Cứu 3 ngư dân Đà Nẵng bị chìm tàu do ảnh hưởng bão số 3

.

ĐNO - Chiều 31-7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, toàn bộ 3 ngư dân của tàu cá ĐNa 90039 TS (quận Thanh Khê) bị sóng đánh chìm trong quá trình vào bờ trú bão đã được một tàu cá cứu vớt an toàn.

Hướng di chuyển của bão số 3 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương)
Hướng di chuyển của bão số 3 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương)

Theo đó, vào lúc 8 giờ 37 phút sáng 31-7, trong quá trình di chuyển vào bờ để tránh bão số 3, tàu cá ĐNa 90039 TS do bà Huỳnh Thị Phượng (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) làm chủ tàu, ông Nguyễn Văn Sáu (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) làm thuyền trưởng, đã bị sóng lớn do ảnh hưởng của bão đánh chìm ở khu vực cách bán đảo Sơn Trà khoảng 40 hải lý về phía đông bắc.

Trên tàu có 3 ngư dân và toàn bộ ngư dân đã được tàu cá PY 99555 TS (của tỉnh Phú Yên) cứu vớt an toàn, sức khỏe của các ngư dân bình thường.

Tính đến chiều 31-7, qua công tác kiểm đếm tàu thuyền của thành phố Đà Nẵng, hiện còn 46 phương tiện với 450 lao động đang hoạt động trên biển, nhưng không có tàu, thuyền nào đang hoạt động ở vùng biển nguy hiểm; có 24 phương tiện với 248 lao động đang hoạt động ở khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa, 4 phương tiện với 36 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa và 18 phương tiện với 166 lao động đang hoạt động ở vùng biển ven bờ Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Hiện tất cả phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã biết được vị trí, hướng di chuyển của bão số 3.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 13 giờ ngày 31-7, vị trí tâm bão số 3 đang ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 250km về phía đông với sức gió mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 24 giờ đến, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15km và có khả năng mạnh thêm. Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, đi vào Vịnh Bắc Bộ vào chiều 1-8 và đến vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng vào chiều 2-8 với gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5,5m; biển động rất mạnh. Từ sáng 1-8, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6 và tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12, sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh.

Từ chiều 1-8, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa dông kèm khả năng lốc xoáy và gió giật mạnh. Từ đêm 1-8 đến ngày 4-8, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn 200-400mm/đợt; ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa 50-150mm/đợt.

Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.