Triển khai đề án Sữa học đường 2018-2020: Còn nhiều băn khoăn

.

Ngày 31-10, Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức hội nghị triển khai đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020. Đề án lần này có quy mô rộng hơn và mục tiêu bảo đảm 100% trẻ mầm non được uống sữa miễn phí hoặc phụ huynh đóng góp một phần. Tuy nhiên, để triển khai đề án vẫn còn không ít băn khoăn.

Trẻ em tại một cơ sở bảo trợ ở Đà Nẵng được uống sữa miễn phí.  					          	              Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Trẻ em tại một cơ sở bảo trợ ở Đà Nẵng được uống sữa miễn phí. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Chất lượng bữa ăn chưa bảo đảm

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Mầm non thuộc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, phụ huynh vẫn đang đóng tiền sữa nằm trong tiền ăn cho con, nhưng khi thực hiện đề án Sữa học đường, Nhà nước sẽ hỗ trợ 22%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% số tiền này.

“Chúng tôi thấy trong một trường mầm non sử dụng đến 4-5 loại sữa, điều này có an toàn cho trẻ hay không và cơ thể trẻ có thể tiêu hóa hết các loại sữa đó hay không là một vấn đề. Kiểm tra thực tế mới thấy chất lượng bữa ăn cho các con trong các cơ sở giáo dục mầm non, kể cả tư thục và công lập hiện nay không bảo đảm tiêu chuẩn khẩu phần ăn mà bố mẹ đóng góp. Vì vậy, chương trình Sữa học đường sẽ hỗ trợ phần nào vi chất cho con trẻ hằng ngày theo chiến lược dinh dưỡng quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt”, bà Tú nói.

Được biết, trước đó, Sở GD-ĐT đã triển khai đề án “Sữa học đường, giai đoạn 2016-2017” trên địa bàn thành phố nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ mầm non. Qua đó, có khoảng 19.000 trẻ mầm non thuộc 16 phường, xã khó khăn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ uống sữa miễn phí với tổng kinh phí 21 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2018-2020, thành phố tiếp tục triển khai cho trẻ uống sữa với quy mô rộng hơn và hầu hết trẻ được uống sữa miễn phí và uống sữa theo từng mức đóng góp của cha mẹ. Mục tiêu của chương trình là 100% trẻ ở nhà trẻ, mẫu giáo toàn thành phố được uống sữa tại đơn vị 5 lần/tuần và phấn đấu đến năm 2020, trẻ mầm non suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi không quá 1%. Khoảng 60.000 trẻ được hưởng thụ đề án Sữa học đường 2018-2020. Kinh phí thực hiện gần 243 tỷ đồng.

Nên giao cho trường ký hợp đồng với công ty sữa?

Theo đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020, sẽ có 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách với các mức hỗ trợ khác nhau. Cụ thể: nhóm 1 (trẻ mầm non thuộc diện hộ nghèo, mồ côi cha hoặc mẹ) sẽ được hỗ trợ 100% từ ngân sách và công ty sữa; nhóm 2 (trẻ mầm non thuộc diện hộ cận nghèo, gia đình chính sách, có cha hoặc mẹ làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất) sẽ được hỗ trợ 90% từ ngân sách và công ty sữa, phụ huynh đóng góp 10%; nhóm 3 (trẻ mầm non ngoài nhóm 1 và 2) sẽ được hỗ trợ 42% từ ngân sách và công ty sữa, phụ huynh đóng góp 58%.

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho rằng, đối tượng nghèo và cận nghèo thay đổi liên tục. “Tháng này không nghèo nhưng tháng sau có thể nghèo và số lượng hộ nghèo có thể thay đổi phát sinh từng tháng. Bởi vậy, ngành Giáo dục phải thường xuyên phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội để có con số chính xác. Nhà trường là đơn vị biết số lượng và loại sữa trên cơ sở nhu cầu thực tế, do vậy, nên để nhà trường ký hợp đồng với công ty sữa”, ông Nguyễn Đắc Xứng nêu ý kiến

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cũng cho rằng, nên để các trường chịu trách nhiệm ký hợp đồng trực tiếp, thanh quyết toán với công ty sữa, bởi nhà trường mới nắm được số lượng tăng, giảm theo từng đối tượng, theo từng tháng. “Tiền sữa phụ huynh phải nộp hằng tháng chứ không thu theo học kỳ hoặc hằng quý. Việc bảo quản chất lượng sữa cũng cần được quan tâm và phải bảo đảm đủ cho các cháu uống đúng giờ, khoa học”, ông Sơn nói.

Bà Lê Thị Thu Nguyên, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Bạn của Bé (quận Hải Châu) cho biết, trước đây (giai đoạn 2016-2017), thực hiện thí điểm mà nguồn sữa đã đứt, có ngày không có sữa, có ngày các cháu được uống 2 hộp/cháu. “Bây giờ chọn 1 đơn vị cung cấp sữa thôi thì liệu đơn vị đó có bảo đảm nguồn cung ổn định hay không; công tác quản lý và bảo quản như thế nào?”, bà Thu Nguyên băn khoăn; đồng thời cần yêu cầu công ty cung cấp sữa thực hiện nghiêm việc bảo đảm số lượng và chất lượng sữa và nên giao cho các trường tự ký hợp đồng cũng như tự thanh toán.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, phải là những hãng sữa có uy tín mới được chọn để cung cấp. Sở sẽ tổ chức đấu thầu công khai, cạnh tranh; qua đó giá sữa sẽ được giảm.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.