.
Chuyện làng báo

Kỷ niệm về một bài báo

.

Trong chiến tranh, những người viết và chụp ảnh (cả nhà văn lẫn nhà quay phim) đến công tác ở các địa phương và các đơn vị bộ đội đều được nhân dân và chiến sĩ gọi cái tên quý mến: nhà báo. Nhà báo được ưu tiên có một giao liên dẫn qua con đường độc đạo địch hay phục kích và gài mìn để đến nhanh nơi cần đến.

Nhà báo được các địa phương và các đơn vị cử người trực tiếp hướng dẫn đi lại, báo cáo cho nghe tình hình, thành tích địa phương hoặc đơn vị. Trong những trận đánh, nhà báo được đi theo chỉ huy sở để nắm tình hình, lấy tài liệu, chụp ảnh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Giữa tháng 5-1974, sau khi đi công tác một số nơi ở Quảng Đà, tôi về “chốt” tại C1 Điện Bàn. Tôi đến đây vì “đánh hơi” đơn vị này sẽ phối hợp với Mặt trận 4 đánh vào Khu dồn Điện Tân - Điện Nhơn sắp tới, tôi có thể đi với anh em vào khu dồn được. Đây là khu dồn và cơ quan hành chính lớn của địch ở khu vực này, có những tên ác ôn có cỡ, có hàng đại đội lính canh giữ.

Tại C1 Điện Bàn, tôi được Ban chỉ huy và các chiến sĩ rất quý trọng, lo cho tôi từng bát cơm, miếng cá khô, thức ăn ngon nhất mà đơn vị có được, kể cho tôi nghe chuyện đánh nhau, chuyện đời tư và đòi tôi chép những bài thơ tình của các nhà thơ mà tôi nhớ được vào những cuốn sổ tay vốn đặc những bài thơ, bài hát.

Đêm đó, đơn vị xuất phát. Mọi người rất náo nức, tôi cũng náo nức, chuẩn bị gọn gàng chiếc gùi có tăng, võng, bộ quần áo, quyển sổ và cây bút. Chợt một cậu tre trẻ trong Ban chỉ huy đại đội gọi tôi ra riêng một góc:

- Anh “nhà bố” (nhà báo), anh nên ở lại căn cứ. Đánh xong tụi em sẽ kể cho anh nghe, anh cần gì phải đi. Trận này căng lắm.

- Anh cần phải đi trận này, anh đến đây là để đi mà.

- Căng lắm anh ơi, anh ở nhà với mấy anh em ốm cho an toàn…

Tôi vừa “cự nự”, vừa năn nỉ rằng tôi sẽ ở ngay vị trí tập kết để quan sát, sẽ không vào khu dồn, hãy cho tôi đi, vì đây là lần đầu tôi tham gia một trận đánh lớn… Các em trong Ban chỉ huy hội ý rồi em ban nãy nói:

- Thôi được, anh sẽ ở tại nơi tập kết thôi nghe.

Đêm tháng năm đầy sao. Chúng tôi hành quân qua những bãi bói miên man của Gò Nổi. Trong đêm, tôi bất chợt nghe tiếng dòng sông Thu Bồn chảy âm âm rất gần đâu đây. Tới vị trí tập kết, em chỉ huy ban nãy chỉ vào một chiến sĩ trẻ, nói với tôi:

- Cậu liên lạc này sẽ đào một chiếc hầm cho anh và hắn ngồi chung. Khi có lệnh nổ súng, anh cứ ở yên đây nhé.

Tôi và cậu liên lạc ngồi dưới chiếc hầm một lúc thì nghe có tiếng “bục”, một phát pháo hiệu màu vàng chanh bay lên trời. Có lệnh khai hỏa rồi. Tôi vọt lên khỏi hầm thì cậu liên lạc níu lại:

- Anh “nhà bố” ở lại đây, các anh chỉ huy biểu vậy, anh không được vào khu dồn. Cậu ta nói xong, vọt tiến về phía trước, bỏ một mình tôi lại sau.

Vừa lúc ấy, tôi thấy một chiến sĩ trẻ bị thương ở tay đang ì ạch kéo khẩu trung liên. Tôi nói với cậu ta:

- Để anh vác hộ cho, anh em mình cùng vào khu dồn.

- Không được, anh “nhà bố” vào đó nguy hiểm lắm. Nó đang bắn dữ dội phía lô cốt kia kìa.

Đang giằng co, bỗng tôi nghe một tiếng nổ lớn, lửa hực lên xanh lè ở phía lô cốt địch. Tiếng súng câm lặng từ phía đó. Anh em chiến sĩ đang nằm vụt nhổm dậy ào vào khu dồn. Tôi cũng băng theo…

- Ớ, sao anh lại vào đây - cậu chỉ huy trẻ bảo tôi - Bây giờ chúng đang dập pháo quanh khu dồn. Thôi anh đã vào thì ở lại, lúc nào tụi em tảo trừ xong sẽ cùng ra, bây giờ mà ra thì…

Vừa lúc đó, một cán bộ Mặt trận 4 đến bàn với cậu ta:

- Chúng đang phản kích, có tin là sẽ đưa quân và xe tăng từ Đà Nẵng vào, các anh tìm cách đưa thương binh và tù binh địch ra.

- Ai đưa đây, anh em ta bận tảo trừ mà. Cậu chỉ huy trẻ nói.

- Tôi đi cho. Tôi bảo.

- Anh “nhà bố” ơi, em đã bảo bây giờ chúng dập pháo bên ngoài dữ lắm, anh không ra được đâu (chúng không bắn pháo vào khu dồn vì sợ trúng lính của chúng và trúng dân).

- Là nhà báo, tôi cũng là người lính chớ, cậu để tôi đi cho.

Nằn nì mãi lại không có ai làm việc này, các đồng chí chỉ huy cũng đồng ý cho tôi đưa thương binh ta và tù binh địch ra nơi an toàn. Họ dặn tôi, khi đã ra, cứ ở luôn lại căn cứ, không vào khu dồn nữa.

Tôi được giao độ mươi thương binh nhẹ, đi lại được (các đồng chí bảo số thương binh nặng và số hy sinh có ít thôi, khi chiếm lĩnh xong trận địa sẽ đưa ra sau) và khoảng 50, 60 tù binh ngụy. Tôi cho tập hợp thành một hàng, cầm khẩu AK của một thương binh lên đạn cái “rốp” nói:

- Tôi để một thương binh đi đầu dẫn đường, sau đó đến đoàn tù binh, tiếp là các thương binh, tôi đi sau cùng. Các anh đi trật tự. Nếu có pháo dập gần thì nằm xuống, xong lại đi, không được nhốn nháo. Tù binh nào lợi dụng lúc lộn xộn bỏ chạy sẽ bị bắn.

Có lẽ do “uy” của quân giải phóng chúng ta nên đoàn tù binh ngụy được anh em thương binh và chúng tôi đưa ra an toàn trong tiếng gầm của đại bác.

Đến vị trí tập kết, tôi gặp hai chiến sĩ của Mặt trận 4. Tôi giao thương binh ta và tù binh ngụy cho họ rồi định quay vào. Một chiến sĩ đang nói gì trong ống nghe quay lại bảo tôi:

- Anh nhà báo, thủ trưởng mời anh đến sở chỉ huy.

Tôi lại theo người chiến sĩ nọ đi miên man trong rừng bói Gò Nổi. Trời sáng dần. Tiếng pháo vẫn gầm vang. Phía xa có tiếng động cơ rú. Người chiến sĩ đưa tôi đến một chiếc lều mắc bằng ni-lông dưới một lùm tre. Chủ lán, một người cao to, vui vẻ bước ra:

- Anh vừa đưa thương binh ta và tù binh địch ra hả? Nhà báo cũng là chiến sĩ mà.

Ông vừa nói vừa cười rồi với lấy chiếc bình đông nhôm rót vào một chén nhựa mời tôi uống trà. Đó là Thượng tá Phan Hoan, Chỉ huy trưởng Mặt trận 4, sau này là Trung tướng Tư lệnh Quân khu 5. Giữa lúc ấy có tiếng reo từ máy điện thoại. Ông cầm máy nghe rồi nói:

- Chúng phản kích, đưa viện quân và xe tăng vào. Ta phải vừa đánh xe, diệt viện vừa phải đưa đồng bào trong khu dồn đến chỗ an toàn. Xin phép anh nhà báo…

Ông tiếp tục cầm máy chỉ huy trận đánh…

Một tiếng sau, ông bỏ máy, nói với tôi:

- Chúng rút rồi. Ta diệt và bắt sống 6 xe tăng. Nhà báo cùng tôi xuống với anh em đi.

Chúng tôi xuống trận địa. Những chiếc xe bị ta bắn hỏng còn bốc cháy… Các chiến sĩ mặt mày đen nhẻm, đầm đìa mồ hôi, đang ngồi xẻ những vắt cơm ra ăn. Mấy cậu ở C1 chỉ tôi thầm thì với nhau:

- Anh “nhà bố” này cũng được, dám vô khu dồn lúc ta đánh vào, dám đưa tù binh địch và thương binh ta ra khi địch bắn pháo phản kích chung quanh…

- Tạm, tạm, lắm anh còn sợ mất nơi đội mũ lắm.

- Thì cũng có thể chơi được.

Một anh mặt mày đen như quệt lọ nồi gọi tôi:

- Anh “nhà bố” ơi, sao anh không có máy ảnh gì cả, tụi em bắt sống xe tăng đây, làm sao chụp được để lên báo…

Một anh khác vừa giở vắt cơm lên vừa cười:

- Ăn cơm với tụi em đi, em sẽ kể chuyện tụi em bắt bọn ác ôn trốn chui trốn nhủi thế nào, có đứa đã vãi ướt đũng quần đấy…

Suốt ngày hôm đó, cùng mấy ngày sau tôi đi khắp các đơn vị, gặp các chiến sĩ, nghe kể chuyện rồi viết lại những điều tai nghe mắt thấy, gửi theo đường giao liên cho Báo Giải phóng Quảng Đà. Sau này mới biết, độ nửa tháng sau, Báo Cờ giải phóng Quảng Đà đã đăng bài báo của tôi, một bài báo liên hoàn gồm nhiều chuyện nhỏ kể về những gương chiến đấu, những chiến sĩ bắt sống và bắn cháy xe tăng, về chuyện ta truy tìm bọn ác ôn… Đấy là bài báo dài nhất của tôi kể từ khi tôi cầm bút. Nó chiếm nửa số báo (2/4 trang). Cũng sau này về tới Khu, tôi được biết thêm, một tháng sau đó, Báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ lại in lại bài này. Có một bạn cùng cơ quan bảo tôi, nó đã được Đài Giải phóng đọc hai đêm liền. Không biết có đúng như vậy không, bởi sau trận đánh khu dồn Điện Tân - Điện Nhơn, tôi lại bám theo một đơn vị bộ đội Duy Xuyên cứ đánh nhau hết trận này đến trận khác, có được đọc báo, nghe đài gì đâu…

THANH QUẾ

;
.
.
.
.
.