KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Đề nghị xem xét lại chính sách thu tiền sử dụng đất đối với hộ tái định cư

.

Ngày 1-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét lại chính sách thu tiền đất đối với các hộ tái định cư. Ảnh: PHẠM HỮU HOA
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét lại chính sách thu tiền đất đối với các hộ tái định cư. Ảnh: PHẠM HỮU HOA

Đề cập về chính sách đền bù giải tỏa mà ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đã tranh luận với ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) vào ngày 31-10, Trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang cho biết, cử tri Đà Nẵng đề nghị QH và Chính phủ xem xét lại chính sách thu tiền đất đối với các hộ gia đình tái định cư, với mong muốn Chính phủ có quyết định kịp thời, hợp lòng dân.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, 20 năm qua, thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, hơn 110.000 hộ gia đình ở Đà Nẵng dù không muốn nhưng vì lợi ích chung đã chấp nhận bàn giao đất đai của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại bao đời nay để di dời đến khu tái định cư mới. 

Trong đó, có gần 8.000 hộ khó khăn, hầu hết những hộ này là gia đình chính sách, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo, không có đủ điều kiện để trả tiền đất tái định cư ngay khi nhận đất, bởi giá bồi thường, hỗ trợ cũng chỉ đủ để xây dựng nhà cửa tại nơi ở mới. Họ được Nhà nước cho nợ tiền đất trong 5 năm, 10 năm.

Thời gian cho nợ tiền sử dụng đất đến ngày 31-12-2017 là hết hạn. Theo quy định, từ ngày 1-1-2018, người dân phải trả tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm trả nợ và số tiền lúc này sẽ tăng lên từ 3 đến 5 lần so với số tiền nợ trước đây.

Điều này làm cho người dân hết sức lo lắng, khó khăn chồng chất bởi một lần đã khó, nay tăng lên gấp nhiều lần, họ không lấy đâu ra tiền để trả nợ. Do đó, ĐB kiến nghị QH, Chính phủ xem xét lại quy định này, tính toán thật kỹ khả năng trả nợ của người dân, bởi cử tri Đà Nẵng cho rằng tích lũy của họ hằng năm cũng chỉ trả được từ 5-7% và như vậy phải tích cóp từ 15 năm đến 20 năm mới đủ sức trả hết nợ tiền sử dụng đất cho Nhà nước.

Trước mắt, ĐB đề nghị QH, Chính phủ cho người dân được gia hạn thêm từ 3 tháng đến 6 tháng nữa mới trả nợ. Không chỉ có 8.000 hộ dân Đà Nẵng mà chắc chắn còn hàng chục ngàn hộ dân ở các tỉnh, thành khác có tình trạng tương tự đang trông chờ quyết định này của QH và Chính phủ.

Trước đó, tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐB Nguyễn Thanh Quang đánh giá cao những thành tích mà báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, trong đó quan trọng nhất là 13/13 chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 đều có khả năng đạt và vượt, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP.

ĐB khẳng định, điều này cho thấy tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5 (khóa XII) đã từng bước đi vào cuộc sống, những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua là đúng hướng, những cam kết về “Chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ” đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nhờ đó, đã tạo được luồng sinh khí mới giúp ổn định môi trường vĩ mô, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, phát huy được sức mạnh tổng hợp của đất nước để phát triển.

Đề cập vấn đề văn hóa, ĐB Nguyễn Thanh Quang cho rằng văn hóa là gốc, là nền tảng của đạo đức con người, đạo đức xã hội. Thực trạng đạo đức xã hội, đạo đức con người đang có biểu hiện xuống cấp, hiện tượng giết người để cướp của, con giết cha, vợ giết chồng; người dân khi bất đồng thì dùng dao, súng đâm chém, bắn giết lẫn nhau... để giải quyết đã xuất hiện.

Điều đó làm cho xã hội bất an, người dân nhiều lo lắng. Tuy nhiên, theo ĐB, báo cáo của Chính phủ gồm 50 trang, nhưng chỉ có 10 dòng viết về văn hóa, trong đó phần đánh giá năm 2017 có 6 dòng 96 từ và phần phương hướng năm 2018 có 4 dòng 68 từ.

Những dòng, những từ đó cũng chỉ lướt qua một vài con số, nhắc đến một vài phong trào, không hề nói đến những vướng mắc, khó khăn, những gì đã làm được, những gì cần phải tập trung giải quyết để qua đó đạt được mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. ĐB đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư, giải quyết những vấn đề liên quan đến văn hóa và trong những năm sau cần báo cáo rõ nội dung này.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, nước ta hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11% dân số, trong đó từ 80 tuổi trở lên có 2 triệu người. Khoảng 65% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. 

Những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa người dân có khoảng 10 năm sống không khỏe. Người cao tuổi Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp…

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu. Đa số người cao tuổi gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn, cung ứng việc làm, chưa có cơ sở vật chất bảo đảm người cao tuổi có điều kiện sống vui, sống khỏe...

Điều này đặt ra những thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. ĐB cho rằng, chăm lo cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng xã hội mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc Việt Nam. ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị Chính phủ có những chính sách và giải pháp giải quyết thật tốt vấn đề này.

Xử lý triệt để 12 dự án thua lỗ

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết như vậy khi giải trình về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong xử lý giải quyết 12 dự án thua lỗ và các dự án khác có khả năng phát sinh thua lỗ trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước sáng 1-11.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 12 dự án này có nội dung rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau và phần lớn đều có những vấn đề mà nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan.

Để giải quyết tồn đọng của các dự án này, bảo đảm hiệu quả trong quản lý Nhà nước và nguồn lực của Nhà nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, phải làm một cách đồng bộ, đánh giá lại toàn bộ một cách hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và hướng giải quyết.

Theo chinhphu.vn

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.