Chậm trình Quốc hội các dự án luật: Trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành

.

Giải pháp đảm bảo tiến độ xây dựng dự án luật, pháp lệnh, tránh tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật; nguyên nhân tình trạng “nợ,” chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; biện pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật... là những nội dung được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) sáng 19-3.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tại phiên chất vấn, hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn” (hỏi không quá 1 phút, đáp không quá 3 phút), các đại biểu chỉ nêu 1 câu hỏi và bộ trưởng trả lời ngay nên đã giúp nhiều nội dung được thông tin mạch lạc.

Về tình trạng một số dự án luật, pháp lệnh phải thay đổi, đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ, nguyên nhân là khi lập đề nghị đưa các dự án vào chương trình, nhiều cơ quan chưa trù liệu hết những khó khăn, chẳng hạn như Luật Quy hoạch kéo theo việc sửa đổi, bổ sung 25 luật khác nhau, chưa kể những luật mà Chính phủ đề nghị bổ sung.

Bên cạnh đó, số lượng các dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình trong thời gian qua rất lớn, trong khi quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ngày càng chặt chẽ. Đáng chú ý, về mặt chủ quan, một số lãnh đạo của các cơ quan, ban, ngành chưa chú trọng và quan tâm đầy đủ đến công tác này.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp chủ động làm sớm việc rà soát các nguồn, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đầy đủ theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thẩm định. Đặc biệt, các bộ, ngành cần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trả lời Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Trần Quang Chiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, luật đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy trình đánh giá tác động chính sách; lập đề nghị đưa dự án luật vào chương trình. Bộ trưởng cho rằng, các bộ, ngành cần thay đổi, tư duy, cách thức tham mưu trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xem xét việc lập đề nghị đánh giá việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề cập đến tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ trình QH quá chậm so với yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, ảnh hưởng đến việc thẩm tra của các cơ quan.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, có trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành khi trình hồ sơ dự án luật không đúng tiến độ, không bảo đảm quy trình. Thực tế, QH đã có nghị quyết liên quan đến xây dựng văn bản pháp luật.

Xét về trách nhiệm chính trị, việc chậm cũng là một yếu tố để các đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm với các Bộ trưởng đó. Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rất rõ các bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản, chịu trách nhiệm về việc trình không đúng thời hạn, không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng dự án luật. Chính phủ xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc, nhắc nhở các trưởng ngành trong các phiên họp của Chính phủ, công bố công khai các dữ liệu về văn bản pháp luật xây dựng chậm và nợ đọng.

Thừa nhận tình trạng “nợ,” chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật là có thực, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, nguyên nhân do số lượng văn bản quy định chi tiết rất lớn; trong khi đó, thời gian ban hành rất ngắn, thông thường chỉ khoảng 6 tháng từ khi luật, pháp lệnh được thông qua; đặc biệt, nội dung chi tiết giao cho Chính phủ rất nhiều, nhiều nội dung phức tạp...

Bộ trưởng Tư pháp nêu lên các giải pháp khắc phục tình trạng này. Cụ thể, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành năm 2015 về quy trình đánh giá chính sách, xác định rõ nội dung cần quy định chi tiết luôn trong luật, từ đó sẽ giảm được số lượng nội dung cần phải ban hành văn bản quy định chi tiết.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác góp ý thẩm định thuộc thẩm quyền. Trong trường hợp, một luật hoặc pháp lệnh có nhiều nội dung phải quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo thông qua Chính phủ mạnh dạn đề nghị QH cho kéo dài thời gian có hiệu lực. Thời gian tới, Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác của Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan thực hiện tốt công tác này.

B.T

;
.
.
.
.
.
.