.

Cuối năm 2018 Đà Nẵng hết ngập?

.

Tình trạng ngập nước đô thị mỗi khi có mưa vẫn còn xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng. Mức độ ngập lan rộng ở các điểm ngập cho thấy việc đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng thực tế đặt ra.

Do kinh phí ít ỏi nên phần lớn các công trình thoát nước chỉ được xử lý thoát nước tạm thời.
Do kinh phí ít ỏi nên phần lớn các công trình thoát nước chỉ được xử lý thoát nước tạm thời.

Xử lý tình thế

Theo Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn còn 50 điểm ngập úng (giảm 8 điểm so với năm 2015). Các điểm ngập được xóa ngập đã xác định gồm: khu vực quay đầu đường sắt ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê); khu dân cư An Hải Bắc, đình làng Mân Quang, các tổ 54-55-58-59 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà); các tổ 17-18-19-20 phường Hòa Hiệp Bắc, khu dân cư Thanh Vinh 2, Đa Phước 3 - Đa Phước 4 và đường Nguyễn Công Hoan (quận Liên Chiểu). Ngoài ra, có 10 điểm đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật và đang chờ kiểm nghiệm hiệu quả hoạt động thoát nước qua mùa mưa năm 2016 để đưa ra khỏi danh mục điểm ngập úng.

Việc xử lý chống ngập vẫn tiếp tục chuẩn bị đầu tư. Theo đó, có 8 điểm ngập được đưa vào lập dự án đầu tư nhưng đang có nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khớp nối quy hoạch nên khó triển khai thực hiện ngay trong năm 2016. Đó là các điểm ngập đường Trương Định - Ngô Quyền hay khu vực ngập tại các tổ 49-51-52 và 53 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà); điểm ngập ở các tổ 58-59, phường Hòa Khánh Nam, tổ 61 phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).

Với tình trạng ngập trên diện rộng vừa qua, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, do có lượng mưa lớn đột biến (23-38mm/15 phút), vượt quá cường độ tính toán đối với hệ thống thoát nước thành phố nên gây ngập diện rộng. Các đơn vị điều hành dự án, nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc phương án thoát nước tạm thời trong phạm vi dự án đang thi công dẫn đến ngập trên diện rộng. Mặt khác, tiến độ giải tỏa các dự án nhìn chung rất chậm, không bảo đảm thi công khớp nối các tuyến cống chính thoát nước đô thị; hệ thống thoát nước lâu năm đã xuống cấp, chưa được nâng cấp cải tạo, hạn chế khả năng thoát nước; cửa thu nước cấu tạo không hợp lý, không bảo đảm thu nước trên mặt đường xuống mương cống; vật cản trong lòng cống (cáp thông tin liên lạc, đường ống cấp nước...) làm ảnh hưởng khả năng thoát nước.

Cuối năm 2018 sẽ cơ bản chống ngập ở đô thị

Hiện có 7 dự án, hạng mục công trình tiếp cận được nguồn vốn từ Dự án phát triển bền vững, cụ thể là đoạn tuyến đường Hùng Vương - Lê Duẩn, đường Đỗ Quang- Nguyễn Hoàng, các tuyến đường quanh hồ Thạc Gián… Cống tuyến đường Quang Trung hoàn thành hệ thống thoát nước phía bắc trước ngày 30-9 tới, phía nam trước ngày 30-10. Đường Lê Duẩn đang cải tạo cửa thu nước, thay thế toàn bộ tấm ngăn mùi và hoàn thành trước ngày 30-9; đoạn đường từ Ông Ích Khiêm đến Hoàng Hoa Thám đang tiến hành tháo lưới chắn rác và nạo vét bùn trong cống thoát nước hoàn thành ngày 30-9.

Khu vực đường Hàm Nghi và lân cận hồ Thạc Gián, đường Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng đang thi công tuyến cống, nâng cao trình mặt đường khu vực đường Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng và hoàn thành trước ngày 30-9. Khu vực hạ lưu tuyến cống Khe Cạn (lân cận nút giao thông ngã ba Huế) đang phá bỏ, tháo dỡ vật cản, nạo vét bùn đất trong lòng cống, đào khơi thông thượng lưu cửa thu cống, di dời đường ống cấp nước D300 ra khỏi lòng cống qua đường Trục I Tây Bắc hoàn thành trước ngày 30-9...

Sở Xây dựng xác định đến cuối năm 2018 sẽ cơ bản chống ngập ở đô thị; đồng thời kiến nghị cấp thành phố quản lý, vận hành hệ thống thoát nước các tuyến đường có bề rộng trên 7,5m và kênh mương, hồ điều tiết, công trình thoát nước trên cấp II. Đối với hệ thống thoát nước các tuyến đường dưới 7,5m thì do các quận, huyện quản lý, vận hành.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.