.

Đất lành

.

Không chỉ trải thảm đón nhân tài, Đà Nẵng còn là bến đỗ bình yên với người bình dân tứ xứ, những bước chân mưu sinh đã mỏi mệt ở nhiều miền quê muốn tìm một vùng đất để thực sự được an cư,
lạc nghiệp…

Chị Lê Thị Luyến bày tỏ nguyện vọng được mua chung cư, ổn định cuộc sống tại Đà Nẵng. 							                                  					Ảnh: Thanh Tân
Chị Lê Thị Luyến bày tỏ nguyện vọng được mua chung cư, ổn định cuộc sống tại Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Tân

Tìm đất lành làm tổ

Nhiều người nói rằng, không đâu nhiều người Huế như Đà Nẵng. Không biết nhận định đó có cơ sở hay không, chỉ biết, thi thoảng “lạc” vào một kiệt, xóm nào đó giữa phố thị đông đúc, bỗng dưng nghe toàn giọng nói “nằng nặng” từ “ngoài đèo”.

Xóm Huế ở tổ 78, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà là một ví dụ. Theo những người Huế sống lâu năm của xóm nhỏ này, hầu hết mười mấy hộ trong xóm đều là bà con họ hàng, “xa lắm” là người cùng làng dắt nhau từ vùng quê nghèo của Huế vào Đà Nẵng sinh sống từ những năm 1990.

Thời điểm đó, chỉ khoảng mươi người, đến nay, nhân khẩu tăng lên gần 100 người. Ông Hồ Văn Thảo, một trong những “tiền hiền” của xóm, chất phát kể, ngày đó, việc rời quê đến vùng đất mới là quyết định khó khăn, đầy mạo hiểm nhưng vì mưu sinh, và cũng vì lời rủ rê “Đà Nẵng dễ sống” của những người bạn nên ông bàn với vợ “quyết liều một phen”.

Dù lúc đó, vợ ông ra sức can ngăn với nhiều lý lẽ nào là “ở quê còn bám ruộng, bám đồng, ra phố biết làm cái chi mà ăn”… nhưng lòng ông Thảo đã quyết thì không đổi. Mới đó mà vợ chồng ông cùng họ hàng đã định cư ở Đà Nẵng ngót 30 năm, thân thuộc với từng con đường, ngóc ngách của thành phố, cuộc sống của họ phần lớn không quá dư dả nhưng khá ổn định, yên bình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người phụ nữ trong xóm Huế này đều mưu sinh bằng nghề bán bánh bao, bánh chưng và làm chả cá, còn đàn ông thì lao động phổ thông. Tiếng rao đêm “bánh bao đây…” đặc sệt Huế một thời trở nên thiết thân với những đứa trẻ Đà Nẵng quanh khu vực này.

Tổ 18, phường Thuận Phước (quận Hải Châu) lại là địa bàn quần cư của người Quảng Bình đã tìm vào Đà Nẵng để tránh các cuộc càn quét đẫm máu của thực dân Pháp từ những năm 1950-1952. Bà Trần Thị Huệ (51 tuổi) kể, ba mẹ bà người gốc ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, vào Đà Nẵng từ năm 1952. Bà Huệ sinh ra ở đây rồi nên duyên vợ chồng với một ngư dân người Quảng hiền lành, ổn định cuộc sống tại căn nhà cũ của ba mẹ gần 30 năm nay. Hiện chồng bà Huệ vẫn bám biển, còn bà buôn bán lặt vặt gần nhà, cuộc sống còn nhiều khó khăn song điều khiến bà Huệ cảm thấy được an ủi là hai con trai đã khôn lớn, học hành đầy đủ, nghề nghiệp ổn định.

Ở “xóm Quảng Bình” này, gia đình chị Nguyễn Thị Tuần thuộc hàng khấm khá với cửa hàng tạp hóa cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu từ bánh xà phòng, dầu gội đến quần áo bình dân… Chị Tuần bộc bạch, hồi những năm trước 1990, cuộc sống của gia đình chị cũng rất khó khăn, sau này nhờ chăm chỉ làm ăn, điều kiện kinh tế mới dần thay đổi. Và điều chị Tuần cũng như nhiều người Quảng Bình quyết neo lại mảnh đất này chính là tình người nơi đất khách. “Ở đây, không chỉ cùng người Quảng Bình mới tối lửa tắt đèn có nhau, mà những người Đà Nẵng, Quảng Nam sống xen kẽ cũng rất tình cảm khi mình sống mở lòng”, chị Tuần nhìn nhận.

Theo bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, những xóm người Quảng Bình, Huế trên địa bàn đã hoàn toàn hòa nhập. Trong mọi chủ trương, chính sách, hoạt động của địa phương chưa bao giờ có sự “phân biệt” với những xóm này. Bởi khi đã chọn Đà Nẵng là nơi lập gia, lập nghiệp, lao động cần mẫn, sống chan hòa, họ xứng đáng có mọi điều kiện và cơ hội mà công dân Đà Nẵng có!

Ông Thảo nói: “Cứ làm ăn chân chính, sống chan hòa với xóm giềng là thành quê mình hết”. 		              		           Ảnh: QUỲNH TRANG
Ông Thảo nói: “Cứ làm ăn chân chính, sống chan hòa với xóm giềng là thành quê mình hết”. Ảnh: QUỲNH TRANG

Neo đời giữa lòng phố

Đà Nẵng nhiều năm nay cũng là lựa chọn của những người nghèo đến từ các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Từ Liêm, Ứng Hòa (Hà Nội), người Nam Định, Bắc Ninh, Hà Giang… Họ mang theo phở Bắc, đậu khuôn, dưa cà, bắp rang, xúc xích chiên, hạt dẻ… mưu sinh trên nhiều góc phố. Điều dễ nhận thấy là những cung đường càng đông đúc như khu vực trung tâm, công viên, siêu thị, các chợ thì người Bắc tập trung càng nhiều.

Nhất là vào buổi tối, khi người lớn, trẻ em tụ tập vui chơi, cũng là lúc hơn chục xe hàng của những người Bắc sáng đèn phục vụ. Vừa thoăn thoắt rang bắp cho khách, Lê Thị Luyến (24 tuổi, người Hà Tây) đon đả chia sẻ, cô cùng chồng vào Đà Nẵng sinh sống với nghề bán bắp rang, xúc xích chiên đã 5 năm. Lấy chồng từ năm 18 tuổi, không học vấn, không có tay nghề, cuộc sống ở quê quá vất vả, vợ chồng Luyến theo phong trào “Nam tiến” rời quê rồi dừng chân ở Đà Nẵng. Từ sáng đến chiều tối, vợ bên bờ tây, chồng bên bờ đông sông Hàn đẩy xe đi bán đến tận khuya.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện vợ chồng Luyến đã tích cóp được một khoản tiền kha khá, định ráng thời gian nữa sẽ vay mượn thêm mua một căn chung cư re rẻ rồi đón con vào, ổn định cuộc sống. “Chồng em bôn ba nhiều, ảnh nói không đâu dễ sống như ở đây, hơn nữa mọi thứ với tụi em giờ đã trở nên quá thân quen, không muốn rời đi đâu nữa”, Luyến thổ lộ.

Nhắc xóm Huế, xóm Nghệ An, xóm Hà Nội ở Đà Nẵng nghe khá quen nhưng xóm miền Tây thì hình như còn là lạ.

Buổi chiều nọ, chúng tôi đến nhà anh Lê Minh Triều (người gốc Trà Vinh), sinh sống tại Đà Nẵng gần 10 năm nay mới thấy, từ cách bài trí căn nhà đến cái máy cassette cũ kỹ vang lên giai điệu đờn ca tài tử sao mà giống khung cảnh trong bộ phim “Đất phương Nam” nổi tiếng một thời. Anh Triều cùng vợ sinh sống ở Đà Nẵng từ năm 2007, sau một lần ra Hội An thăm bà con, được dẫn ra Đà Nẵng chơi rồi “tự dưng” cảm mến mảnh đất này.

Thời điểm đó, anh và vợ bán khoai lang nướng, khoai mì (sắn)  nướng - những đặc sản miền Tây. Ban đầu, khẩu vị người miền Tây “ngọt sợt” khác hẳn vị “mặn mòi” của miền Trung khiến anh khá lo lắng. Nhưng đúng là “trời không phụ lòng người”, sau 2 năm chăm chút cho hàng quán nhỏ, vợ chồng anh đã có lượng khách quen thuộc. Cuộc sống dần ổn định, anh về quê “kéo” những người thân còn vất vả đi theo mình. “Thú thực, quê tôi không ai biết thành phố Đà Nẵng là đâu cả, bởi đời họ chỉ quanh quẩn với ruộng đồng, kênh mương. Nghe tôi tả lại Đà Nẵng phát triển thế này, thế kia, họ không tin. Ban đầu, chỉ có một người cô đi theo tôi, đến nay, đã có thêm 3 cặp vợ chồng trong họ cùng vài người hàng xóm. Chúng tôi buôn bán rất vất vả nhưng nói thiệt là “sống được””, anh Triều nói.

Xóm miền Tây đã dần hình thành ở khu vực chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) như thế. Họ thuê trọ quây quần quanh chợ và hầu hết đều mang theo một thức quà đặc biệt của xứ miệt vườn là “xôi ngọt” để mưu sinh. Từ chiều tối đến đêm, xóm nhỏ thơm phức mùi nếp, bắp, đậu… Trời sáng, cả xóm chia nhau đi bán từ chợ An Cư, chợ Mới, chợ Chiều, chợ Mai, trước các trường học…

Chị Nguyễn Ngọc Trinh (em gái anh Triều), theo anh trai ra Đà Nẵng được 3 năm, tâm sự, thời gian đầu, chị phải gửi đứa con nhỏ 2 tuổi ở quê, nhờ ông bà nội trông giúp. Sống giữa phố thị khang trang, công việc buôn bán bấp bênh, nhiều đêm chị lại nhớ tiếng ếch kêu giữa đồng, nhớ con không ngủ được. Nhưng nay mọi thứ đã khác, cuộc sống dần ổn định, đưa được con nhỏ ra ở cùng để tiện bề chăm sóc, chị Trinh khá hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Đi qua các xóm nhập cư, dù cuộc sống và câu chuyện mưu sinh mỗi nơi một khác, nhưng mọi người đều có chung suy nghĩ về mảnh đất đã cưu mang mình như cái cách ông Thảo chân chất bộc bạch: “Đất lành thì chim đến ở, cùng là đồng bào Việt Nam, răng mà phải phân biệt người ni người kia đúng không? Tui ở đây đã mấy chục năm, có ai nói Huế nói Quảng chi đâu, cứ làm ăn chân chính, sống chan hòa với xóm giềng là thành quê mình hết”.

Thanh Tân – Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.