.

Chống mặn và an ninh nguồn nước: Cần vì lợi ích chung

.

Ngày 12-10, tại thành phố Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo đánh giá tác động môi trường dự án “Đập ngăn mặn qua sông Vĩnh Điện”. Dự án có vốn đầu tư trên 120 tỷ đồng với mục tiêu ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt, nước sản xuất và kết hợp làm cầu giao thông qua sông. Tuy nhiên, dự án gây nên sự lo lắng cho vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước đối với thành phố Đà Nẵng.

Đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện tại Tứ Câu làm gia tăng nhiễm mặn ở hạ lưu khu vực thành phố Đà Nẵng và ảnh hưởng khả năng khai thác nước mặt tại Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ.
Đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện tại Tứ Câu làm gia tăng nhiễm mặn ở hạ lưu khu vực thành phố Đà Nẵng và ảnh hưởng khả năng khai thác nước mặt tại Nhà máy cấp nước Cầu Đỏ.

Ngăn sông giữ nước ngọt

Sông Vĩnh Điện nối liền hai sông chính của lưu vực sông Vu Gia (phía sông Hàn - Đà Nẵng và Thu Bồn), vì vậy chịu sự tác động của lan truyền mặn từ cửa sông Hàn và cửa Đại. Tình trạng nhiễm mặn ở sông Vĩnh Điện ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với trên 2.000ha và nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Những năm qua, để chống nhiễm mặn, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đập tạm bằng cọc đắp đập cát tại vị trí Trạm bơm Tứ Câu, thị xã Điện Bàn. Do xây dựng tạm nên hằng năm phải tu sửa, thiếu tính ổn định trong việc ngăn mặn giữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho một vùng cư dân rộng lớn là thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án đập ngăn mặn chỉ là ý tưởng ban đầu. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, địa phương xác định tuyến đường liên huyện ĐH 7 là đường vành đai phía bắc của tỉnh. Theo đó, tuyến đường này nối thành phố Hội An lên huyện Đại Lộc, huyện Nam Giang và sang Lào. Chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam là nghiên cứu đầu tư đập ngăn mặn tại địa điểm đập tạm Tứ Câu theo hướng đầu tư kiên cố. Phản ánh tại cuộc hội thảo cho thấy, việc đầu tư đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện là đáp ứng được mục tiêu đề ra. Đồng thời đây là giải pháp công trình phù hợp khi mà giải pháp phi công trình như chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản… khó thực hiện được.

Tuy nhiên, các báo cáo đánh giá tác động của công trình đập ngăn mặn được các đơn vị tư vấn thủy lợi, các nhà khoa học cho rằng dự án có tác động lớn đến nguồn nước của thành phố Đà Nẵng. Ngoài các tác động về môi sinh, môi trường, giao thông, du lịch đường sông, cấp nước… còn gây gia tăng tình trạng nhiễm mặn ở sông Cái, sông Hàn, sông Cẩm Lệ. Mức độ gây nhiễm mặn cho khu vực sông vùng hạ du thành phố Đà Nẵng lên đến 4/00.

Lo ngại an ninh nguồn nước của Đà Nẵng

Trước dự án này, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, bày tỏ sự lo lắng về những tác động đến bảo đảm an ninh nguồn nước cho Đà Nẵng. Sông Vĩnh Điện là gạch nối giữa sông Thu Bồn và Vu Gia có nhiệm vụ thông thủy, đẩy mặn, chống nhiễm mặn đối với hạ du nguồn nước của Đà Nẵng. Sông Vĩnh Điện cũng có những lợi ích trong phát triển kinh tế-xã hội liên vùng.

Theo Luật Tài nguyên nước, việc đầu tư xây dựng đập ngăn sông cần phải được lấy ý kiến cộng đồng, các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương và Trung ương. Cụ thể, giữa hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cần thực hiện nội dung kết luận giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ký ngày 27-4-2016, trong đó có việc bảo đảm cho hoạt động giao thông thủy gắn với phát triển du lịch, khai thác và quản lý hạ tầng tài nguyên nước, kết nối công trình hạ tầng… Hai địa phương cũng phối hợp thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa của Chính phủ…

Đối với việc tỉnh Quảng Nam xây dựng đập tạm ngăn mặn tại Tứ Câu, thị xã Điện Bàn, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành Trung ương. Ngày 15-6-2016, UBND thành phố Đà Nẵng gửi công văn mong muốn UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu mở rộng cửa sông Vĩnh Điện tại Câu Nhi, cách cầu Câu Lâu 2km phía thượng lưu để nhận nước sông Thu Bồn (với trữ lượng nước mặt 2,2 tỷ m3) để tăng lượng nước chảy về sông Vu Gia, chống mặn cho sông Vĩnh Điện và hạ lưu các con sông tại Đà Nẵng.

Ông Hoàng Thanh Hòa cho rằng, việc xây dựng đập ngăn trên sông Vĩnh Điện cần được nghiên cứu theo hướng giải quyết các nguyên nhân gây nhiễm mặn, bảo đảm an ninh nguồn nước từ đầu nguồn trước khi thực thi giải pháp công trình.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng: Nguy cơ mất an ninh nguồn nước ngày càng lớn dần

Thành phố Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ bị chặn hết các nguồn nước mặt. Nguy cơ mất an ninh nguồn nước ngày càng lớn dần. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn trong việc giải quyết nguồn nước tưới cho gần 2.500ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt do tác động nhiễm mặn từ sông Vĩnh Điện; nhưng Đà Nẵng cũng chịu tác động quá lớn khi dòng sông này ngăn lại khi mà nước mặn lan truyền sâu vào khu vực sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa Vang. Đặc biệt, tình trạng nhiễm mặn ở các sông đã làm cho hoạt động thu nước mặt tại Nhà máy nước Cầu Đỏ ngưng trệ.

Để xử lý nhiễm mặn cho vùng hạ du các sông tại Đà Nẵng và Quảng Nam, theo tôi, cần nâng cao trình đập ngăn Quảng Huế ở Ái Nghĩa để trả nước về sông Vu Gia. Đồng thời mở cửa nhận nước sông Thu Bồn về sông Vĩnh Điện. Nếu hai phương án trên không đáp ứng xóa mặn cho sông Vĩnh Điện thì mới tính đến giải pháp công trình như đập ngăn trên sông Vĩnh Điện.

Những tác động nào lên lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn hãy nghĩ đến mối liên hệ phát triển về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh toàn diện giữa hai địa phương là Đà Nẵng-Quảng Nam. Xin đừng để nhân dân hai địa phương đau lòng bởi những quyết định đầu tư dự án, công trình chưa đạt mục tiêu trọn vẹn trong lợi ích chung”.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.