.
Loạn "thần y"

Bài 1: Điểm mặt các "thần y" dỏm

.

Được sự giới thiệu của nhiều người, chúng tôi đã thâm nhập những cơ sở chữa bệnh “chui” của các “thần y” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu thực hư.

Bà Trần Thị Hường khám bệnh cho một bệnh nhân.                                                                              Ảnh: K.N
Bà Trần Thị Hường khám bệnh cho một bệnh nhân. Ảnh: K.N

“5 cái ung thư cũng bớt chứ đừng nói 1”

Con đường đất ngoằn ngoèo đưa chúng tôi dừng chân trước căn nhà hai tầng bề thế đang xây dang dở ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. “Thần y” Hường (tức bà Trần Thị Hường, 46 tuổi) mặc bộ đồ bộ thun màu xanh ngồi trên giường thấy chúng tôi thì than thở: “Các em chữa bệnh hả, vào đây. Chị vừa đi Phan Thiết về, mệt quá chừng. Khám cho 30 người. Ung thư đủ thứ kiểu”. Bà đưa ra 2 - 3 tờ giấy khổ A4 trông nhàu nát ghi tên các bệnh nhân với đủ bệnh: u dạ dày, gan, tiểu đường… Rồi bà hỏi: “Em đau sao?”. Cô bạn tôi nhăn mặt: “Em bị đau khớp. Nhức quá!”. Bà Hường phán ngay: “Ừ, em để lâu ngày là thoái hóa, dẫn đến ung thư luôn đó (?!). Em đi chụp phim rồi về chị cho thuốc uống”.

“Thuốc của chị lấy ở đâu mà hiệu quả vậy”, tôi hỏi. “Thuốc này do chị tự bào chế. Nguyên liệu lấy từ Việt Nam có, Đức có. Chị có người bạn bên Đức mà. Mỗi bài thuốc chị kết hợp 2, 3 loại nguyên liệu vậy đó. Thực tế chị cũng không biết mình làm gì. Nói chữa thì cứ chữa vậy thôi”, bà Hường bộc bạch. Bà cho biết, cứ một bệnh thì nộp khoảng 4 triệu đồng để lấy thuốc trong vòng vài tháng là khỏi. Nếu ung thư thì tăng số thuốc lên gấp đôi và tiền tất nhiên cũng theo đó tăng lên.

Vừa lúc đó, hai người trung niên - một nam một nữ bước vào. Người đàn ông hỏi: “Tụi em ở Đà Nẵng. Ông anh em có u nằm bệnh viện. Chị cho ổng thuốc để uống được không?”. Bà Hường tỏ vẻ lo lắng: “Nằm đó vô đạm vô đường miết là mau chết lắm. Tế bào ung thư sống trong môi trường đó mà. Tui chữa nhiều rồi tui biết. Cho ổng về nhà đi rồi lấy thuốc uống là khỏi. Tui điều trị 5 cái ung thư cũng bớt chứ đừng nói 1 cái”. Xong bà quay sang cười với chúng tôi: “Chị có biết điều trị bệnh đâu. Cho uống đại rứa thôi (?!). Chỉ cần xem bệnh án là chị cho thuốc, không cần đưa người bệnh đến. Thuốc này như nước sâm, rất dễ uống. Mà cũng có người chỉ tay ngắn quá, tới “số” rồi thì chị cũng không cứu kịp”.

Trò chuyện với một người ngồi chờ lấy thuốc, ông này cho biết ở Quảng Trị, vào Đà Nẵng gần một tháng để chữa bệnh cho em gái bị ung thư gan và ung thư vú. “Cũng chẳng biết là bà chữa khỏi hay không, nhưng còn nước còn tát. Chữa hai tháng bà nói hết mười mấy triệu đồng. Thôi thì đành chịu, mà bệnh ung thư thì tiền bao nhiêu cho phỉ”, ông này nói

Theo điều tra của chúng tôi, bà Hường trước đây làm nghề kinh doanh nước rửa chén, hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên đã đóng cửa. Sau đó, bà tuyên bố đã sáng chế thuốc và chữa lành bệnh cho nhiều bệnh nhân ung thư ở các tỉnh miền Trung dù không có bằng cấp chuyên môn nào về y dược.

Uống thuốc không cần… toa

Bước vào căn nhà khá khang trang của thầy Thành, chúng tôi gặp vài người ngồi chờ phía ngoài. Rồi chúng tôi vào căn phòng chật chội, ngột ngạt bởi đủ đồ đạc lỉnh kỉnh, thấy có khoảng hơn 6 người nằm, ngồi đủ kiểu đang được thầy “chữa” bệnh. Không áo blouse trắng, không biển hiệu, thầy Thành mặc chiếc áo thun xanh, quần thể dục ngồi bệt giữa đất, vừa chữa bệnh vừa nói đủ thứ chuyện. Thấy chúng tôi đến, thầy cảnh giác: “Ai mách mấy đứa đến đây chữa bệnh? Một đứa chữa hay hai đứa chữa?”. Rồi thầy hỏi kỹ về gia cảnh, thân thế… Sau một hồi, dường như đã tạm tin, thầy không hỏi nữa.

Trên tấm phản là cụ bà gần 80 tuổi nằm truyền bình dịch màu vàng vàng. Hỏi chuyện, cụ bảo nhà ở quận Sơn Trà, bị thiếu máu nên chữa ở đây hơn một tháng rồi, thấy cũng ổn. Khi được hỏi có biết được truyền bình dịch gì không, cụ lắc đầu: “Tôi hổng biết bình dịch chi, ổng bảo làm sao thì làm vậy thôi”. Dưới nền nhà, thầy Thành dùng ống kim tiêm lấy máu ở tĩnh mạch của một phụ nữ rồi chích vào một bên mông…

Đến lượt cô bạn của tôi, thầy bắt nằm xuống vén lưng áo lên. Thầy hỏi đau gì, bạn tôi trả lời “đau lưng”. Chỉ cần nhìn thoáng, thầy “phán”: “Bình thường người khác không bao giờ thấy được, chỉ thầy mới thấy. Đấy, sưng to ghê chưa. Lưng đau ghê gớm là đúng, đây chỗ này đau nhất phải không (ấn vào phía dưới lưng). Bệnh này mi vô Bệnh viện C17 mổ mất khoảng 100 triệu đồng đấy! Đến đây tao làm y như chị gái lúc nãy, chỉ khoảng 3 lần là xong”. Nghe xong, bạn tôi toát mồ hôi vì mới đi bệnh viện khám tổng thể thì không hề bị bệnh gì. Cô bạn chưa kịp định thần thì thầy bảo: “Mặc quần chật thế làm sao tao khám chân được. Lần sau mặc quần lỏng thôi, tao làm cho khỏi 70% bệnh khớp…” (!?).

Trong lúc thầy chữa bệnh, vợ thầy ở phòng ngoài luôn dõi mắt vào buồng bệnh. Vài ba “phụ tá” (nghe nói là cháu ở quê lên phụ việc) cũng luôn đảo mắt… canh chừng. Trong lúc đó, thầy mở cửa thông với phòng bên cạnh, một căn phòng tối bưng. Khi thầy vừa hé cửa, tôi thấy mờ mờ bên trong cơ man nào là các loại thuốc để thành từng bọc lớn nhỏ. Sau khi chỉ dẫn cho mấy người cháu lấy các loại thuốc, thầy tiếp tục khám cho đôi nam nữ và bảo chúng tôi ra ngồi chờ. Một lúc sau, cháu của thầy cầm ra một bịch thuốc đông y gồm 6 bao giấy để xuống bàn rồi bảo: “750.000 đồng”. Cô bạn tôi cự lại: “Tôi bị đau lưng thì uống thuốc chi? Uống thuốc chi hết bệnh thì uống. Nếu uống thuốc bổ thì không uống đâu”. Vừa nghe tranh cãi, thầy liền chạy vội ra, đổi giọng: “Đây là thuốc vừa trị bệnh vừa bổ, ưng thì uống không thì thôi, không kê thuốc uống để chết đâu mà lo. Tao nói ngay từ đầu thế rồi. Được chưa! Ưng 750.000 đồng lấy về uống 6 ngày sau đến tiếp, không thì nghỉ đi để tao làm cho người khác”. Cô bạn tôi giả vờ thắc mắc: “Sao thuốc không có toa ạ? Làm sao biết những loại gì, uống thế nào?”. Người cháu thầy tỏ vẻ thông cảm: “Bốc thuốc ở đây đâu ai lấy toa. Nếu chị an tâm thì chữa, không thì thôi, không nói lăng nhăng chi hết. Lo quá, chưa hết bệnh chính không chừng thêm bệnh phụ nữa…”.

Theo nguồn tin của chúng tôi, ông Thành dù chưa có bằng cấp chuyên môn, chỉ chữa bệnh theo kinh nghiệm bản thân nhưng lại được ký quyết định làm Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Hải Châu (?!).

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược (Sở Y tế Đà Nẵng) - khẳng định:  “Cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền của ông Thành và bà Hường đã bị đình chỉ hoạt động do chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn và các giấy tờ pháp lý liên quan đến hành nghề khám chữa bệnh. Việc những cơ sở này vẫn hoạt động như phản ánh là vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý”.

K.N - H.H


Việc dùng vài ba bài thuốc “thần kỳ” chữa khỏi nhiều chứng bệnh không chỉ có ở những “thần y” ở Đà Nẵng mà còn được quảng cáo bởi những “thần y” từ phương xa đến hành nghề tại các chợ.

Bài 2: “Thần y” xuống chợ

;
.
.
.
.
.