòa Vang có 93.161 cử tri tham gia đi bỏ phiếu; trong đó, địa phương có số lượng cử tri đi bầu nhiều nhất là xã Hòa Tiến với 12.851 người, ít nhất là xã Hòa Bắc với 3.278 người. Việc lập danh sách cử tri đối với địa phương có nhiều trường hợp trong diện di dời, giải tỏa và bố trí tái định cư nên gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Định, Bí thư chi bộ thôn Miếu Bông (xã Hòa Phước) cho biết: “Hiện toàn thôn có trên 2.000 cử tri; trong đó hơn 1/4 cử tri ở 6 tổ đoàn kết thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Đây là khu vực rất khó khăn trong việc lập danh sách cử tri vì đa số các gia đình đều từ nhiều tỉnh, thành khác đến mua đất làm nhà, hoặc những hộ thuộc diện bố trí tái định cư nên ban ngày đều cửa đóng, then cài, ban đêm mới có ở nhà. Cán bộ địa phương cùng công an viên phải xuống từng nhà kiểm tra hộ khẩu, giấy tạm trú dài hạn để lập danh sách cử tri.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Xác định công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử lần này nên ngay từ đầu tháng 3-2016, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Hòa Vang đã tăng cường thời lượng phát thanh phổ biến Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, các văn bản pháp quy có liên quan, chú trọng phản ánh không khí chuẩn bị bầu cử của các địa phương, tâm tư nguyện vọng của cử tri… trong chương trình phát thanh Tin nhạc vào buổi trưa và Thời sự buổi chiều và sáng.

Ông Trần Văn Sâm, Trưởng đài Truyền thanh - Truyền hình Hòa Vang cho hay: “Gần 3 tháng qua, chúng tôi phân công phóng viên chuyên phụ trách về công tác bầu cử. Chương trình phát thanh Thời sự hằng ngày của Đài đều có tiết mục bầu cử với thời lượng từ 5 đến 8 phút ghi nhận không khí khẩn trương của các ngành, địa phương chuẩn bị cho ngày hội lớn toàn dân.

Trong ngày 22-5 tới đây, chúng tôi phân công phóng viên đứng điểm tại vùng đồng bào dân tộc Cơtu (các xã Hòa Bắc, Hòa Phú), vùng giáo dân (xã Hòa Sơn), vùng giải tỏa (các xã Hòa Châu, Hòa Phước)... cùng với lực lượng cộng tác viên ở mỗi xã để xây dựng 4 chương trình phát thanh đặc biệt trong ngày để kịp thời phản ánh không khí bầu cử trên khắp các địa phương của huyện”.

Ngoài công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, nhiều địa phương với tính đặc thù của từng vùng có cách tuyên truyền công tác bầu cử cho phù hợp. Những ngày trước tháng 5, người nông dân Hòa Vang bước vào thu hoạch lúa đông xuân nên thời gian ban ngày ở nhà rất ít.

Vì vậy, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể của mỗi xã tập trung lồng ghép nội dung bầu cử trong các cuộc họp, sinh hoạt vào ban đêm. Ông Trần Văn Mười, Bí thư chi bộ thôn Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương) cho biết: “Vì người dân đều ở ngoài đồng lo gặt hái nên chúng tôi tập trung tuyên truyền công tác bầu cử vào ban đêm, thậm chí ngay tại cánh đồng”.

Tại thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc), có một bộ phận đồng bào Cơtu không hiểu hết tiếng phổ thông nên những ngày trước thềm bầu cử, già làng cùng các thành viên trong tổ bầu cử của thôn “dịch” và truyền tải tất cả các nội dung cơ bản của công tác tuyên truyền bầu cử sang tiếng Cơtu để mọi người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của cuộc bầu cử.

Chỉ còn 48 giờ nữa là đến ngày bầu cử. Cùng với cả nước, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang nỗ lực, gấp rút hoàn thành những thủ tục, quy trình cuối cùng để ngày bầu cử 22-5 thật sự là ngày hội lớn của toàn dân.      

Bài và ảnh: Phạm Hùng

;
.
.
.
.
.