Khó thi hành án có giá trị tài sản lớn

.

Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố, mỗi năm, cơ quan này có số lượng án ngày càng tăng. Nếu so với các địa phương trong cả nước thì công tác THADS tại Đà Nẵng được thực hiện khá tốt, án tồn đọng thấp… Thế nhưng, hiện công tác THADS còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; đặc biệt là việc thụ lý giải quyết án có giá trị tài sản lớn. Nhiều vụ việc không có điều kiện thi hành, bán đấu giá tài sản không có người mua nên công tác THADS gặp nhiều khó khăn. Nhận định về vấn đề này, ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục THADS thành phố cho biết, hiện nay án thụ lý có giá trị lớn khó thi hành chủ yếu tập trung vào án liên quan đến kinh doanh, thương mại, tín dụng ngân hàng, tranh chấp dân sự.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án, chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự thành phố thường xuyên trao đổi về nghiệp vụ đối với từng vụ việc, bản án...
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án, chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự thành phố thường xuyên trao đổi về nghiệp vụ đối với từng vụ việc, bản án...

Hiện trong số án thi hành liên quan đến các ngân hàng, còn 403 vụ việc đang giải quyết, tương ứng số tiền gần 1.128 tỷ đồng. Trong đó, điển hình như vụ: Công ty TNHH MTV Xây lắp và Công nghiệp tàu thủy miền Trung phải thi hành gần 500 tỷ đồng, hiện nay đã bán đấu giá tài sản là nhà máy sản xuất cáp điện của công ty, nhưng chưa giao được tài sản. Vụ thứ 2 là trường hợp Công ty TNHH đất Kinh Tuyến Số Một phải thi hành tổng số tiền gần 300 tỷ đồng trả cho 67 người được THA theo Bản án số 24/2016/KDTM-ST ngày 29-11-2016 và Quyết định số 70/2016/QĐST-KDTM ngày 16-12-2016 của Tòa án nhân dân quận Hải Châu. Ngoài ra, còn 44 tài sản là nhà, đất tương ứng với số tiền phải THA là gần 168 tỷ đồng, đã ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá nhiều lần nhưng vẫn chưa bán được. Nguyên nhân một phần là do đối với tài sản phát mại để THA, tâm lý người mua còn e ngại, không đăng ký mua. Một số vụ, việc cơ quan THA áp dụng biện pháp cưỡng chế trả nhà, giao nhà bán đấu giá thành, người phải THA không có nơi ở mới nên việc cưỡng chế THA gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Phước Thu, mặc dù trong quá trình giải quyết án có giá trị tài sản lớn liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Cục THADS luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, khó khăn là do hầu hết tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng là bất động sản, cơ quan THADS kê biên thẩm định giá và hợp đồng dịch vụ bán đấu giá nhưng không bán được, có tài sản phải hạ giá nhiều lần vẫn không có người mua, động viên ngân hàng nhận để trừ vào tiền được THA nhưng ngân hàng không nhận mà yêu cầu tiếp tục hạ giá để bán. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của người phải THA chưa cao, chây ỳ, chống đối, cản trở việc THA…

Quá tải thi hành án

Thời gian qua, công tác THADS luôn được lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương của thành phố quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác THADS vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh những nguyên nhân từ phía các đối tượng THA như đã đề cập ở trên, áp lực công việc hiện cũng là một trong những vấn đề nảy sinh do số lượng án ngày càng tăng, trong khi yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian THADS.

Chị Mai Thanh Phương, cán bộ của Cục THADS thành phố cho biết, do số lượng án tăng nhiều nên có thời điểm cán bộ THA bị quá tải vì phải đảm trách nhiều vụ việc. Nhiều trường hợp không thể giải quyết do người phải THA không có điều kiện thi hành, dẫn đến lượng án chưa giải quyết tồn đọng. Thời gian qua, bình quân mỗi chấp hành viên ở Cục THADS thành phố phải xử lý gần 300 bản án đã có hiệu lực. Đáng kể là những vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai, bao gồm từ khâu xác minh đến thẩm định giá, bán đấu giá…; vì vậy, không ít vụ việc phải mất vài năm mới giải quyết xong.

Để công tác THADS đạt hiệu quả, Cục THADS thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức chấp hành viên và chuẩn mực đạo đức cán bộ ngành Tư pháp; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và thời gian nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, không để xảy ra “điểm nóng” trong công tác THADS; nhất là đối với những vụ việc có đơn thư khiếu nại phức tạp, kéo dài.

Theo Cục THADS thành phố, đến thời điểm này, tổng số việc phải thi hành là 11.192 việc; trong đó, số có điều kiện thi hành là: 8.288 việc, tăng 921 việc so với cùng kỳ năm 2016, số chưa có điều kiện thi hành là: 2.904 việc (chiếm tỷ lệ 27%). Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 4.896 việc, đạt tỷ lệ 59%. Số tiền phải thi hành là hơn 2.410 tỷ đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên mới thi hành xong hơn 345 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17%.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.