Giảm ô nhiễm tại Âu thuyền Thọ Quang

.

Rác thải, nước thải, mùi hôi là 3 yếu tố gây ô nhiễm môi trường dai dẳng tại Âu thuyền Thọ Quang. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, “điểm nóng” ô nhiễm môi trường tại đây đã từng bước được giải quyết.

Ngư dân đã chấp hành tốt quy định khi bốc hải sản lên bờ.
Ngư dân đã chấp hành tốt quy định khi bốc hải sản lên bờ.

Thời gian qua, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (gọi tắt là BQL) cũng như các ban, ngành và quận Sơn Trà đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Trong đó, đã cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải khu vực chợ cá, bảo đảm thu gom toàn bộ nước thải phát sinh từ quá trình vệ sinh, vận chuyển thủy sản.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi chợ cá vãn người, đội môi trường tiến hành phun nước để vệ sinh mặt bằng. Nước tưới rửa được thu về cống bao và đưa đi xử lý. Các nhân viên đội môi trường cho biết, công tác dọn dẹp vệ sinh được tiến hành 2 lần/ngày, đồng thời yêu cầu các chủ phương tiện vận chuyển thủy sản khi lưu thông phải khóa van nước thải, không để rò rỉ ra bên ngoài; khi đậu đỗ phương tiện, phải có thùng chứa nước theo đúng quy định. Nhờ vậy, hơn 90% phương tiện ra vào chợ chấp hành tốt các quy định.

Hiện nay, để giải quyết triệt để tình trạng tàu cá xả nước thải trực tiếp xuống âu thuyền, BQL đã có tờ trình và đang chờ Sở Tài chính phê duyệt mua sắm các thiết bị bơm nước thải từ tàu cá lên bờ thu gom xử lý. “Khi được đầu tư các thiết bị để thu gom, BQL sẽ cấm chủ tàu cọ rửa, vệ sinh hầm tàu trong khu vực và yêu cầu bơm nước thải phát sinh trong quá trình bảo quản hải sản, nước la canh lên cầu cảng, nghiêm cấm xả thải trực tiếp xuống âu thuyền.

Đồng thời, phối hợp với Trạm Biên phòng Mân Quang chỉ giải quyết cho tàu hoàn thành việc thu gom rác thải, nước thải và được cấp giấy chứng nhận mới được xuất bến”, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng BQL cho biết. Đối với nước thải tại 8 cửa xả ra âu thuyền, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố thường xuyên lấy mẫu phân tích. Kết quả cho thấy, các thông số đều không vượt quy định xả thải.

Ngoài việc xử lý nước thải, BQL từng bước xử lý mùi hôi. BQL đã họp bàn với các thương nhân để làm băng chuyền vận chuyển thủy sản từ tàu cá lên xe trên cầu cảng nhằm đẩy nhanh quá trình bốc xếp, vận chuyển hải sản; không để hải sản, nước thải rơi vãi gây ô nhiễm do tàu hành nghề lưới kéo gây ra. Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu, chủ nậu giã cào chú trọng hơn việc bảo quản sản phẩm như tăng cường đá lạnh, đầu tư lắp đặt hầm bảo quản lạnh, trang bị dụng cụ bảo quản nhằm tăng chất lượng sản phẩm.

Ngày 12-7, có mặt tại cầu cảng số 3, chúng tôi thấy có hơn 5 tàu giã cào của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bốc cá từ tàu lên bờ để cân cho nậu. Các tàu đã trải các tấm bạt, tôn để hứng nước. Nhờ vậy, khi bốc cá lên bờ, nước cá không chảy ra ngoài. Các loại cá được gói gọn trong các bao, ít bốc mùi tanh, hôi như trước đây. Sau khi bốc hàng, ngư dân cũng tưới nước rửa cầu cảng, nước rửa được thu gom về cống bao để đưa đi xử lý. Nhờ vậy, cầu cảng khá sạch sẽ. “Thời gian qua, để góp phần giảm ô nhiễm môi trường, ngư dân chúng tôi đã chấp hành tốt các quy định của cảng. Đặc biệt, khi bốc cá, chúng tôi không để rơi vãi ra ngoài, không rửa tàu tại âu thuyền sau khi bốc cá như trước”, một chủ tàu giã cào Quảng Ngãi cho biết.

Với những nỗ lực của BQL cũng như các ban, ngành địa phương, ô nhiễm tại âu thuyền đã có những chuyển biến khá tích cực. Mặt nước ven bờ của âu thuyền đã trong hơn trước; mùi hôi từng bước hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, một vấn đề cần quan tâm là nạo vét bùn lắng. Bùn lắng tại âu thuyền tồn đọng nhiều năm nay nên mỗi khi nắng nóng bất thường sẽ bốc mùi hôi. Do đó, cần nhanh chóng triển khai kế hoạch để nạo vét trong thời gian tới.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
.
.
.
.
.