Lối đi dành cho trẻ khuyết tật

.

Hiện Đà Nẵng có khoảng 2.700 trẻ khuyết tật với nhiều dạng tật khác nhau. Sự phát triển của y học những năm qua cùng với sự tiến bộ trong nhận thức của phụ huynh giúp nhiều trẻ được phát hiện sớm dị tật, có cơ hội chữa trị kịp thời và giáo dục sớm, đúng phương pháp, nhờ đó số lượng trẻ khuyết tật đến trường ngày một tăng. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất cho y tế (để can thiệp) và các trường chuyên biệt (cho giáo dục) còn nhiều hạn chế. Các bệnh viện, trường học ở Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực hết sức trong điều trị và giáo dục, giúp trẻ khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tiến tới có thể có việc làm để nuôi sống bản thân.

Kiểm tra khả năng nghe để điều chỉnh mức nghe máy trợ thính cho học sinh mầm non Trường Chuyên biệt Tương Lai do chuyên gia tổ chức Toàn cầu vì trẻ em khiếm thính (Global Foundation For Children With Hearing Loss) thực hiện.
Kiểm tra khả năng nghe để điều chỉnh mức nghe máy trợ thính cho học sinh mầm non Trường Chuyên biệt Tương Lai do chuyên gia tổ chức Toàn cầu vì trẻ em khiếm thính (Global Foundation For Children With Hearing Loss) thực hiện.

Bài 1: Cải thiện điều kiện can thiệp sớm

Số lượng trẻ khuyết tật (KT) ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của dịch bệnh, dioxin, lạm dụng thuốc tây và y tế phát triển nên việc phát hiện dạng tật cũng sớm hơn trước. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Đà Nẵng hiện có 2.679 trẻ KT (dưới 16 tuổi), trong đó có 882 trẻ dưới 6 tuổi. Cùng với sự gia tăng số lượng, cuộc sống ngày càng phát triển, các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến con cái, nhờ đó số trẻ KT đến trường ngày càng nhiều; đồng nghĩa với áp lực đang đè nặng lên các bệnh viện có khoa phòng can thiệp.

Tăng bệnh nhân và điều kiện chữa trị

Được thành lập vào năm 2013, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện (BV) Phụ sản – Nhi Đà Nẵng chỉ có 4 nhân viên, nay tăng lên 17, với 5 bác sĩ, 1 cử nhân điều dưỡng, 11 kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Hằng ngày, khoa tiếp nhận 120-180 bệnh nhân (BN) đến khám và điều trị. Trong đó, nhóm BN cần phục hồi chức năng âm ngữ trị liệu có đông người khám và điều trị nhất: BN bị sứt môi, hở vòm, gặp khó khăn về âm lời nói; trẻ tăng động giảm chú ý; nói lắp, ngọng và khiếm thính. Ngoài ra còn có trẻ KT vận động, bại não, với 90% trẻ KT vận động (bàn chân khèo) được điều trị hiệu quả từ khi mới vài ngày tuổi bằng phương pháp Ponseti.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tý, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, cho biết khoa nhận BN điều trị âm ngữ trị liệu từ 18 tháng đến 10 tuổi. “Giai đoạn vàng” để phát hiện và điều trị các khiếm khuyết chức năng của trẻ là từ 0-6 tuổi, trong đó đặc biệt quan trọng nhất là từ 0-3 tuổi, giai đoạn các giác quan phát triển nhanh, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ tốt nhất. Nhiều cha mẹ khi con 17-18 tháng mới phát hiện ra các khuyết tật về ngôn ngữ, độ nghe, thần kinh…, mới đưa con đến BV kiểm tra là khá sớm so với trước đây; nhưng vẫn không thiếu nhiều cha mẹ khi con 3, 4 tuổi mới cấp tập đưa đến bệnh viện.

“Hiện BV Phụ sản-Nhi có khoa phòng để phát hiện dị tật của em bé thông qua chẩn đoán sớm. Nếu phát hiện trẻ sứt môi, hở vòm, các bác sĩ chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt sẽ can thiệp trước, sau đó khoa Phục hồi chức năng sẽ tham gia vào quá trình can thiệp giúp em bé trở lại bình thường”, bác sĩ Tý nhấn mạnh.

Chị Lê Kim Hoàng, kỹ thuật viên trưởng khoa Nhi Ngôn ngữ trị liệu, BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng, cho biết từ hơn 20 BN ban đầu hồi khoa mới thành lập vào tháng 4-2014, đến năm 2017, khoa tiếp nhận điều trị cho 209 BN nội trú, 281 BN ngoại trú.

Ở đây cũng tiếp nhận BN nhỏ nhất là 18 tháng tuổi, với 75% là trẻ chậm phát triển trí tuệ (gồm tự kỷ, rối loạn đặc hiệu chức năng ngôn ngữ, hội chứng tăng động giảm chú ý, khiếm thính…). Theo nhận định của chị Kim Hoàng, số trẻ bị ảnh hưởng chức năng ngôn ngữ ngày càng tăng. “Khoa hiện có 2 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên phụ trách trị liệu vận động và 9 kỹ thuật viên trị liệu âm ngữ, ai cũng phải làm việc hết công suất.

Tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật

Bác sĩ Huỳnh Văn Tý vừa hoàn thành đợt bồi dưỡng kiến thức về âm ngữ trị liệu tại Úc. Điều làm ông “nóng ruột” nhất là hiện nay khoa Phục hồi chức năng đã quá tải 40% và hiện có 100-120 BN đang chờ bố trí lịch để được can thiệp do khoa không đủ nhân lực. Năm 2017, khoa khám và điều trị cho 18.300 lượt BN. Ông mong muốn khoa có thể nâng lên thành trung tâm, có chừng 10 bác sĩ và vài chục kỹ thuật viên.

Với khoảng 60% trẻ rối loạn phát triển ngôn ngữ có thể học hòa nhập đúng độ tuổi sau thời gian can thiệp tại bệnh viện, bác sĩ Tý thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện về can thiệp sớm và các dấu hiệu phát hiện KT ở trẻ cho giáo viên các trường mầm non, chủ yếu vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Khoảng tháng 3 tới, ông sẽ tiếp tục các buổi huấn luyện vào ngày cuối tuần cho các trường mầm non, các BV tuyến quận, huyện, hoàn toàn miễn phí. Cũng như các kỹ thuật viên của BV Phục hồi chức năng thường xuyên tập huấn công tác tuyến ở các phường thuộc các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Hải Châu, giúp phụ huynh và giáo viên phát hiện sớm dị tật ở trẻ.

Nếu như trước đây nhiều gia đình thấy con bị các dị tật vận động, khiếm thị, khiếm thính, down… sẽ xem đứa trẻ như người “bỏ đi”, phải phục vụ và sống phụ thuộc suốt đời; thì nay, với sự hỗ trợ của y tế, việc phát hiện sớm dị tật tạo cơ hội cho trẻ KT được chữa trị hay phục hồi chức năng, có thể học hòa nhập với trẻ bình thường và sống một cuộc đời bình thường như bao người khác.

Từ năm 2014, dự án “Nâng cao năng lực và tính bền vững trong phát hiện sớm và can thiệp sớm KT trẻ em tại Đà Nẵng” giai đoạn 2014-2016, với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, do Cơ quan viện trợ Ireland (Irish Aid) tài trợ thông qua Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (VietHealth) triển khai trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.

Qua đó tất cả trẻ em từ 0-6 tuổi ở hai địa phương trên được khám sàng lọc, đã phát hiện ra 231 trẻ KT cần được can thiệp sớm, trong đó có 61 trẻ cần phục hồi chức năng, 190 trẻ cần hỗ trợ giáo dục và 77 trẻ cần phẫu thuật chỉnh hình. Sau 2 năm triển khai đã có trên 80% trẻ KT phục hồi chức năng có tiến triển tốt.

Từ hiệu quả của mô hình này, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 8606/KH-UBND ngày 19-10-2016 về duy trì và phát triển mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ KT dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, đến nay có thêm trẻ ở các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ được sàng lọc để can thiệp sớm.

Thông tin từ Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, hiện các BV tuyến thành phố có khoa Phục hồi chức năng gồm: BV Phục hồi chức năng, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng, BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV C17, BV Phụ sản-Nhi, BV Tâm thần, BV Y học cổ truyền. Các BV đều tiếp nhận BN nhi đến điều trị, và đông nhất vẫn là BV Phụ sản - Nhi. Các BV tuyến quận không có chuyên khoa riêng mà gộp liên khoa Đông y - Phục hồi chức năng, tuy nhiên không có bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng nên BN nhi rất ít khi đến khám và điều trị.

Bài và ảnh: HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.
.