.

Phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ

.

Những kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo thành công được đưa ra thảo luận tại buổi gặp gỡ và trao đổi giữa các nhà sáng tạo trẻ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của thành phố do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (LHH) thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều 16-5, trong đó, nhấn mạnh việc cần thiết phát huy và tạo điều kiện để giới trẻ sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa.

Các nhà khoa học trẻ chia sẻ kinh nghiệm để sáng tạo thành công.
Các nhà khoa học trẻ chia sẻ kinh nghiệm để sáng tạo thành công.

Nhà khoa học trẻ hiến kế

Là tác giả vừa đoạt giải nhì giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam và giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố với công trình “Nghiên cứu phụ tải từ hệ thống đo xa tại Công ty Điện lực Đà Nẵng”, anh Huỳnh Thảo Nguyên cho rằng, để nghiên cứu khoa học (NCKH), người nghiên cứu cần nắm vững các phương pháp nghiên cứu qua các sách giáo trình, tài liệu nước ngoài.

Tiếp đến, cần chọn đề tài phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, tốt nhất là xuất phát từ nhu cầu thực tế để đề tài có ý nghĩa thực tiễn. Ngoài ra, cần trau dồi kỹ năng đọc tài liệu tiếng Anh bởi các sách điện tử, bài báo khoa học tiếng Anh là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị rất cao.

Tác giả Nguyễn Thành Chương, chủ nhiệm giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao máy phân cỡ tôm điện tử phục vụ trong công nghiệp chế biến thủy sản thay thế máy nước ngoài” - nhà khoa học trẻ vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, cho biết thêm, sáng tạo cần hội tụ đủ các yếu tố như: phải gắn liền với thực tế sản xuất, nhu cầu cuộc sống, phải có phối hợp đồng đội, có lòng đam mê, nhiệt huyết và luôn kiên trì vượt qua khó khăn; đồng thời, có nguồn vốn để thực hiện ý tưởng sáng tạo và cho ra đời các sản phẩm sáng tạo đúng thời điểm. Đó là những yếu tố để sáng tạo thành công.

Tại buổi giao lưu, các nhà khoa học trẻ khác còn cho biết, để NCKH, đối với đề tài khoa học kỹ thuật theo hướng nghiên cứu, cần nắm vững các phương pháp toán học để đưa ra các kết quả nghiên cứu tin cậy. Nếu có điều kiện, cần tìm hiểu thêm các công cụ lập trình tin học để tính toán nhanh số liệu lớn, mô phỏng kết quả.

Đây sẽ là “vũ khí” lợi hại để tăng giá trị đề tài. Cùng với đó, cần có sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân trong suốt quá trình thực hiện đề tài, bởi sẽ có những lúc thất bại nhưng nếu tiếp tục cố gắng, không nản lòng thì nhất định sẽ đi đến thành công.

Tuổi trẻ phải sáng tạo

Theo LHH, đội ngũ sáng tạo trẻ của Đà Nẵng trong thời gian qua đã có những cống hiến không nhỏ trong lĩnh vực KHCN với những ý tưởng, mô hình, sản phẩm, giải pháp sáng tạo KHCN có chất lượng, tham gia và đoạt giải cao trong các cuộc thi, hội thi, giải thưởng. Hầu như năm nào thành phố cũng nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về số lượng cũng như chất lượng đoạt giải; trong đó, hơn 80% công trình đoạt giải thuộc về những nhà sáng tạo trẻ.

Ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch LHH nhìn nhận, thông qua phong trào nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng KHCN để phát hiện những trí thức trẻ có năng lực sáng tạo KHCN, từ đó, bồi dưỡng, ươm mầm để họ trở thành những nhà KHCN trong tương lai. Muốn vậy, Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tài chính và đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm để các tổ chức liên quan thực hiện.

Cùng quan điểm, anh Bùi Phước Lai, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ thành phố cho rằng, thời gian qua, tuổi trẻ Đà Nẵng đã tạo ra được phong trào sáng tạo sâu rộng trong xã hội như hình thành các CLB Cán bộ trẻ Đà Nẵng, CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng, Quỹ Khuyến khích sáng tạo KH&CN...; qua đó bồi dưỡng, ươm mầm để những sáng tạo trẻ trở thành những nhà khoa học trong tương lai. Có thể nói, đây là những việc làm tâm huyết và lâu dài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển thành phố.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.