.

Cần sớm hình thành "chuỗi an toàn thực phẩm"

.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), tình trạng thực phẩm không sạch, sử dụng chất cấm tràn lan đang gây bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng đáng báo động này, việc tìm ra giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Chính vì vậy, mới đây, lãnh đạo thành phố quyết định khôi phục Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm do Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, giám đốc các sở liên quan như Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Chủ tịch UBND các quận, huyện là thành viên.

Đi vào cụ thể, những tồn tại, bất cập trong thời gian qua đối với những mặt hàng thực phẩm người dân sử dụng hằng ngày trong các bữa cơm gia đình, trong các nhà hàng, lễ tiệc... như rau xanh, thịt bò, heo, gà, tôm, cá… đang là đề tài nóng để bàn luận, phân tích, mổ xẻ. Đáng quan tâm nhất là tình trạng không kiểm soát được xuất xứ, chất lượng sản phẩm.

Đơn cử như việc sản xuất và tiêu thụ rau củ quả. Ở Đà Nẵng, tuy ngành nông nghiệp đã đầu tư cho nông dân 5 điểm sản xuất rau an toàn với tổng cộng 42ha, trong đó có cả dự án được đầu tư khá tốn kém, nhưng vẫn chưa có điểm tiêu thụ các loại rau đó, hoặc có nhưng tồn tại không lâu.

Từ đó, tình trạng rau an toàn lẫn lộn với rau thường, độ tin cậy về chất lượng và tính “an toàn” của các loại rau chưa được cơ quan chuyên môn kiểm chứng, nông dân hoang mang, giảm dần nhiệt huyết với việc trồng rau an toàn. Bên cạnh đó là tình trạng một lượng lớn rau quả từ các địa phương khác và từ Trung Quốc đổ về thị trường Đà Nẵng mà đa số đều không kiểm chứng được về mặt chất lượng, độ an toàn…

Từ thực trạng trên, có thể khẳng định là giữa đầu vào và đầu ra của thực phẩm các loại ở Đà Nẵng chưa đi theo một hệ thống, tạm gọi là “chuỗi thực phẩm an toàn”. Chính vì vậy, trong tương lai gần, nên sớm nghiên cứu để hình thành được khâu khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ với những sản phẩm có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng, thì người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng; hình thành những cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch gắn mác “thực phẩm chuỗi”.

Mọi sản phẩm, hàng hóa tại đây đều đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn, nhờ được kiểm soát từ khâu con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến chế biến… Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là sản phẩm sạch và an toàn.

Trước hết, đối với việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, nên thí điểm xây dựng “chuỗi rau an toàn” mà ở đó, các loại rau tham gia “chuỗi” được quản lý theo mô hình khép kín từ ruộng rau đến bàn ăn, từ khâu gieo trồng cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm sẽ được kiểm soát chặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, các sản phẩm chế biến muốn tham gia chuỗi cũng phải kiểm duyệt ở tất cả các khâu. Các nguyên liệu đưa vào chế biến phải là các sản phẩm thuộc chuỗi, quy trình chế biến, việc sử dụng phụ gia, chất bảo quản phải theo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đơn cử, nếu sản phẩm heo thịt được đem chế biến thành chả lụa, chả giò… hoặc sản phẩm chế biến khác thì phải qua kiểm duyệt quy trình chế biến trước khi đưa vào lưu thông tại hệ thống cửa hàng chuỗi thực phẩm sạch và được gắn mác “thực phẩm chuỗi”.

Quản lý chuỗi thực phẩm an toàn là mô hình có tính đột phá, mang lại hiệu quả bền vững, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, ở nước ta, trong đó có Đà Nẵng, chưa hình thành được nhiều mô hình quản lý theo chuỗi, nên khó quản lý cả đầu vào và đầu ra của thực phẩm từ ruộng rau, chuồng trại đến nơi tiêu thụ, ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, để “chuỗi thực phẩm an toàn” vận hành hiệu quả, cần phải hình thành các hợp tác xã hoạt động ổn định và có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Việc hình thành “chuỗi cung ứng sản phẩm” được kiểm soát từ khâu cung ứng ban đầu là vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến, buôn bán và đến tay người tiêu dùng sẽ là cơ sở mang tính thuyết phục bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đi vào thực chất, thể hiện sự quản lý, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần ngăn ngừa hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của toàn dân và xa hơn là của giống nòi…

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.