Hiệu quả từ cảm hóa thanh, thiếu niên lầm lỗi

.

Với sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể, phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) từng bước thực hiện có hiệu quả công tác cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Thanh, thiếu niên phường Hòa An bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân với chính quyền địa phương tại buổi đối thoại.
Thanh, thiếu niên phường Hòa An bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân với chính quyền địa phương tại buổi đối thoại.

Một ngày đầu tháng 10, mưa như trút bởi ảnh hưởng của cơn bão số 12; dẫu vậy, đúng 8 giờ sáng, hội trường UBND phường Hòa An đã chật kín người, trong đó có hơn 50 thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, sử dụng trái phép chất ma túy. Đó là buổi đối thoại, gặp mặt đối tượng quản lý theo Chỉ thị 24-CT/TU và Chỉ thị 37-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy do phường Hòa An tổ chức.

Sau những phút đầu ngại ngùng, được sự động viên của chủ trì buổi gặp mặt cũng như đại diện các hội, đoàn thể, lực lượng cảnh sát khu vực, những người trực tiếp quản lý, giáo dục và cảm hóa, các em bắt đầu mở lòng với những tâm sự rất thật. Đó là sự hối hận về những tháng ngày lầm lỗi, là sự biết ơn trước những quan tâm, gần gũi và động viên của các hội, đoàn thể, là quãng thời gian nỗ lực vươn lên của chính bản thân, là những nguyện vọng trong thời gian đến.

Anh Dương Văn Q. (SN 1975, trú tổ 74), một trong những người lớn tuổi nhất trong số các đối tượng dự buổi gặp mặt, tâm sự: Khoảng 10 năm trước, vì nông nổi, đua đòi với bạn bè, bản thân anh dính vào ma túy. Càng ngày càng sa chân vào con đường tội lỗi, anh tưởng chừng mình đã đánh mất cuộc đời nhưng được sự giúp đỡ, cảm hóa của các hội, đoàn thể, các thành viên của CLB Giúp nhau cùng tiến, anh dần dần từ bỏ được ma túy, trở về hòa nhập cộng đồng. “Tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ là hãy từ bỏ ma túy, từ bỏ thói hư tật xấu, làm lại cuộc đời, trở thành người tốt của gia đình và xã hội”, anh Q. nói. Khi được hỏi về nguyện vọng hỗ trợ, anh Q. thật lòng cho hay, hiện bản thân anh đã có công ăn việc làm ổn định, muốn nhường sự hỗ trợ ấy cho các bạn trẻ đang nỗ lực quay về nẻo thiện.

Cũng từng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng hiện tại Lê Nhật Tr. (SN 1990, trú tổ 61) đã làm lại cuộc đời với công việc kinh doanh cà-phê, giải khát. Tr. muốn vay vốn để mở rộng kinh doanh. Nguyện vọng ấy của Tr. cũng đã được địa phương đồng ý và liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cẩm Lệ làm hồ sơ vay vốn.

Nhiều em thuộc diện thiếu niên hư, vi phạm pháp luật được cảm hóa, quay lại trường học, hoặc học nghề có nguyện vọng hỗ trợ xe đạp đi học cũng đã được đại diện ngành lao động-thương binh và xã hội quận tiếp nhận và cho biết sẽ hỗ trợ các em trong thời gian sớm nhất.

Bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết, để có được kết quả như trên là cả quá trình nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hiệu quả của các mô hình “Sẻ chia” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, “CLB Giúp nhau cùng tiến” ở khu dân cư, “CLB Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng”... “Thông qua các mô hình này, ngay từ ban đầu, chúng tôi đã lên danh sách và phân công các hội đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, cảm hóa, phối hợp với lực lượng công an, cán bộ chuyên trách, khu dân cư, tổ dân phố cùng với gia đình động viên, giúp đỡ các em tiến bộ”, bà Thủy nói thêm.

Ông Đoàn Văn Lai, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 3, đồng thời là Chủ nhiệm CLB “Giúp nhau cùng tiến khu dân cư số 3”, phường Hòa An cho hay, mối quan hệ giữa các thành viên trong CLB, đặc biệt là bí thư chi bộ với gia đình có người vi phạm pháp luật rất thân thiết nên thường xuyên gần gũi, trò chuyện, động viên gia đình vượt qua khó khăn, khuyên nhủ đối tượng hoàn lương, từ bỏ thói hư tật xấu. “Chỉ có sự chân thành, xuất phát từ cái tâm của những người làm công tác này mới giúp các đối tượng sớm nhận ra lỗi lầm và quay về nẻo thiện”, ông Lai chia sẻ.

Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, những cách làm cũng như mô hình phường Hòa An áp dụng cho thấy nỗ lực của địa phương trong quản lý giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, sử dụng trái phép chất ma túy. “Chúng tôi mong muốn địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm; duy trì các buổi đối thoại, gặp mặt và có sự hỗ trợ kịp thời đối với những đề xuất chính đáng của đối tượng quản lý, quan tâm hỗ trợ tạo việc làm cho các em, phân công cán bộ đoàn thể kèm cặp, giúp đỡ từng trường hợp để các em thấy rằng chính quyền luôn quan tâm, đồng hành cùng với các em, giúp các em ngày càng tiến bộ”, ông Hùng cho biết thêm.

Theo bà Lê Thị Ngọc Thủy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phân công các hội, đoàn thể cùng với CLB Giúp nhau cùng tiến ở khu dân cư theo dõi, quản lý, giáo dục và cảm hóa thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng để có phương pháp giáo dục hiệu quả nhất, tạo điều kiện để các đối tượng này tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt đối với các trường hợp thực sự tiến bộ, trải qua thời gian thử thách, địa phương sẽ có sự hỗ trợ để giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thống kê trong 3 năm kể từ thời điểm triển khai thực hiện Chỉ thị 37-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Công an phường Hòa An đã đưa 290 đối tượng lên trụ sở thử test ma túy, phát hiện 130 đối tượng dương tính, lập hồ sơ đưa 41 đối tượng cai nghiện tại cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Riêng trong năm 2017 đã xử phạt hành chính 34 đối tượng, lập hồ sơ đưa 9 đối tượng đi cai nghiện tập trung. Cũng từ đầu năm đến nay, qua công tác quản lý thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật theo Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Công an phường đã phát hiện 10 trường hợp vị thành niên vi phạm pháp luật, xử phạt hành chính 6 trường hợp, lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng 1 trường hợp, đưa vào diện quản lý, giáo dục tại xã, phường 3 trường hợp.

Bài và ảnh: NAM TRUNG

;
.
.
.
.
.