Rào cản vô hình

.

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Duy Tân, L. ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) nộp hồ sơ xin việc vào một khách sạn trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà). Chỉ sau một ngày gửi thông tin ứng tuyển lên trang web của khách sạn này, L. nhận được thư điện tử mời phỏng vấn. Tưởng mình may mắn, nhưng khi vừa bước vào phòng nhân sự của khách sạn, L. nhận ngay câu: “Xin lỗi, chúng tôi không tuyển dụng người khuyết tật (NKT)”…

Nạn nhân chất độc da cam làm việc tại cơ sở sản xuất hương thuộc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố.
Nạn nhân chất độc da cam làm việc tại cơ sở sản xuất hương thuộc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố.

Nhớ lại những ngày đi xin việc, L. tâm sự: “Nhiều lần bị từ chối ngay từ vòng đầu tiên khiến em vô cùng hụt hẫng và mất tự tin, đến nỗi có thời gian em ở nhà không dám đi đâu. Thông qua sự giới thiệu của Hội NKT thành phố, em được nhận vào khách sạn Sheraton ở quận Sơn Trà. Chưa đến một năm làm việc tại đây nhưng em đã hai lần được bình bầu là “nhân viên của tháng”.

Chia sẻ về những khó khăn của NKT khi xin việc làm, bà Đặng Hương Giang, cán bộ phụ trách lĩnh vực đào tạo và việc làm, thuộc Hội NKT thành phố cho biết, so với những năm trước đây, cơ hội có việc làm của NKT đã được cải thiện hơn, thêm nhiều ngành nghề để lựa chọn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp (DN) trực tiếp đến Hội đề nghị tiếp nhận NKT vào làm việc. Đến nay, Hội đã có khoảng 30 đầu mối công việc như vậy. Một số DN như: Chi nhánh Công ty TNHH phần mềm FPT Đà Nẵng, Công ty TNHH Tường Minh, Công ty TNHH Đá Chàm... không những chủ động tìm đến Hội để tuyển dụng NKT, mà còn sẵn sàng bỏ kinh phí đào tạo lại nếu NKT chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay từ đầu. Đặc biệt, các khách sạn lớn như Sheraton, Pullman, Mercure luôn chủ động “để dành” những vị trí phù hợp như: nhân viên công nghệ thông tin, nhân viên nhập liệu kho, kế toán... cho NKT.

Tuy nhiên, cũng theo bà Giang, nhìn chung trên thực tế số lượng NKT ổn định được công việc tại các DN còn khiêm tốn. Nguyên nhân chính vẫn là việc đi lại từ nhà đến chỗ làm quá khó khăn cho NKT. Cũng vì đi lại quá nguy hiểm nên chị Nguyễn Thị Thúy, một người khiếm thị từng làm việc tại cơ sở massage người khiếm thị quận Ngũ Hành Sơn vừa phải xin nghỉ việc và mở cơ sở tại nhà. Từ nhà đến chỗ làm dù chỉ chưa đầy 500 mét, nhưng do nhà chị ở bên này của đường Trần Đại Nghĩa, còn cơ sở massage lại nằm bên kia đường. Việc mỗi ngày mò mẫm qua đường trong khi đường này có nhiều xe tải lưu thông khiến chị không thể tiếp tục “đánh liều” tính mạng đến nơi làm việc.

Trong khi đó, anh Lê Văn Bình (ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu) dù đã được nhận vào làm ở cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ ở phường Hòa Hải, nhưng cũng đành bỏ ngang việc về nhà bán tạp hóa. Anh tâm sự: “Do làm việc ở đây không có công cụ hỗ trợ, nên NKT gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển các tượng đã qua chế tác để đưa vào phần làm nguội. Đó là chưa kể, xe buýt chỉ dừng ở đầu đường, tôi phải đi bộ gần 2 km nữa mới đến chỗ làm là quá xa”.

Theo ông Trương Công Khiêm, Chủ tịch Hội NKT thành phố, so với các địa phương khác trên cả nước, NKT ở Đà Nẵng có thuận lợi hơn trong việc mưu sinh. Ngoài mức hỗ trợ hằng tháng của thành phố cao hơn mức trung bình cả nước, NKT còn được cấp vé đi xe buýt miễn phí. Thế nhưng, mạng lưới xe buýt vẫn chỉ tập trung ở những tuyến đường trung tâm và cũng thiếu phương tiện nâng đỡ NKT lên xe. Điều này khiến NKT hiếm khi sử dụng đến những tấm vé xe buýt miễn phí đã được cấp. Ngoài ra, điều đáng buồn là trong lúc những quản lý người nước ngoài đang làm việc trong ngành du lịch rất ưu ái và sẵn sàng tuyển chọn NKT vào làm việc, thì ngược lại, những quản lý người Việt Nam gần như không muốn tiếp nhận NKT. Đây là những rào cản vô hình trên con đường tìm kiếm việc làm của NKT vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.